03:04 14/03/2023

Để du lịch Việt Nam không ‘mở cửa sớm, về đích sau’ - Bài 1: Giải bài toán thu hút khách quốc tế

Sau 1 năm mở cửa trở lại đón khách du lịch hậu COVID-19, du lịch nội địa phục hồi nhanh chóng nhưng lĩnh vực đón khách quốc tế vẫn chưa được như kỳ vọng. Việt Nam được đánh giá mở cửa du lịch sớm nhưng về đích sau nếu so sánh với các nước trong khu vực. Các điểm nghẽn sau một năm vẫn đang cần những nỗ lực để tháo gỡ.

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách, hơn gấp đôi số lượng khách quốc tế đã đón trong năm 2022. Với nhiều người làm du lịch, đây là mục tiêu lớn trong bối cảnh lạm phát nhiều nơi trên thế giới tăng, thủ tục làm visa (thị thực) chưa được thuận tiện…

Visa – rào cản với khách ngoại

Ông Nguyễn Thơ, Giám đốc Công ty Hanoi Backstreet Tours) phản ánh: “Một khách quốc tế cho biết không book dịch vụ đi citour Hà Nội nữa vì chuyển hướng sang du lịch Thái Lan. Khi hỏi cặn kẽ hơn, họ cho biết lý do thủ tục xin visa mất thời gian, trong khi đi Thái Lan không cần visa và chi phí rẻ hơn.

Ông Nguyễn Thơ chia sẻ: “Khi khách phản hồi không đến Việt Nam, tôi cũng đã tìm hiểu nguyên nhân. Du khách phản ánh, “cái khó” khi đến Việt Nam là xin visa và giá tour khá cao. Về lý thuyết, việc cấp e-visa (visa điện tử) mang tới sự minh bạch, chi phí rẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc khai báo, việc nộp qua mạng vẫn bị lỗi, du khách không biết phản hồi tới đâu. Nếu du khách không thể tự xin cấp e-visa, họ sẽ thông qua đơn vị làm dịch vụ. Do đó, chi phí du lịch sẽ đội lên. Cùng với đó, các chuyến bay thẳng đến Việt Nam sau dịch chưa nhiều và phải nối chuyến nên chi phí cho vé từ châu Âu đến Việt Nam thời điểm này đắt gấp đôi so với trước dịch COVID-19”.

Chú thích ảnh
Du khách trải nghiệm in mộc bản cải biên tại chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang.

“Trong bối cảnh kinh tế thế giới lạm phát, chi phí đắt đỏ, khách đi lẻ đến từ châu Âu, Bắc Mỹ sẽ cân nhắc về điểm đến. Vì vậy, theo kết quả khảo sát, du khách châu Âu, Bắc Mỹ sẽ chọn Thái Lan, Singapore… vì chi phí rẻ hơn khoảng 20% so với đến Việt Nam”, ông Nguyễn Thơ chia sẻ.

Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Lê Nguyên Long, Giám đốc Asiantour, chuyên đón khách đoàn từ Bắc Mỹ và châu Âu cho biết: Khách quốc tế đến Việt Nam gia tăng từ tháng 10/2022 nhưng không được như kỳ vọng. Công ty cũng phát phiếu khảo sát và thu thập ý kiến phản hồi từ các du khách và nhận thấy có 2 vấn đề lớn được du khách đề cập đến nhiều nhất là xin visa và giá cả khi so sánh với các điểm đến trong khu vực. Việt Nam và Thái Lan là 2 điểm đến tương đồng. Tuy nhiên, điểm đến Thái Lan dễ tiếp cận hơn do có nhiều đường bay, nhập cảnh thuận tiện, dẫn đến chi phí rẻ hơn.

“Thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu nhập cảnh vào Thái Lan được miễn visa. Trong khi đó, để đến Việt Nam, du khách Bắc Mỹ và một số nước châu Âu (không nằm trong một số nước được miễn visa 15 ngày) phải tự làm e-visa (xin visa trực tuyến). Với một số khách trẻ, thông thạo công nghệ, họ có thể tự làm nhưng nhiều nhóm khách khác phải thông qua làm dịch vụ, với mức chi phí từ 50-70USD. Chính vì vậy, với thị trường khách Bắc Mỹ, khi xây dựng chương trình, chúng tôi ghi rõ “giá tour không bao gồm làm visa”. Giá tour đi Việt Nam tăng thêm chi phí và mất thời gian hơn”, ông Lê Nguyên Long chia sẻ.

