11:15 22/11/2013

Để du lịch tâm linh phát triển bền vững

Phát triển du lịch tâm linh ngày nay đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Để loại hình du lịch này phát triển bền vững, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lý, hoạch định chính sách về du lịch trong, ngoài nước đã chia sẻ những câu chuyện thực tiễn.

Phát triển du lịch tâm linh ngày nay đang là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Để loại hình du lịch này phát triển bền vững, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lý, hoạch định chính sách về du lịch trong, ngoài nước đã chia sẻ những câu chuyện thực tiễn.

Phát triển dựa vào yếu tố địa phương

Ông Jose Paz Gestoso, Giám đốc điều hành công ty Xacobeo, người giữ vị trí quan trọng trong Bộ Du lịch của Tây Ban Nha, khu vực Galicia trong suốt 15 năm qua chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng tua du lịch “con đường của Thánh James” ở thành phố Santiago. Thành công của tua du lịch trên khởi nguồn từ việc công ty Xacobeo chú trọng yếu tố địa phương, hợp tác tốt với các nhà thờ, giáo hội, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Các chương trình quảng bá với những mục tiêu, kỳ vọng được chia sẻ; những hoạt động xúc tiến cùng nhau phối hợp thực hiện trên cơ sở cùng có lợi. Lợi ích mang lại của việc phát triển du lịch tâm linh cho địa phương được nhấn mạnh…

Khu du lịch Tràng An - Bái Đính, điểm du lịch thu hút đông đảo du khách. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN


Cùng chung quan điểm đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn cho biết: ở Việt Nam, có nhiều điểm du lịch tâm linh rất hấp dẫn du khách, trong đó có Khu du lịch Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình). Là một trong những điểm du lịch làm tốt việc phát triển du lịch tâm linh dựa vào cộng đồng, khu du lịch Tràng An - Bái Đính đã tận dụng những nét độc đáo, riêng biệt của tỉnh Ninh Bình; hàng năm thu hút trung bình trên 4 triệu lượt khách trong, ngoài nước.

Từ thành công của Ninh Bình, Việt Nam đang xây dựng các con đường du lịch tâm linh qua rất nhiều tỉnh, thành phố. Đó là các tuyến du lịch Hà Nội - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương) -Đông Triều, Yên Tử (Quảng Ninh) -Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình); Chùa Hương (Hà Nội)-Tam Chúc Ba Sao (Hà Nam) - Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình) - Đền Trần (Nam Định); tuyến Kinh đô Việt cổ gồm Đền Hùng (Phú Thọ) Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội) - Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) - Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) - Cố đô Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Tăng cường giao lưu văn hóa và du lịch có trách nhiệm

Phát triển du lịch tâm linh ngày nay không chỉ bó gọn trong phạm vi một nước mà còn mở rộng ra các khu vực và trên toàn thế giới. Giám đốc điều hành Trang tin du lịch Travel Impact Newswire (Thái Lan), Imtiaz Muqbil cho rằng: Ở khu vực ASEAN, khi 10 nước đều hội nhập về kinh tế, phật tử sẽ chiếm khoảng 40%, người hồi giáo chiếm khoảng 42%. Do đó, sự hình thành một cộng đồng hòa bình, năng động về kinh tế, đa số về ý chí chính trị sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ Phật giáo-Hồi giáo. Điều này cho thấy du lịch tâm linh muốn phát triển bền vững phải thúc đẩy việc cùng tồn tại, hiểu biết lẫn nhau và đối thoại; đồng thờ,i thừa nhận sự đa dạng tôn giáo và văn hóa khu vực.

