11:08 06/11/2012

Để bóng đá Việt Nam thực sự chuyên nghiệp

Tái cơ cấu nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là một trong những vấn đề nóng nhất tại Hội thảo "Bóng đá chuyên nghiệp và chuẩn bị cho mùa giải 2013” vừa diễn ra tại Hà Nội.

Tái cơ cấu nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là một trong những vấn đề nóng nhất tại Hội thảo "Bóng đá chuyên nghiệp và chuẩn bị cho mùa giải 2013” vừa diễn ra tại Hà Nội.

 

Phải đứng trên đôi chân của mình


Sau 12 năm phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đến nay bóng đá Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người hâm mộ. Vì vậy, việc tái cơ cấu nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là tất yếu.


 



Trưởng Ban tổ chức giải bóng đá vô địch quốc gia Trần Duy Ly phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quốc Khánh - TTXVN

Một đại diện của Tổng cục Thể dục thể thao đánh giá, hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, chất lượng chuyên môn được nâng cao. Tuy nhiên, trong hoạt động thi đấu bóng đá chuyên nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế như: tình trạng thi đấu bạo lực, cầu thủ sử dụng chất bị cấm còn chưa được ngăn chặn; số lượng cầu thủ ngoại của các CLB quá nhiều, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của các cầu thủ trong nước... Thêm vào đó, sau mùa giải 2012, tình hình tài chính của các CLB chuyên nghiệp có nhiều khó khăn, phải tiết kiệm chi phí trong mùa năm 2013. "Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đến thời điểm này vẫn chưa có đội bóng nào có thương hiệu ổn định. Trong khi các chính sách quản lý lại chưa rõ ràng, thực tế triển khai cũng gặp nhiều vấn đề; hoạt động tuyên truyền ở các cơ quan báo chí mỗi nơi một kiểu; nhiều cầu thủ tuy nhận lương cao nhưng trình độ còn hạn chế, lại thiếu ý thức… Cách trả lương mang tính cào bằng, chưa có tính động viên, lại quá cao so với cống hiến thật sự trong khi cầu thủ thiếu tinh thần trách nhiệm, tài năng khổ luyện, bản lĩnh và hơn hết là tính kỷ luật... đây là nỗi buồn chung cho nền bóng đá chuyên nghiệp của chúng ta", vị đại diện này thẳng thắn phân tích.


Đồng quan điểm này, theo Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam Phạm Ngọc Viễn, với những tồn tại lớn hơn thành tựu của nền bóng đá chuyên nghiệp, đến thời điểm này việc tái cơ cấu nền bóng đá Việt Nam là hết sức cần thiết và tất yếu. Nhất là trong bối cánh khán giả quay lưng với môn bóng đá vua, nền kinh tế trong và ngoài nước suy thoái… "bầu sữa" nuôi môn thể thao Vua tất yếu sẽ cạn. "Các câu lạc bộ đã đến lúc cần phải bỏ ngay thói quen sống dựa vào các ông chủ, mà phải sống bằng đôi chân của mình theo công thức: khán giả + truyền hình + quảng cáo + tiền tài trợ từ các ông chủ", ông Viễn nhấn mạnh.

 

Mùa giải mới: Liệu có khởi sắc?


Để góp phần hạn chế các hiện tượng tiêu cực nêu trên và giúp cho các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp giảm bớt khó khăn, Tổng cục Thể dục Thể thao yêu cầu VFF nghiên cứu, đề xuất sửa đổi "Quy chế bóng đá chuyên nghiệp trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt để áp dụng từ mùa giải năm 2013”. Theo đó 3 nội dung mà Tổng cục Thể dục Thể thao yêu cầu VFF đặc biệt nhấn mạnh gồm: Giảm số lượng cầu thủ ngoại thi đấu tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam để tạo điều kiện cho các cầu thủ nội có nhiều cơ hội thi đấu, nâng cao trình độ chuyên môn của đội tuyển quốc gia trên đấu trường quốc tế; quy định cụ thể và tăng nặng các chế tài xử phạt các hành vi thi đấu bạo lực, thiếu văn hóa, sử dụng doping, chất bị cấm của cầu thủ, huấn luyện viên, trọng tài...; Tiến hành kiểm tra doping bắt buộc đối với các cầu thủ tham gia thi đấu trong suốt mùa giải.


Về vấn đề này, trưởng Đoàn Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai, ông Nguyễn Tân Anh cho rằng, trong mùa giải 2013, VFF đã chuyên nghiệp hơn khi chính thức bắt buộc các cầu thủ phải kiểm tra doping. Tuy nhiên, vẫn cần có khung hình phạt cụ thể với những cầu thủ sử dụng chất bị cấm này; đồng thời cũng nên sớm xem xét việc đưa ra quy định về văn hóa ứng xử giữa các cầu thủ với cầu thủ trong cùng đội bóng và ngoài đội bóng, cầu thủ với huấn luyện viên, với người hâm mộ…


Khẳng định bóng đá chuyên nghiệp cao vẫn cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước và cả các thành phần khác, ông Phạm Văn Viễn ủng hộ việc xã hội hóa trong bóng đá. Tuy nhiên, ông Viễn cho biết ở Việt Nam khi đưa vấn đề xã hội hóa vào trong chiến lược phát triển bóng đá thì lại gặp phải khó khăn do vấn đề kinh tế. Theo ông Viễn lý giải thì giải pháp tháo gỡ vấn đề này, hỗ trợ bóng đá chuyên nghiệp phát triển phải có thời gian, quan trọng nhất là phải đợi nền kinh tế phục hồi.

 

Mỹ Bình