03:01 15/03/2019

Để có thể tiến xa, không thể không… đi bộ

Chủ trương phân vùng hạn chế xe máy trong nội đô nhằm giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường đến năm 2030 đang được dư luận quan tâm. Đặc biệt, trước thông tin Hà Nội sẽ thí điểm cấm xe máy trên 2 tuyến đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi, rất nhiều ý kiến trái chiều nhau đã được nêu ra.

Theo Sở GTVT Hà Nội, trên tuyến đường thí điểm sẽ cấm hoạt động xe máy vào giờ cao điểm từ thứ 2 đến thứ 6, bố trí làn ưu tiên cho xe buýt. Ngoài thời gian cấm trên sẽ xem xét cho phép xe máy có thể hoạt động trên làn ưu tiên của xe buýt.

Chú thích ảnh
Ùn tắc giao thông là nguyên nhân của ô nhiễm môi trường, tổn hại nhiều về kinh tế - xã hội. Ảnh: Lê Phú

Việc cấm xe máy trong các tuyến đường nội đô, bên cạnh lý do về môi trường (không khí tại Hà Nội đang ô nhiễm trầm trọng, và một trong các nguyên do là khí thải từ giao thông), là lý do về hạ tầng. Hà Nội có 33 tuyến đường thường xuyên ùn tắc, bất kể ngày đêm. Tốc độ tăng trưởng phương tiện so với tốc độ tăng trưởng hạ tầng đang không cân xứng, trong khi tốc độ phát triển hàng năm của ô tô là 10% và xe máy 8%, thì tốc độ tăng trưởng diện tích mặt đường chỉ đạt 0,39%, chiều dài 1,3 %/năm. Các chuyên gia đánh giá tác động của ùn tắc giao thông gây thiệt hại cho Hà Nội khoảng từ 1 - 1,2 tỷ USD/năm, chưa kể ảnh hưởng về xã hội, sức khỏe của con người, môi trường đầu tư, cũng như các vấn đề phát triển xã hội khác.

Đây chính là các lý do cơ bản, dẫn tới chủ trương hạn chế xe máy trong nội đô, và gần nhất rất có thể là việc triển khai thí điểm cấm hoạt động xe máy trên 1 trong 2 tuyến đường.

Trong khi các nhà quản lý đang hy vọng giải pháp này có thể góp phần giải bài toán giao thông nội đô, thì nhiều người dân bày tỏ lo ngại việc cấm xe máy thí điểm sẽ ảnh hưởng giờ học, giờ làm của họ. Việc cấm phương tiện trên 1 tuyến đường sẽ khiến phương tiện dồn sang các lối khác, và lại tiếp tục gây ùn tắc ở đó. Bên cạnh đó, mới chỉ có một trục đường bị cấm có các phương tiện thay thế (xe buýt nhanh hoặc tàu điện trên cao), còn rất nhiều nhu cầu đi lại khác sẽ không thể đáp ứng, bởi mạng lưới giao thông công cộng chưa bao phủ trọn vẹn.

Trước tâm tư và những khó khăn trông thấy của người dân, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội khẳng định, thành phố chỉ hạn chế hoạt động của xe máy khi đủ các điều kiện để không làm xáo trộn đời sống, sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Việc thực hiện lộ trình hạn chế xe máy đã được nghiên cứu và sẽ áp dụng từng bước.

Từ Hà Nội có thể nhìn sang các thành phố lớn trên thế giới, nơi người dân đã quen với việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng như tàu điện, tàu điện ngầm, xe bus, tàu trên cao... Để thực hiện các hành trình trong thành phố, người dân có thể rất linh hoạt bắt các phương tiện giao thông công cộng khác nhau, và dành thời gian khi ngồi trên các chuyến tàu điện, xe bus để đọc sách, nghe nhạc hoặc nghỉ ngơi. Để di chuyển giữa các điểm bắt tàu, xe, người dân không ngần ngại đi bộ, thậm chí có những khoảng cách không gần. Điều này hết sức bình thường, vì nhu cầu và thói quen đi bộ của người dân là rất cao. Tại những đất nước phát triển, cuộc sống càng văn minh, phương tiện càng hiện đại, thì việc vận động cơ thể để tăng cường sức khỏe càng là một phần của cuộc sống.

Chú thích ảnh
Thói quen đi bộ, di chuyển giữa các chặng xe bus, tàu điện giúp con người có sức khoẻ dẻo dai hơn và hạn chế được các phương tiện giao thông cá nhân gây nhiều ô nhiễm. Ảnh: Shutterstock

Hà Nội nói riêng và cả đất nước chúng ta nói chung đang tiến những bước tiến vững chắc tới sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội. Bản thân chủ trương hạn chế các phương tiện cá nhân khi tham gia giao thông nhằm bảo vệ môi trường, giảm quá tải của hạ tầng giao thông… cũng chính là nhằm đưa đất nước và thủ đô tiến tới đích phát triển văn minh, hiện đại. Chính vì vậy, mỗi người dân nếu hình thành được cho mình thói quen văn minh, tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chấp nhận những khoảng cách phải “đi bộ” đúng nghĩa đen –có thể ban đầu sẽ hơi bất tiện- để xây dựng một môi trường chung trong lành, thông thoáng và sức khỏe dẻo dai cũng là điều hết sức cần thiết. 

Nhưng để phục vụ cho việc hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng của người dân, chính quyền và các cơ quan liên quan cần nỗ lực đồng bộ hóa hạ tầng giao thông, trước hết là đảm bảo không gian vỉa hè thông thoáng, thuận tiện cho người đi bộ. Các phương tiện giao thông công cộng cần được nâng cấp, đồng thời hệ thống giao thông công cộng được lan tỏa tới nhiều địa bàn hơn nữa, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân một cách tốt nhất.

Và việc tạo điều kiện cho mọi người dân được tự giác chấp hành các chủ trương tiến bộ, văn minh mới chính là bước khởi đầu phù hợp cho mọi lộ trình, trong đó có cả lộ trình cắt giảm, hạn chế xe gắn máy cùng các phương tiện cá nhân.

 

Thùy Hương/Báo Tin tức