12:15 04/12/2014

Dè chừng Trung Quốc, Ấn Độ quyết hiện đại hóa hải quân

Ấn Độ đang đẩy nhanh chương trình hiện đại hóa hải quân và dựa vào các nước láng giềng để đối phó với hoạt động tàu ngầm của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Ấn Độ đang đẩy nhanh chương trình hiện đại hóa hải quân và dựa vào các nước láng giềng để đối phó với hoạt động tàu ngầm của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Vài tháng sau khi xảy ra đối đầu Ấn – Trung trên biên giới thuộc dãy Himalaya, các tàu ngầm Trung Quốc lại hiện diện ở Sri Lanka, nước nằm ở bờ biển phía nam Ấn Độ. Không những vậy, Bắc Kinh còn tìm cách tăng cường quan hệ với Maldives, cũng là một quốc đảo ở Ấn Độ Dương.

“Chúng ta nên quan ngại việc bỏ bê hạm đội tàu ngầm. Trước việc Trung Quốc đang lấn lướt chúng ta, như những gì xảy ra trên dãy Himalaya, trên biển Đông và bây giờ là Ấn Độ Dương, chúng ta càng phải lo lắng nhiều hơn. Thật may, có dấu hiệu cho thấy chính phủ đã thức tỉnh trước cơn khủng hoảng”, cựu Tư lệnh hải quân Ấn Độ Arun Prakash nói.

INS Arihant - tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do Ấn Độ tự chế tạo. Ảnh: Reuters


Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chỉ thị đẩy nhanh việc đấu thầu chế tạo 6 tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel thông thường với chi phí 5,1 tỉ bảng (hơn 8 tỉ USD); chưa kể 6 tàu ngầm tương tự đang được hãng DCNS (Pháp) đóng tại cảng Mumbai, nhằm thay thế hạm đội tàu ngầm gần 30 năm tuổi vừa xảy ra hàng loạt sự cố.

Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên do Ấn Độ tự đóng – chiếc INS Arihant được trang bị tên lửa mang đầu đạn hạt nhân dự định chạy thử nghiệm trong tháng này, sẽ được biên chế vào hạm đội cuối năm 2016. Ấn Độ thuê của Nga một tàu ngầm hạt nhân từ năm 2012 và đang đàm phán để thuê chiếc thứ hai. Chính quyền New Dehli cũng đã liên hệ với Larsen & Toubro - Tập đoàn đã đóng thân tàu ngầm nội địa đầu tiên, để chế tạo hai thân tàu mới.

Khi Ấn Độ cảm thấy bị thách thức

Ngoài các tàu ngầm hạt nhân thuê của Nga, hải quân Ấn Độ hiện có trong tay 13 tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel. Hầu hết trong số này đều thuộc diện “già cỗi” và chỉ có khoảng 6 chiếc có thể đáp ứng yêu cầu tác chiến khi xảy ra tình huống bất chợt. Hồi năm ngoái, một tàu ngầm của Ấn Độ đã phát nổ và chìm nghỉm khi đang đậu tại cảng Mumbai.

Trong khi đó, ước tính Trung Quốc có 60 tàu ngầm thông thường và 10 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, trong đó có 3 chiếc trang bị vũ khí hạt nhân. Ấn Độ đang xây dựng lực lượng hải quân với số lượng khoảng 150 chiến hạm, bao gồm hai tàu sân bay. Trong khi đó, hải quân Trung Quốc có khoảng 800 tàu chiến.

Ông David Brewster, chuyên gia nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia nhận định, Ấn Độ sẽ làm tất cả để khôi phục vị thế thống trị ở Ấn Độ Dương. New Delhi có thể hướng đến hợp tác hải quân với Nhật Bản và Australia; mở rộng căn cứ quân sự tại vịnh Andaman, cách eo biển Malacca khoảng 140 km. “Ấn Độ coi sự xuất hiện của bất cứ tàu hải quân Trung Quốc nào tại đây là một sự xâm nhập. Sự hiện diện này đang ngày một gia tăng và rõ ràng là muốn gửi đến một thông điệp cho Ấn Độ…  Nếu Trung Quốc tiếp tục con đường này và duy trì mức độ hiện diện đó tại Ấn Độ Dương, thì Ấn Độ sẽ cảm thấy cần phải có hành động đáp trả”, ông Brewster bày tỏ.

Chính quyền New Delhi cũng đã có phản ứng mạnh qua đường ngoại giao đối với Sri Lanka sau vụ hiện diện của tàu ngầm Trung Quốc ở vùng Ấn Độ Dương hôm 15/9 vừa qua. Ấn Độ “nhắc” rằng, theo một hiệp định hải quân ký kết trong năm nay, New Delhi cần phải được thông báo trước việc tàu ngầm Trung Quốc ghé thăm Sri Lanka.


Hoài Thanh (Theo Reuters)