Chia sẻ quan điểm trên, bà Dương Bích Hạnh, Trưởng ban Văn hóa - Văn phòng UNESCO Hà Nội còn viện dẫn việc miền Trung Việt Nam thành công nhờ phát triển du lịch có trách nhiệm. Là mái nhà chung của 3 khu di sản thế giới được UNESCO công nhận, miền Trung Việt Nam có số lượng khách đến tăng khoảng 250% , từ năm 2004-2010. Thành công trên bắt đầu từ việc khu vực này đảm bảo các mối liên hệ với phát triển du lịch gắn kết xã hội và sự bền vững về văn hóa - môi trường, tăng cường đối thoại giữa các bên liên quan. Đặc biệt, hoạt động quảng bá di sản thế giới tại miền Trung được thực hiện một cách bền vững với sự tham gia năng động của các Ban quản lý, cộng đồng địa phương sinh sống quanh khu di sản.

Còn theo Giám đốc điều hành của công ty Xacobeo, Jose Paz Gestoso: tua du lịch “con đường của Thánh James” đạt được thành công lớn song cũng còn một số thách thức, trong đó có việc quá tải khách trong mùa hè. Giải quyết vấn đề này, thành phố Santiago phải xây dựng khuôn khổ pháp lý để duy trì con đường du lịch tâm linh hấp dẫn này. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến quảng bá dịch vụ lữ hành được tập trung thông qua các tổ chức tôn giáo, bạn bè trong, ngoài khu vực. Thành phố cố gắng đạt được sự đồng thuận trong việc phát triển du lịch bền vững cân bằng trong bối cảnh phát triển chung, bảo vệ nền văn hóa bản địa, gìn giữ nét cổ kính của các kiến trúc trên con đường.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Để phát triển bền vững du lịch tâm linh, các quốc gia, vùng lãnh thổ cần có một chính sách cụ thể, đồng bộ. Bà Marina Diotallevi, Quản lý chương trình Đạo đức và các khía cạnh xã hội trong du lịch của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) thừa nhận: Du lịch tâm linh có thể tạo ra nhiều việc làm, nhiều sản phẩm, dịch vụ cho xã hội… song chúng ta vẫn phải đối mặt với không ít vấn đề kèm theo. Điều này không những đòi hỏi các bên liên quan ứng xử có trách nhiệm mà còn yêu cầu tạo ra khuôn khổ để điều chỉnh các hoạt động, chính sách pháp luật phù hợp, khuyến khích cộng đồng tham gia để du lịch tâm linh có đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội.

Từ thực tiễn các các mô hình phát triển du lịch tâm linh ở Úc, Brazil, Saudi Arabia, bà Marina Diotallevi gợi ý: để du lịch tâm linh hoạt động vì sự phát triển bền vững cần tìm hiểu tiềm năng đối thoại quốc tế; thảo luận về các phương thức hội nhập thành công văn hóa sống, các truyền thống, tín ngưỡng với du lịch trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc phát triển bền vững. Kết hợp giữa nhà nước và tư nhân cùng cam kết có trách nhiệm với xã hội và cải thiện hiện trạng kinh tế xã hội của các cộng đồng ở địa phương.Thiết lập các cơ chế hợp tác trong khu vực và tuyên truyền rộng những thực tiễn điển hình.

Ở Việt Nam, ngành Du lịch đang tìm cách kết nối con đường du lịch tâm linh với bạn bè trong khu vực và quốc tế. Trước mắt, Việt Nam định hướng phát triển du lịch tâm linh theo hướng tập trung đầu tư phát triển theo quy hoạch bài bản trên cơ sở khai thác những giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa; đặc biệt là văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam. Phát triển du lịch tâm linh trở thành động lực thu hút khách, thúc đẩy hoạt động dịch vụ du lịch khác, tạo dự đa dạng cho du lịch Việt Nam, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Đưa du lịch tâm linh trở thành mục tiêu phát triển đời sống tinh thần của nhân dân.

Để làm được những điều đó, Việt Nam tập trung thực hiện nhiều giải pháp: tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch tâm linh; xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh theo quy hoạch không gian phát triển các khu, điểm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách; đầu tư vào các khu du lịch tâm linh để tạo ra sự đồng bộ; phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch tâm linh… Trong thời gian tới, theo quan điểm phát triển của Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh phù hợp với xu hướng chung và sự phát triển bền vững.


Mỹ Bình