03:06 14/03/2023

Để du lịch Việt Nam không ‘mở cửa sớm, về đích sau’ - Bài cuối: Hướng phát triển xanh, bền vững

Các nghiên cứu từ Tổng cục Du lịch, các chuyên khoa về du lịch của các trường đại học đều cho thấy lựa chọn của du khách đang thay đổi theo hướng tới du lịch xanh, bền vững. Đó cũng là những định hướng cho phát triển du lịch Việt Nam và định hình các sản phẩm du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Xu hướng du lịch mới

Theo Tổng cục Du lịch, dịch COVID-19 đã thay đổi đáng kể thói quen du lịch của du khách. Các nhóm bạn bè, gia đình nhỏ thường thích đến các khu hẻo lánh; các loại hình du lịch liên quan đến sức khỏe cũng được quan tâm hơn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng sẽ có nhu cầu cao hơn khi mua tour du lịch online thay cho offline trước đây.

Chú thích ảnh
Du lịch trên vịnh Lan Hạ, Hải Phòng. Ảnh: TTXVN

Do đó, bên cạnh các dòng sản phẩm du lịch có tính đại chúng cao như du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, lễ hội; du lịch đô thị; du lịch đêm; du lịch ẩm thực..., đã xuất hiện các dòng sản phẩm du lịch theo xu hướng mới dựa trên đặc điểm thị hiếu của khách du lịch.

Một số dòng sản phẩm là xu hướng trong thời gian tới là du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh. Sức khoẻ, chăm sóc bản thân, thư giãn, phục hồi hoàn toàn sau khi nhiễm bệnh… là những nhu cầu mà du khách chắc chắn muốn hướng tới. Do đó, những sản phẩm du lịch hướng tới nâng cao sức khoẻ đã, đang và chắc chắn sẽ trở thành xu hướng của xã hội hiện đại. Do vậy, các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục ưu tiên cho phát triển sản phẩm du lịch gắn với với trị liệu, làm đẹp, hoạt động thể thao như thiền, yoga, dưỡng sinh, các dịch vụ tắm khoáng, tắm thuốc... Ngoài ra, dòng sản phẩm liên quan tới hoạt động thể thao của du khách nhằm giải trí và rèn luyện thể lực như trekking - đi bộ mạo hiểm, leo núi, đạp xe, chèo thuyền... cũng ngày càng được nhiều du khách quan tâm.

Cùng với các xu hướng du lịch an toàn, du khách còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường tại mỗi điểm đến. Khi lựa chọn điểm đến, du khách đang có xu hướng chọn không gian mở ngoài trời như bãi biển, rừng, công viên quốc gia, khu bảo tồn động vật hoang dã...

Với thế mạnh về điều kiện tự nhiên và sự đa dạng sinh học, Việt Nam có lợi thế phát triển dòng sản phẩm du lịch biệt lập (Isolated travel), du lịch xanh (green travel), du lịch sinh thái, du lịch nông thôn,... Các sản phẩm du lịch dã ngoại (camping/glamping), du lịch farm-stay cũng là một trong những xu hướng du lịch mới đầy tiềm năng, thu hút lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ tuổi và gia đình. Tuy nhiên, cần đảm bảo sự khai thác với quy mô nhỏ, tránh được những tác động về môi trường và xã hội.

Dòng sản phẩm du lịch cộng đồng cũng cần được quan tâm khai thác dựa trên giá trị văn hóa bản địa các vùng miền. Đây cũng là dòng sản phẩm hướng tới tăng cường các trải nghiệm của các nhóm du khách với quy mô nhỏ; tránh những nơi tập trung đông đúc và ồn ào.

“Bên cạnh đó, Việt Nam đẩy mạnh dòng sản phẩm du lịch ẩm thực. Việt Nam được các chuyên gia maketing gợi ý: Việt Nam – bếp ăn thế giới. Thực tế trong thời gian qua, đây là một lợi thế mà các địa phương khai thác để tăng thêm lợi thế về sản phẩm du lịch”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho biết.

Phục hồi du lịch quốc tế bền vững

Để thúc đẩy du lịch quốc tế đến Việt Nam, đạt mục tiêu 8 triệu lượt khách, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đề xuất, cần áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả các thị trường khách và tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, tăng cường ứng dụng công nghệ; Kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch vào Việt Nam; Xem xét thí điểm việc cấp thị thực tại cửa khẩu cho khách du lịch quốc tế; Tăng cường vai trò cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài phối hợp hỗ trợ giới thiệu, tổ chức các hoạt động xúc tiến trực tiếp và kết nối lại doanh nghiệp; cập nhật các chính sách của các nước cạnh tranh trong khu vực, để có sự điều chỉnh hợp lý trong hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông du lịch.

Chú thích ảnh
Du lịch cộng đồng sẽ có sức hút với du khách.

Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL đề xuất mở rộng việc thiết lập các đường bay trực tiếp kết nối Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ là thị trường nguồn khách du lịch của Việt Nam; Nâng cấp các đầu mối kết nối hàng không, với đường bộ, đường biển; cải thiện dịch vụ vận tải nói chung; Xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, đáp ứng xu hướng mới của khách du lịch hậu COVID-19

Ngành du lịch tập trung làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE); du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe… Củng cố cơ sở vật chất phục vụ các yêu cầu chuyên biệt của một số nhóm khách đang là thị trường tiềm năng như khách đạo Hồi, đạo Hindu, khách ăn chay…

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: Về sản phẩm du lịch, mỗi địa phương phát triển sản phẩm đặc thù và tăng liên kết vùng, liên kết địa phương trong một vùng. Từ đó, các địa phương điều phối lựa chọn sản phẩm đặc trưng, tránh tình trạng manh mún, sản phẩm na ná lẫn nhau.

Từ tập trung liên kết phát triển sản phẩm, các địa phương đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch vùng; kết nối tour, tuyến, điểm du lịch trong vùng và liên vùng; thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nhân lực du lịch vùng; Tăng cường hợp tác công tư, phát huy tối đa nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ liên kết, phát triển du lịch; hình thành mô hình liên kết giữa các địa phương, có tham gia của cơ quan quản lý nhà nước và một số doanh nghiệp lớn.

“Nhiều thói quen và nhu cầu đi du lịch của du khách trên thế giới đã thay đổi, Việt Nam rất cần những sản phẩm mới chất lượng cao và sức cạnh tranh tốt nhằm đáp ứng khách hàng. Đây là thời điểm thay đổi lại phân khúc thị trường khách, chất lượng hơn, hiệu quả hơn”, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Hiện nay mong muốn nhất của doanh nghiệp du lịch là Nhà nước khôi phục đầy đủ và thực thi tốt các chính sách du lịch đã có từ trước dịch COVID-19, nhất là làm nhanh và minh bạch cấp visa điện tử theo đúng chỉ đạo Thủ tưởng Chính phủ trong hội nghị bàn giải pháp thu hút khách quốc tế tổ chức vào đầu năm 2023. Đồng thời, các địa phương, doanh nghiệp hình thành các nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng theo hướng sản phẩm du lịch du khách cần chứ không phải những thứ chúng ta đã có sẵn”.

Trong năm 2023, du lịch Việt Nam sẽ tổ chức chuỗi sự kiện lớn về du lịch tại Việt Nam, như Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chuỗi sự kiện của Năm Du lịch quốc gia 2023 tại tỉnh Bình Thuận với chủ đề “Hội tụ xanh”, Festival Huế 2023... Đây sẽ là cơ hội để giới thiệu, quảng bá về du lịch địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung.
XM­­/Báo Tin tức