“Thả con săn sắt bắt con cá rô”

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho biết, Việt Nam hiện miễn thị thực cho 24 quốc gia. Nhiều nước trong khu vực ASEAN đã sử dụng chính sách miễn thị thực từ 30 - 45 ngày, kéo dài thời gian lưu trú để thu hút thêm khách quốc tế. Đơn cử như Thái Lan đang áp dụng miễn thị thực du lịch cho công dân của 65 nước, Indonesia là 170 nước, Philippines là 157 nước… Chưa kể, Thái Lan còn cho phép du khách lưu trú tới 90 ngày và được ra vào nhiều lần. Trong khi đó, Việt Nam miễn thị thực đơn phương với một số nước châu Âu chỉ 15 ngày.

Chú thích ảnh
Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đông khách trở lại trong hơn năm qua.

Việc miễn thị thực của một số nước trong khu vực đã tạo ra lợi thế khi hút khách. Điều này có thể nhìn thấy thông qua kết quả đón khách năm 2022 như: Thái Lan với mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế ban đầu đã đạt 11,8 triệu khách quốc tế; Singapore, đón 6,3 triệu khác quốc tế, Indonesia đón hơn 5 triệu lượt khách quốc tế…

“Các nước đã chọn miễn visa để tạo cảm giác thoải mái ngay cho du khách khi bắt đầu lựa chọn hành trình du lịch. Phương án này dựa trên hành vi thói quen của khách đã thay đổi và mang lại hiệu quả”, ông Hoàng Nhân Chính cho biết.

Dẫn các đoàn đi khảo sát về làm du lịch cộng đồng tại các nước Thái Lan, Indonesia, ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam nhận thấy, một số nước lựa chọn miễn visa để thu hút khách bởi tư duy coi du lịch là chìa khoá để thúc đẩy dịch vụ khác. Từ phát triển du lịch sẽ tạo nguồn thu thuế, dịch vụ bán hàng, tạo thêm công ăn việc làm cho lao động.

“Các nguồn thu từ dịch vụ thương mại cao hơn nguồn thu từ chương trình tour. Thu từ dịch vụ thương mại chiếm 70% chi phí của khách nên việc không thu phí visa là để “thả con săn sắt, bắt con cá rô”, ông Phạm Hải Quỳnh chia sẻ.

Bên cạnh chính sách visa, việc triển khai xúc tiến quảng bá, maketing và tạo dựng sản phẩm với từng thị trường khách của Việt Nam còn thiếu và chưa chi tiết. Hiện nay, Việt Nam đang tận dụng quảng bá hình ảnh trên các nền tảng số. “Với từng thị trường phải có nội dung tuyên truyền riêng theo thói quen, đặc điểm văn hoá và khả năng phục hồi. Trong xúc tiến quảng bá, Nhà nước xúc tiến điểm đến còn doanh nghiệp xúc tiến sản phẩm. Việc tập hợp, quy tụ các doanh nghiệp du lịch cho các chiến dịch quảng bá vẫn còn manh mún”, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Liên chi hội lữ hành Việt Nam phân tích.

Để chia sẻ thông tin về thị trường, dịch vụ, điểm đến, các doanh nghiệp đón khách quốc tế hiện tự quy tụ, liên kết thành nhóm khoảng 200 thành viên và tự xác định với nhau về thị trường khách quốc tế: Các luồng khách Châu Âu, Châu Mỹ dự báo sẽ gặp khó khăn bởi yếu tố giá tour tăng hơn với trước dịch COVID-19. Thị trường khách Trung Quốc mới mở cửa và đang thăm dò. Thị trường Ấn Độ sau 6 tháng tăng trưởng mạnh nhờ chương trình khuyến mại của hàng không nay cũng chững lại vì yếu tố giá vé máy bay. Hiện nay chỉ có duy nhất thị trường khách Hàn Quốc là ấm dần và tăng trưởng đều.

