11:11 22/11/2014

Để giá trị Di sản Mỹ Sơn trường tồn với thời gian

Cùng với phố cổ Hội An, quần thể kiến trúc tháp Chăm Mỹ Sơn là một trong hai Di sản văn hóa thế giới tại tỉnh Quảng Nam, thế nhưng Mỹ Sơn có nguy cơ thành phế tích nếu như không có sự can thiệp kịp thời.

Cùng với phố cổ Hội An, quần thể kiến trúc tháp Chăm Mỹ Sơn là một trong hai Di sản văn hóa thế giới tại tỉnh Quảng Nam. Thế nhưng giờ đây Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đang đối mặt với nguy cơ trở thành phế tích nếu như không có sự can thiệp kịp thời.

Ông Nguyễn Công Khiết, Phó trưởng Ban Quản lý khu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn cho biết, theo các tài liệu khoa học, quần thể kiến trúc tháp Chăm Mỹ Sơn được bắt đầu xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 4. Ngoài chức năng hành lễ, Mỹ Sơn còn là trung tâm văn hóa và tín ngưỡng của các triều đại phong kiến Chămpa. Tháp cổ Mỹ Sơn chịu ảnh hưởng rất lớn từ Ấn Độ cả về kiến trúc lẫn văn hóa, tâm linh.

Qua mỗi giai đoạn lịch sử, Mỹ Sơn ghi lại dấu ấn huy hoàng về nền văn minh Chămpa từng vang bóng một thời. Mỹ Sơn được xem là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á.

Khách tham quan Khu di tích Mỹ Sơn. Ảnh: Minh Đức – TTXVN


Nhiều năm gắn bó với tháp cổ, ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết: Quần thể tháp Chăm Mỹ Sơn đã được xây dựng từ hàng nghìn năm nên việc xuống cấp là điều không tránh khỏi. Trong những năm qua, công tác bảo tồn di tích đã được thực hiện một cách có hiệu quả nhưng hiện tại nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong số các tháp hư hại lớn nhất, thì các khu tháp như F1, F2, B3, B4, B6, C2, C3, C7, D4, E3, E6, E8 đã hư hại đến mức nghiêm trọng.

Trong một nỗ lực để cứu Di sản, năm 1992, kiến trúc sư Kazik (Ba Lan) đã thực hiện việc xây tường gia cố ở hướng tây, kiềng tường tháp để cứu vãn khu tháp B3. Thế nhưng nước ngầm và nền địa chất đã khiến khu tháp B3 bị nghiêng hơn 8 độ về phía Tây Nam và xuất hiện nhiều vết nứt dài 6 m, rộng 8 - 12 cm. Năm 2013 vừa qua, Viện Khoa học công nghệ thuộc Bộ Xây dựng đã đào thám sát nghiên cứu tại cửa tháp B3, khoan thăm dò khảo sát tại các điểm nghiêng lún nhưng vẫn chưa có phương án xử lý hiệu quả - ông Tịnh cho hay.

Có lẽ cũng vì giá trị vĩnh hằng của đền tháp cổ Chăm Pa chinh phục nên khi tham quan Mỹ Sơn, vợ chồng bà Shane Camel McGrath đến từ Australia đã phải thốt lên rằng: “Đây quả là một nơi tuyệt vời để tham quan. Đây cũng chính là nơi du khách nên dành nhiều thời gian để thưởng ngoạn. Công việc nghiên cứu để giữ gìn và bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã được các bạn tiến hành đúng hướng. Tuy nhiên công tác tôn tạo Di sản này cần có thời gian cũng như kinh phí”. Ông bà Shane Camel McGrath cũng khuyến cáo rằng: “Các bạn nên quảng bá cho thế giới biết nhiều hơn nữa về Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Các bạn cũng phải thông báo cho tổ chức UNESCO và nhiều người trên thế giới biết rằng Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhất định chúng ta phải bảo vệ và giữ gìn Di sản này cho hôm nay và mãi về sau”.

Cùng chung quan điểm của khách quốc tế về giá trị của kiến trúc Chăm Pa tại Mỹ Sơn và xót xa trước thực tế Di sản sản này đang bị thời gian tàn phá, nên khi đưa học trò đến tham quan tháp cổ Mỹ Sơn để các em có bài học thực tế hơn về giá trị cổ xưa, ông Lê Vinh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông trung học Trần Phú, thành phố Đà Nẵng, kiến nghị: Là một trong những Di sản văn hóa của thế giới nhưng Mỹ Sơn đã xuống cấp ngày càng nghiêm trọng. Nếu chúng ta không có kế hoạch để trùng tu, tôn tạo thì nhất định Di sản này sẽ bị mai một. Được bảo vệ, trùng tu bài bản thì Di sản này mới lưu giữ được cho con cháu thế hệ mai sau.

Nói về công tác bảo tồn và tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn nói riêng và việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nói chung, ông Đinh Hài, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết, trong những năm qua, Nhà nước ta cũng như các tổ chức quốc tế, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Quảng Nam đã có nhiều cố gắng trong công tác trùng tu, bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Điều đáng mừng nhất là mới đây Chính phủ hai nước Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết Biên bản ghi nhớ về Bảo tồn và trùng tu các công trình kiến trúc Chăm tại Mỹ Sơn do Viện Khảo cổ Ấn Độ tiến hành. Theo đó, Chính phủ Ấn Độ sẽ dành nguồn vốn ODA khoảng 3 triệu USD và phía Việt Nam đóng góp một phần kinh phí đối ứng để trùng tu Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

"Chúng ta có quyền hy vọng rằng, các chuyên gia Ấn Độ với kinh nghiệm của mình, kết hợp với những kết quả nghiên cứu về Mỹ Sơn trước đây của các tổ chức trong nước và quốc tế sẽ góp phần triển khai có hiệu quả dự án Bảo tồn và trùng tu các công trình kiến trúc Chăm Mỹ Sơn. Dự án này được triển khai thực hiện trong thời gian tới sẽ góp phần đáng kể trong việc bảo tồn và lưu giữ được những giá trị văn hóa từ hàng nghìn năm qua của dân tộc. Với sự giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ sẽ góp phần để những giá trị của Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn trường tồn với thời gian" - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Đinh Hài nhấn mạnh.

Hãy chung tay giữ gìn Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn để không chỉ giữ gìn Di sản quý giá này cho thế hệ mai sau mà đó còn là sự tri ân với tiền nhân, với lịch sử. Sự trân trọng với lịch sử, với tiền nhân cũng chính là bản sắc văn hóa làm nên cốt cách tâm hồn người Việt Nam.


Đoàn Hữu Trung