04:20 08/04/2014

Để cá ngừ thành sản phẩm chiến lược

Theo Tổng cục Thủy sản, nghề khai thác, chế biến cá ngừ phát triển với tốc độ nhanh trong những năm gần đây, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho ngư dân. Tuy nhiên, hiện có khá nhiều rào cản trong hành trình đưa cá ngừ trở thành sản phẩm chiến lược của ngành thủy sản.

Theo Tổng cục Thủy sản, nghề khai thác, chế biến cá ngừ phát triển với tốc độ nhanh trong những năm gần đây, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho ngư dân. Tuy nhiên, hiện có khá nhiều rào cản trong hành trình đưa cá ngừ trở thành sản phẩm chiến lược của ngành thủy sản.


Hạn chế nhiều mặt


Cả nước có khoảng 3.500 chiếc tàu khai thác, chiếm 14% số tàu cá xa bờ, với khoảng 35.000 ngư dân tham gia khai thác cá ngừ đại dương trên vùng biển xa. Trữ lượng khai thác đối tượng này cũng rất lớn, ước tính khoảng 600.000 tấn, trong đó cá ngừ vằn chiếm ưu thế, với khả năng khai thác khoảng 200.000 tấn/năm. Trong vòng 5 năm qua, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đã tăng mạnh từ 188 triệu USD năm 2008 lên 520 triệu USD năm 2013.
Mặc dù, trữ lượng cá ngừ còn rất lớn nhưng khả năng khai thác của ngư dân Việt Nam hiện rất hạn chế.

Ngư dân Bình Định đưa cá ngừ đại dương lên bờ tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh : Ly Kha-TTXVN

Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nguyên nhân cơ bản là do công nghệ, kỹ thuật trong khai thác, bảo quản, nhất là khâu tổ chức thu mua còn nhiều bất cập. Hoạt động khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương (đặc biệt là phương pháp câu tay kết hợp ánh sáng) gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trong khi số tàu khai thác tăng, kéo theo sản lượng cá ngừ tăng nhanh, nhưng chất lượng và giá trị sản phẩm lại giảm, dẫn tới tỷ lệ sản phẩm có giá trị kinh tế cao (dùng làm sashimi) giảm, làm thất thoát về giá trị, ảnh hưởng uy tín, thương hiệu cá ngừ Việt Nam.


Ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội cá ngừ Việt Nam cho biết, một trong những cái khó đối với nghề khai thác cá ngừ là Nhà nước chưa thực sự quan tâm trong việc xác định cá ngừ là đối tượng chủ lực và có giá trị kinh tế đối với nghề khai thác thủy sản xa bờ. Việc khai thác thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm này còn đang ở diện tự phát.


Cùng nhận định, ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phân tích, nghề khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương chưa được kiểm soát một cách có bài bản. Trình độ công nghệ trong khai thác, bảo quản sản phẩm cá ngừ của ngư dân còn hạn chế. Trong khi đó, việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cũng chưa được quan tâm đúng mức; hệ thống hậu cần, dịch vụ, khuyến ngư còn thiếu...


Ông Tuấn nhấn mạnh, trong thời gian qua, tuy hoạt động chế biến và xuất khẩu cá ngừ đã mở rộng và liên kết với thị trường, có tính quốc tế hóa hơn; nhưng sự liên kết chuỗi trong sản xuất cá ngừ lại lỏng lẻo, kém hiệu quả, chưa được kiểm soát. Các giao dịch của chuỗi sản xuất mới chỉ tập trung theo sản xuất định hướng, chưa có chiến lược theo thị trường định hướng. Đặc biệt, khâu khai thác và thu mua, bảo quản là yếu nhất trong cả chuỗi sản xuất, trong khi đó, đây lại là những khâu quan trọng trong chuỗi sản xuất, vì các tiêu chuẩn về chất lượng đầu vào có được đảm bảo hay không là do khâu này quyết định.


