10:13 17/10/2010

Để cơ cấu dân số "vàng" thực sự là vàng

Giai đoạn cơ cấu dân số "vàng" tại Việt Nam từ nay đến năm 2040 với lao động trẻ dồi dào, số người phụ thuộc ít, có thể nâng cao tiết kiệm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giai đoạn cơ cấu dân số "vàng" tại Việt Nam từ nay đến năm 2040 với lao động trẻ dồi dào, số người phụ thuộc ít, có thể nâng cao tiết kiệm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để cơ cấu dân số "vàng" thực sự là vàng, thì chúng ta phải vượt qua rất nhiều khó khăn.

Gần 70% lao động chưa qua đào tạo

"Với tỷ số phụ thuộc là 46,4 (cứ 100 người trong độ tuổi lao động thì có 46 người phụ thuộc), hiện dân số Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu dân số "vàng". Đây là cơ hội rất hiếm, chỉ xuất hiện một lần trong quá trình phát triển một dân cư; được tính khi tỷ số phụ thuộc giảm từ 50 trở xuống, tức là hai người trong độ tuổi lao động mới phải "gánh" 1 hoặc ít hơn 1 người ăn theo", GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết.

Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, đặc điểm nổi bật của dân số trong giai đoạn cơ cấu "vàng" tại Việt Nam là số lượng dân trong độ tuổi lao động thực tế (15 - 64 tuổi) tiếp tục tăng trong khoảng 10 năm tới và đạt số lượng cực đại là khoảng 72 triệu người vào năm 2039. Như vậy, vận hội do cơ cấu "vàng" mang lại là lao động nhiều, số người phụ thuộc ít có thể nâng cao tiết kiệm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

"Lao động đông, tăng nhanh sẽ tạo ra thách thức về nâng cao chất lượng và việc làm. Hiện nay, lao động của ta mới mạnh về số lượng, chứ chất lượng chưa cao, chỉ có gần 30% người lao động được đào tạo", GS.TS Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh.

Việt Nam cũng đang đứng trước áp lực cạnh tranh gay gắt trong lĩnh vực nguồn nhân lực, việc làm, thị trường lao động trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam đang mất dần lợi thế về nguồn nhân lực rẻ. Bởi lẽ, nguồn nhân lực của Việt Nam chủ yếu xuất phát từ nông thôn nên thiếu tác phong công nghiệp, đại đa số chưa qua đào tạo nghề, hoặc đã tham gia đào tạo nhưng trình độ chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ sở sử dụng lao động, đa số phải đào tạo lại.

"Nếu như chúng ta không đảm bảo được việc làm cho lực lượng lao động, cùng với những nguy cơ của môi trường sống thì có thể dẫn tới hậu quả là gia tăng tỷ lệ giới trẻ lạm dụng chất gây nghiện, gặp phải những vấn đề khủng hoảng tâm lý dẫn đến trầm cảm, tự tử, vi phạm pháp luật…", ThS Phạm Gia Cường, Vụ các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương khuyến cáo.

Nguy cơ "già trước khi giàu"

Theo các chuyên gia, tỉ lệ sinh giảm, số người trong độ tuổi lao động tăng, tỉ lệ người cao tuổi cũng tăng nhanh, sẽ đưa Việt Nam đồng thời vừa bước vào thời kỳ cơ cấu dân số "vàng", vừa bước vào thời kỳ già hóa dân số. Do vậy, nếu chúng ta không có một chiến lược phát triển phù hợp thì sẽ phải đối diện với nguy cơ "già trước khi giàu".

Hiện nay, Việt Nam đã ở sát ngưỡng dân số già (dân số có ít nhất 10% người cao tuổi), năm 2009 tỷ lệ người cao tuổi đạt 9% (7,72 triệu người cao tuổi/85,79 triệu dân). Dự báo vào năm 2019, số người cao tuổi nước ta sẽ vượt quá 10 triệu người, tương đương hơn 10% dân số. Sau đó, mỗi thập kỷ sẽ tăng thêm khoảng 5 triệu người và năm 2059 có khoảng 28 triệu người cao tuổi, tương đương hơn 26% dân số. Đây sẽ là một thách thức lớn vì đa số người cao tuổi đang sống ở nông thôn, thu thập thấp, không có bảo hiểm (lương hưu), ít có điều kiện tiết kiệm chi tiêu khi tuổi già. Hơn 70% người cao tuổi sống bằng lao động của mình, bằng nguồn hỗ trợ của con cháu và gia đình.

Để đối phó với tình trạng này, các chuyên gia cho rằng cần giáo dục cho mọi người "lo cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ" (làm tốt kế hoạch hóa gia đình, không nghiện ngập, tích cực lao động và tích lũy…). Gia đình, xã hội và Nhà nước cần có phương án cho các vấn đề: Nguồn sống của người già?, tổ chức cuộc sống cho người già tại gia đình hay các trại dưỡng lão, vấn đề chăm sóc sức khỏe và sử dụng sức lao động của người cao tuổi…

Cùng với những thách thức trên, theo dự báo số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sẽ lên tới cực đại là 26 triệu người vào năm 2039. Vì vậy việc đảm bảo đầy đủ phương tiện, dịch vụ tránh thai để duy trì mức sinh thấp là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cần được Nhà nước chú ý trong giai đoạn tới. Nếu không, sẽ làm gia tăng tình trạng nạo phá thai, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản…