10:19 15/10/2014

Để có những khu đô thị văn minh

Sự tùy tiện trong sinh hoạt chung cũng phần nào bởi lối sống cá nhân, ích kỷ, thiếu tinh thần cộng đồng của một bộ phận cư dân, nó đã vô tình làm xấu đi bộ mặt của đời sống ở các khu đô thị mới vốn to đẹp, hiện đại. Việc xây dựng văn hóa chung cư là điều thật sự cần làm.

Sự tùy tiện trong sinh hoạt chung cũng phần nào bởi lối sống cá nhân, ích kỷ, thiếu tinh thần cộng đồng của một bộ phận cư dân, nó đã vô tình làm xấu đi bộ mặt của đời sống ở các khu đô thị mới vốn to đẹp, hiện đại. Việc xây dựng văn hóa chung cư là điều thật sự cần làm.

Vì đâu nên nỗi


Theo một nhà nghiên cứu văn hóa, muốn xây dựng văn hóa cộng đồng tại khu đô thị mới thì không chỉ cần phải tính đến vấn đề không gian kiến trúc, cảnh quan, mà hơn hết phải tạo được “khung” cho các hoạt động cộng đồng, xây dựng ý thức từ chính những chủ nhân của nó.


Về vấn đề này, KTS Nguyễn Thế Khải chia sẻ: “Theo đúng mô hình thì các khu đô thị mới của ta đang thiếu các địa điểm sinh hoạt cộng đồng. Đôi khi chính người dân tự làm mất đi địa điểm sinh hoạt cộng đồng của mình như lấn chiếm khuôn viên để bán hàng, giữ xe... Chính vì thiếu nên tính cộng đồng cũng giảm đi”.


Văn hóa chung cư là điều rất cần thiết để nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh: Hoàng Tuyết


Theo ông Khải, việc các khu đô thị kiểu mới chỉ chú trọng đến việc xây dựng các trung tâm mua sắm như siêu thị, cửa hàng là chưa đủ và chưa ổn. Khuôn viên và số dân cư trong một khu đô thị cũng tương đương với một làng, một tổ dân phố, thậm chí là một xã, một phường, vì vậy phải bảo đảm đủ cơ cấu sinh hoạt của một đơn vị hành chính, cũng cần thiết phải có nhà văn hóa, có các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ có khuôn viên vui chơi mới là khu đô thị có văn hóa.


Còn theo Ths Nguyễn Thị Kim Liên, chuyên gia nghiên cứu về đời sống văn hóa - xã hội: “Tại các chung cư mới hiện nay, đội ngũ ban quản lý rất hạn chế, thường chỉ có vài người, vì thế không thể quản lý hết hàng ngàn hộ dân sống trong một tòa nhà chung cư cao tầng. Do vậy, các vấn đề như: giữ gìn vệ sinh chung, lấn chiếm không gian sống của tập thể, thiếu ý thức tập thể cộng đồng... vẫn còn chưa được kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên. Muốn xây dựng ý thức tập thể tại các chung cư, cần phải có sự phối hợp, sự đồng thuận, cần có tiếng nói chung giữa người dân sống trong các tòa nhà và những người quản lý tòa nhà đó. Bên cạnh đó, một yếu tố rất quan trọng góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở các khu chung cư là phải nâng cao thu nhập cho người dân. Khi có đủ điều kiện về kinh tế, mức sinh hoạt cá nhân của các hộ dân được nâng cao, mới có điều kiện để nói tới việc nâng cao ý thức văn hóa trong môi trường cộng đồng”.


“Quan trọng nhất để xây dựng nếp sống văn minh ở các khu đô thị là những người sống ở đó phải biết tự cải tạo mình, từ chỗ không phải là thị dân thành thị trở thành thị dân văn minh. Phải xây dựng được một thế hệ thị dân đích thực với lối sống văn hóa đô thị, còn những người nông dân, những người làm chủ nông thôn với những quy tắc của nông thôn, khi ra đô thị phải tuân thủ nếp sống, văn hóa, luật pháp ở đô thị”, GS Lê Văn Lan chia sẻ.


Vai trò chủ thể


Với vai trò làm chủ môi trường sống, người dân có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng nếp sống văn hóa chung. Thực tế, hiện nay không chỉ có những mặt tiêu cực, ở nhiều khu đô thị, cư dân đã có những hoạt động rất tích cực như: Cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nuôi dạy con cái, động viên, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, cùng nhau đấu tranh với những hành động xấu...


Chị Hồ Thị Thúy, chung cư An Lộc (quận 2) TP.HCM chia sẻ: “Tôi đang quen sống theo kiểu từng hộ gia đình biệt lập ở dưới đất, sử dụng không gian xung quanh không phải xin phép hay sợ ảnh hưởng đến người khác. Tuy nhiên, từ khi về ở chung cư mới, muốn sửa nhà, dựng vách ngăn... đều phải xin ý kiến ban quản lý, hoặc thông báo cho hàng xóm biết, nếu không sẽ ảnh hưởng đến nhà bên cạnh. Thời gian đầu thấy rất khó khăn, bất tiện với kiểu ứng xử này, tuy nhiên, nhờ đó lại tạo cho mình thói quen biết tôn trọng người xung quanh, sống có văn hóa hơn, ứng xử tốt hơn với hàng xóm láng giềng”.


Cùng chung ý kiến xây dựng tinh thần cộng đồng, chị Nguyễn Thị Thanh Bình, khu đô thị Xa La, Hà Đông chia sẻ: “Những người dân trong khu chung cư nhà tôi có lập một diễn đàn chung. Ai có ý kiến phản ánh các hiện tượng tiêu cực, hoặc nhắc nhở nhau đều chia sẻ trên diễn đàn để mọi người cùng rút kinh nghiệm và sửa đổi. Thêm một tác dụng nữa, đó còn là nơi để các chị em phụ nữ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với nhau về nhiều vấn đề trong cuộc sống, giúp đỡ nhau, và cách này đã cho hiệu quả là tạo được sự đoàn kết của nhiều hộ dân trong khu chung cư”.


Thực tế là, nếu tất cả những thị dân đang làm chủ cuộc sống nơi các khu đô thị đều nghiêm túc chấp hành những quy định chung, ai cũng có ý thức, cư xử có văn hóa thì cuộc sống ở những tòa nhà chung cư cao tầng chắc chắn sẽ là môi trường rất tốt để góp phần tạo nên một cộng đồng lành mạnh.



Tạ Nguyên - Hoàng Tuyết