Tổ chức đánh bắt, sản xuất yếu kém


TS Irawa - Công ty Yanmar (Nhật Bản), đại diện đơn vị chuyên tư vấn, cung cấp các giải pháp khoa học công nghệ trong khai thác cá ngừ đại dương cho biết, chất lượng cá ngừ của Việt Nam thấp ngoài lý do về bảo quản, sơ chế còn do cách thức khai thác cá ngay từ ngoài biển. Việc ngư dân Việt Nam dùng chày gỗ đập vào đầu cá ngừ cho chết có thể ảnh hưởng đến chất lượng cá, TS Irawa cho biết. Theo kinh nghiệm của ông Irawa, khi bắt cá từ biển lên, cá ngừ cần được cho vào hầm đá hạ nhiệt độ. Vì được bảo quản trong đá ngay khi còn sống nên chất lượng cá rất tốt. “Nếu tổ chức sản xuất tốt thì tương lai không xa, cá ngừ sẽ là sản phẩm thủy sản số 1 của Việt Nam”, ông Irawa dự báo.


Một chủ tàu khai thác cá ngừ ở Bình Định, ông Nguyễn Văn Việt thừa nhận, chất lượng cá ngừ khai thác bị suy giảm chủ yếu do cách khai thác, sơ chế và bảo quản sau thu hoạch không đạt yêu cầu. Sớm nhận ra điều này nên ông Việt đã đầu tư hầm bảo quản, trong đó có hầm hạ nhiệt đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Kết quả cho thấy, chất lượng cá được nâng lên rất nhiều, giá cá từ đó cũng tăng lên từ 10 - 30%.


Nói về quy trình sơ chế, bảo quản cá đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia lưu ý, ngư dân chỉ nên bảo quản cá ngừ trong hầm đá từ 8 - 10 ngày để đảm bảo chất lượng.


Để cá ngừ đại dương thực sự trở thành sản phẩm chiến lược của Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, giảng viên Khoa Thủy sản - Trường Đại học Nha Trang cho rằng, phương tiện đánh bắt cá ngừ cần phải được hiện đại để đáp ứng yêu cầu bảo quản cá được tốt. Khâu bắt cá từ dưới biển lên tàu phải được thực hiện đúng quy trình, công đoạn.


Nhìn từ góc độ dịch vụ hậu cần, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Thủy sản Bình Định, cho biết, dịch vụ hậu cần nghề cá ở một số cảng cá rất kém và nhiều cảng thường xuyên trong tình trạng quá tải. Cá ngừ khai thác từ ngoài biển đã giảm chất lượng, đến khi đưa về cảng cá lại gặp cảnh ùn tắc, không được xử lý kịp thời. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, đá ít, cá được đặt ngay dưới sàn phủ bạt và bị “đối xử” như các loại cá thông thường khác nên chất lượng bị suy giảm. Tuy nhiên, với năng lực của 7 - 10 doanh nghiệp chế biến cá ngừ đông lạnh thì sản lượng cá ngừ thu mua của ngư dân vẫn không đảm bảo cho những đơn hàng xuất khẩu. “Số lượng đã quan trọng nhưng chất lượng còn quan trọng hơn. Nếu cá ngừ của Việt Nam có chất lượng cao thì tỉ lệ được dùng để ăn sống chiếm tới 70 - 80% và giá thu mua và giá xuất khẩu cũng sẽ ở mức cao”, bà Lan khẳng định.


Thiếu vốn và cơ chế


Đối với tín dụng cho nghề câu cá ngừ đại dương, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, Nhà nước cần có những chính sách riêng cho nghề khai thác. Hiện ngân hàng vẫn chưa thể cho các chủ tàu vay vốn, do nghề khai thác cá ngừ có rủi ro rất lớn.


Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vốn tín dụng, chủ tàu Nguyễn Văn Việt cho biết: Để chúng tôi có thể vươn ra khơi xa, Nhà nước cần đẩy nhanh gói tín dụng cho ngư dân. Khi có vốn, chúng tôi mới có điều kiện sắm mới, tu sửa, nâng cao mã lực cho tàu khai thác...


Nhìn nhận việc tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị vẫn còn những bất cập, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai cho biết, trong đề án tổ chức sản xuất cá ngừ, Tổng cục Thủy sản đã đề cập đến những giải pháp tháo gỡ khó khăn, từ cơ chế chính sách đến các quy định, yêu cầu về bảo quản, sơ chế sản phẩm sau khai thác... Hy vọng rằng, với hàng loạt biện pháp hỗ trợ trên, ngư dân hành nghề câu cá ngừ đại dương, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sẽ có điều kiện đổi mới, hiện đại hóa đội tàu và công nghệ để đưa cá ngừ thực sự trở thành sản phẩm chiến lược của ngành thủy sản.


Thúy Hiền