Đánh giá về thị trường khách đoàn Trung Quốc sẽ triển khai từ 15/3/2023, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamigo Redtours, Trưởng Ban Truyền thông – Chuyển đổi số Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Khách đoàn Trung Quốc được khai thác trở lại từ 15/3/2023 sẽ góp phần tăng trưởng khách quốc tế, hướng đạt mục tiêu đón 8 triệu lượt trong năm 2023, bởi đây là thị trường khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp du lịch, hàng không lập kế hoạch khai thác thị trường. Sự tăng trưởng khách Trung Quốc thời gian tới sẽ góp phần lấp khoảng trống thấp điểm khách quốc tế đến từ Châu Âu.

“Điểm quan trọng nhất khi đón khách đoàn Trung Quốc là tạo nên luồng sinh khí mới khôi phục hoạt động du lịch Việt Nam. Thực tế tại các điểm thường đón khách Trung Quốc như Quảng Ninh, Khánh Hoà, Đà Nẵng, vẫn còn tới 50-60% cơ sở nhà hàng, khách sạn chưa mở cửa trở lại hoặc chỉ hoạt động một phần công suất. Cho nên, nếu thị trường khách Trung Quốc hồi phục sẽ là động lực để các chủ doanh nghiệp du lịch mạnh dạn đầu tư, khôi phục lại hoạt động”, ông Nguyễn Công Hoan chia sẻ.

Ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc công ty TNHH lữ hành quốc tế Tictour (Khánh Hoà), đơn vị có hợp tác đón khách Trung Quốc trước dịch COVID-19 cho biết: Theo tiến độ thị trường, các cơ sở khách sạn, nhà hàng sẽ đầu tư để hoạt động trở lại nếu luồng khách Trung Quốc khôi phục trở lại. Để đón khách còn là cả câu chuyện dài về visa, nguồn nhân lực, vốn đầu tư…

Thực tế từng khai thác luồng khách Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Thắng cho rằng, nhóm khách đi bằng đường hàng không có khả năng chi trả cao và lấp được những khoảng trống thấp điểm theo mùa du lịch tại Nha Trang, giúp khai thác tối đa công suất buồng phòng khách sạn, tăng hiệu quả kinh tế.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Liên chi hội lữ hành Việt Nam nhận định: Thị trường khách lớn, có khả năng chi trả cao của Việt Nam vẫn là thị trường Âu – Mỹ với những chuyến đi dài ngày (15-30 ngày). Đối tượng khách này đi dài ngày sẽ hiệu quả nhiều hơn là đối tượng khách đi ngắn ngày nên có chính sách tiếp cận khai thác như nâng thời gian lưu trú khi miễn visa, hướng tới dịch vụ văn hoá kết hợp nghỉ dưỡng. Tiếp đến là các thị trường khách gần trong khu vực và khu vực Đông Bắc Á chủ yếu là tour ngắn ngày (khoảng 5-7 ngày); các thị trường mới như khách Ấn Độ, Trung Đông, Nam Mỹ. Với sự biến động thị trường khách sau đợt dịch và quá trình hội nhập đòi hỏi du lịch Việt Nam phải thích ứng. Với từng dòng khách, các doanh nghiệp và các địa phương cũng đang tạo dựng các sản phẩm riêng để có thể đáp ứng với sự hồi phục trở lại của khách quốc tế.

Tín hiệu phát triển du lịch trong những tháng đầu năm vẫn ghi nhận sự tăng trưởng lượng khách. Trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đón 1,8 triệu khách quốc tế, phục vụ 20 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch hai tháng ước đạt 85,6 nghìn tỷ đồng. Nhìn tổng quan, theo đánh giá của các doanh nghiệp du lịch, thị trường khách quốc tế đang có những bước hồi phục nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng. Cùng với đó, thị trường khách du lịch nội địa vẫn là dòng khách chủ đạo trong năm nay của du lịch Việt Nam.

 Bài 2: Xoá ‘hạt sạn’ chặt chém và chất lượng dịch vụ kém

Bài, ảnh: Xuân Cường/Báo Tin tức