12:08 06/12/2010

“Đế chế bán lẻ” Wal-Mart (kỳ 3)

Thành công nhanh chóng, nhưng Wal-Mart cũng tạo ra nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau hơn bất kỳ công ty nào ở Mỹ. Phần lớn người tiêu dùng đều tỏ ra hồ hởi vì nhờ cách quản lý đầy hiệu quả của Wal-Mart mà họ có cơ hội mua hàng giá rẻ quanh năm.

Ra đời từ một tiệm bán hàng tạp hóa giá rẻ, chỉ trong một thời gian ngắn Wal-Mart đã trở thành dây chuyền siêu thị lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh câu chuyện thành công của một doanh nghiệp đầy sáng tạo trong kinh doanh là một cung cách làm ăn được cho là “làm giàu lén lút” của Wal-Mart.

Kỳ III: Kẻ làm giàu lén lút

Thành công nhanh chóng, nhưng Wal-Mart cũng tạo ra nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau hơn bất kỳ công ty nào ở Mỹ. Phần lớn người tiêu dùng đều tỏ ra hồ hởi vì nhờ cách quản lý đầy hiệu quả của Wal-Mart mà họ có cơ hội mua hàng giá rẻ quanh năm. Dưới góc độ kinh tế, sự phát triển như vũ bão của Wal-Mart tạo ra nhiều công ăn việc làm ở những nơi tập đoàn này đặt chân. Thống kê năm 2006 cho thấy tổng số nhân viên mà Wal-Mart gọi là “cộng tác viên” đã lên tới 1,6 triệu người trên khắp thế giới.

Một siêu thị Wal-Mart ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, với chủ trương “cắt giảm chi phí tới mức tối đa”, Wal-Mart đang đối mặt với nhiều lời chỉ trích về tình trạng phân biệt đối xử với các nhân viên nữ, lớn tuổi hoặc lương cao. Nhân viên Wal-Mart ở Mỹ tức giận trước chủ trương liên tục giảm lương và không cho phép thành lập công đoàn. Làm việc cho Wal-Mart, họ giống như những vận động viên thể thao chuyên nghiệp mà thành tích không bao giờ là đủ. Đôi khi họ còn bị ép buộc bỏ phiếu cho một đảng phái chính trị mà ban lãnh đạo công ty ủng hộ. Hiện Wal-Mart đang đối mặt với một vụ kiện tập thể lớn nhất nước Mỹ, trong đó tập đoàn này bị cáo buộc phân biệt giới với nhân viên và sử dụng sức mạnh cưỡng ép các cửa hàng bán lẻ nhỏ ra khỏi thương trường.

Khoảng 1/4 doanh số của Wal-Mart đến từ ngoài nước Mỹ, nhưng điều trớ trêu là rất ít khách hàng của Wal-Mart biết họ đang mua hàng tại một tập đoàn đa quốc gia của Mỹ. Các siêu thị của Wal-Mart treo những biển hiệu khác nhau ở các quốc gia khác nhau: Asda ở Anh, Maxibodega ở Côxta Rica, Todo Dia ở Braxin, Despense Familiar ở Ônđurát và cả những cái tên lạ tai Best Price Modern Wholesale (Bán lẻ hiện đại giá tốt nhất) ở Ấn Độ. Những chuyện tiêu cực đã dẫn người ta đến một suy nghĩ mới về Wal-Mart: Công ty này đang “làm giàu một cách lén lút”.

Jill Cashen, người phát ngôn cho một nhóm vận động quyền lợi cho công nhân có tên “Đánh thức Wal-Mart”, nói: “Đây là một công ty có tiếng về bóc lột. Họ không chia sẻ sự thịnh vượng với bất cứ ai, thế giới, quốc gia, hay địa phương. Khi bạn tiêu tiền tại Wal-Mart, bạn đang đóng góp cho sự giàu có của một gia đình rất giàu chứ không phải cho nhiều người khác”.

Biểu tượng của Wal-Mart.

Đáp lại, các giám đốc của Wal-Mart nói công ty này đang giúp mọi người “tiết kiệm tiền để sống tốt hơn”. Wal-Mart tự hào về những chiếc quần jeans nhãn hiệu Wrangler được bán với giá 11,5 USD, hay máy tính xách tay 298 USD/chiếc. Wal-Mart cho biết, họ đứng về phía các gia đình lao động vất vả cần tiết kiệm từng đồng một và sẽ “đưa thông điệp này ra toàn thế giới”.

Chính quy mô tạo nên sức mạnh của Wal-Mart, nhưng cũng chính vì thế một số người chỉ trích đã cáo buộc về thái độ dọa nạt chèn ép của tập đoàn này. Tất cả các nhà cung cấp cho Wal-Mart nếu không muốn bị cắt bỏ hợp đồng buộc phải chấp nhận phương châm “giá chỉ có giảm chứ không tăng”. Với quy mô khổng lồ, chỉ một đồng, thậm chí một xu tiết kiệm Wal-Mart cũng có thể gom thành lợi nhuận hàng triệu USD. Gánh nặng giá thành buộc các nhà cung cấp hoặc phải giảm lương nhân viên, hoặc phải nhắm mắt đưa ra các sản phẩm ít thân thiện với môi trường. Một chuyên gia trong ngành nhận xét: “Với quy mô của Wal-Mart, tập đoàn này về cơ bản có thể ăn lãi từng xu từ các nhà cung cấp sản phẩm. Nếu bạn là một công ty cung cấp của Trung Quốc và Wal-Mart đang ép giá với bạn, có thể bạn sẽ không thể cắt giảm chi phí về điện hoặc tiền thuê nhà xưởng, nhưng bạn sẽ phải giảm lương nhân viên”.

Một báo cáo mới đây dựa trên điều tra đối với 5 nhà máy cung cấp hàng cho Wal-Mart, do Tổ chức Theo dõi Lao động Trung Quốc tiến hành, đã phát hiện tình trạng “điều kiện lao động bất hợp pháp và xuống cấp”. Tại một nhà máy ở Dongguan, nơi sản xuất nến và cây thông Noel, họ đã phát hiện công nhân phải làm việc thêm ca 24/24 giờ trong những thời kỳ cao điểm, với mức lương 0,7 USD/giờ, không có nước uống và căngtin hợp vệ sinh. Chính Wal-Mart từng phát hiện tình trạng công nhân tại các nhà máy cung cấp sản phẩm phải “ký lương một đằng nhận lương một nẻo” do bị giới chủ ép buộc.

Vũ Hội (Tổng hợp)