04:20 15/04/2018

Để chất lượng lao động không tạo lực cản phát triển doanh nghiệp

Dù Việt Nam thu hút ngày càng nhiều FDI nhờ vào lợi thế về sự ổn định thể chế, quy mô thị trường lớn... nhưng chất lượng lao động vẫn là một sức ép lớn. Do đó, cải cách giáo dục đào tạo thực sự trở thành yêu cầu cấp thiết.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH sợi dệt nhuộm YULUN (vốn đầu tư của Trung Quốc) hoạt động tại Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Trong một báo cáo mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành khảo sát cho thấy, 60% doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho biết, sẽ tiếp tục có ý định mở rộng kinh doanh sang Việt Nam, bằng chứng là sự dịch chuyển dòng vốn đang có nhiều cải thiện.

Tuy nhiên, vấn đề chất lượng lao động thực sự là mối quan tâm; cho dù Việt Nam thu hút ngày càng nhiều FDI nhờ vào lợi thế về sự ổn định thể chế, quy mô thị trường lớn và lực lượng lao động đông đảo, giá thuê nhân công rẻ.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, chất lượng lao động là sức ép lớn, bởi đây cũng là yếu tố để đưa Việt Nam phát triển bền vững trong thời gian tới. Do đó, cải cách giáo dục đào tạo thực sự trở thành yêu cầu quan trọng.

"Không còn thời các trường đại học đào tạo một cách vô tư theo mong muốn của mình. Tất cả phải theo yêu cầu thị trường, cần phải thực tế hơn, bởi nếu phải chờ để mất 4 – 5 năm mới cho ra đời một thế hệ cử nhân thì sẽ lạc hậu hơn so với thời cuộc", ông Lộc nhấn mạnh.

Tại nhiều hội thảo bàn về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm cải thiện năng suất lao động của Việt Nam, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, cần áp dụng nhiều giải pháp hiệu quả mang tính khả thi cao để tập trung cải thiện năng suất lao động, tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp, góp phần nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế; đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng và đa chiều như hiện nay.

Theo PGS.TS Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nguồn nhân lực (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện nay, nhân lực của Việt Nam có cơ hội rất lớn tham gia vào quá trình phân công lao động trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, để có được điều đó, nhất thiết phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng nhiều cách khác nhau, như: nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng lao động, khuyến khích lao động tự học, gắn chiến lược phát triển nguồn nhân lực với phát triển kinh tế xã hội, chú trọng phát triển nhân tài và xây dựng xã hội học tập; cùng với đó, cải thiện thông tin về thị trường lao động, mở rộng hợp tác quốc tế.

"Để không tụt hậu xa so với trình độ chung của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần đổi mới hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai; đồng thời, nghiên cứu tìm cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp để nhanh chóng nâng cao chất lượng nhân lực hiện có. Đây thực sự là chiến lược quan trọng và lâu dài để hình thành và phát triển bền vững đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước", ông Sơn khẳng định.

Các chuyên gia phân tích thị trường lao động phân tích, ngoài kiến thức chuyên ngành thì vốn ngoại ngữ và những kiến thức bổ trợ khác cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với nguồn nhân lực hiện nay trong tình hình cạnh tranh của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tại Việt Nam.

Theo giao ước của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), nguồn nhân lực lành nghề với trình độ học vấn từ đại học/cao đẳng trở lên và có khả năng ngoại ngữ tốt, cụ thể là tiếng Anh sẽ được ưu tiên tự do lưu chuyển giữa các nước. Ngoài ra, nguồn nhân lực có thêm nhiều cơ hội việc làm hợp pháp cho mình, không chỉ ở trong nước mà còn ở cả những quốc gia khác trong khối ASEAN. Bên cạnh đó, nhân lực còn có thể tìm được công việc phù hợp cho mình và được đào tạo thêm các kỹ năng chuyên môn khác tại nhiều môi trường việc làm khác nhau ở nhiều quốc gia khác nhau. Tuy vậy, nhân lực phải cạnh tranh với nhiều nguồn nhân lực từ các quốc gia khác trong khu vực.

Theo thông tin ngành Lao động Thương binh và Xã hội, một số ngành nghề tạo điều kiện cho người lao động có thể cộng tác với các công ty có quy mô vừa và nhỏ ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn của lao động cũng phải đạt mức đáp ứng đủ những yêu cầu mà các công ty đó đề ra, nhằm đảm bảo quá trình hội nhập và phát triển mang lại nhiều thành quả cao trong tương lai. Một phần nhân lực lành nghề đã và đang làm việc theo hình thức xuất khẩu nước ngoài tại các quốc gia chủ yếu như Singapore, Malaysia và Thái Lan

Trước đây, GS Trần Văn Thọ, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng cũng từng có ý kiến về Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, theo đó, GS Trần Văn Thọ kiến nghị, đại học ở Việt Nam cũng chỉ cần 2 năm; "Cốt sao, 2 năm nhưng phải đủ và chất lượng tốt từ các bậc học trước đó, đảm bảo ra là có thể làm việc được ngay", GS Trần Văn Thọ nhấn mạnh.

Thạch Huê (TTXVN)