06:09 19/06/2011

Để bắt kịp với sự phát triển của xã hội, người làm báo phải vượt qua được chính mình

Năm 2011, Hội Nhà báo Việt Nam bước sang tuổi 61. Thành công của Đại hội HNBVN lần thứ IX đã tạo ra một khí thế mới cho giới báo chí, đã có những bước khởi đầu suôn sẻ với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực hướng vào xây dựng đội ngũ những người làm báo ngày càng vững mạnh...

Năm 2011, Hội Nhà báo Việt Nam bước sang tuổi 61. Thành công của Đại hội HNBVN lần thứ IX đã tạo ra một khí thế mới cho giới báo chí, đã có những bước khởi đầu suôn sẻ với nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực hướng vào xây dựng đội ngũ những người làm báo ngày càng vững mạnh, phụng sự đắc lực sự nghiệp đổi mới, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, phóng viên báo Tin Tức (TTXVN) đã có cuộc trò chuyện với ông Hà Minh Huệ- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc TTXVN - về công tác của Hội.

Xin ông cho biết những nét cơ bản về hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời gian qua. Những điểm mới trong hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2010-2015 này là gì?

Là một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, trong những năm qua Hội Nhà báo Việt Nam, thông qua Ban Chấp hành trung ương Hội, các tổ chức cơ sở tại các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng như các Liên chi hội, Chi hội trực thuộc ở Trung ương đã tổ chức, triển khai thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình. Nhiệm vụ chính tập trung ở các mặt sau đây: Giáo dục ý thức chính trị, tư tưởng cho hội viên; Động viên hội viên - nhà báo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình là công tác thông tin, gọi chung là công tác nghiệp vụ; Tăng cường công tác hội, nâng cao vai trò, vị trí và chất lượng hoạt động của Hội, củng cố về mặt tổ chức, phát triển Hội viên...

Các cấp Hội từ Trung ương tới địa phương đã tiếp tục đổi mới về nội dung và hình thức hoạt động; quán triệt sâu, rộng các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác báo chí và về hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam; Cùng với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhà báo - hội viên không chỉ “học và làm theo”, mà còn hưởng ứng tích cực cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các cơ quan báo chí, nhà báo hoàn thành tốt công tác thông tin, tuyên truyền. Hội tổ chức thực hiện khá hiệu quả Đề án hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, sử dụng kinh phí do Chính phủ hỗ trợ để nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí.

Từ năm 2007, Giải báo chí quốc gia được tổ chức hàng năm, trao giải đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam để tôn vinh tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc trong năm. Hội Báo Xuân do các cấp hội tổ chức đã trở thành nét đẹp văn hóa, hoạt động không thể thiếu vào dịp Tết đến Xuân về. Hội cũng tổ chức nhiều cuộc hội thảo, khóa học bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho hội viên và nhiều hoạt động mang tính nghiệp vụ khác.

Phóng viên Truyền hình Thông tấn ghi hình tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Tổ chức Hội được củng cố, ngày càng lớn mạnh, đội ngũ hội viên ngày càng tăng nhanh cùng với sự lớn mạnh của báo chí Việt Nam. Đến nay, tổng số hội viên đã lên tới trên 18.300. Các Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố được lãnh đạo Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện làm việc. Chủ tịch, phó chủ tịch các cấp hội hầu hết là lãnh đạo các cơ quan báo chí, thuận tiện cho việc thực hiện chủ trương của Hội là lấy công tác chuyên môn nghiệp vụ làm nhiệm vụ trung tâm. Nhiều Hội có cán bộ chuyên trách để thúc đẩy công tác Hội.

Hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, quan hệ với nhiều Hội Nhà báo, tổ chức báo chí lớn trên thế giới, góp phần nâng cao uy tín của Hội, hợp tác để tổ chức các khóa huấn luyện, cập nhật thông tin về sự phát triển của báo chí hiện đại.

Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay đang trong nhiệm kỳ IX giai đoạn 2010- 2015. Đại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tháng 8 năm 2010, đề ra nhiều nhiệm vụ cho 5 năm. Ngoài những nhiệm vụ “truyền thống” là tiếp tục nâng cao vai trò, vị trí và chất lượng hoạt động của Hội, cải tiến, nâng cao trình độ chuyên môn, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới, Hội còn nghiêm túc đặt nhiệm vụ củng cố Hội về mặt tổ chức, chất lượng hoạt động; hoàn thành công trình xây dựng Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, khẩn trương triển khai đề án Bảo tàng báo chí Việt Nam tại khuôn viên đang được xây dựng ở Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay. Vấn đề đặt ra là phải xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia - nhà báo để thực hiện.

Hội phải thể hiện rõ vai trò trong quản lý, chỉ đạo báo chí trong cơ chế Ban - Bộ - Hội. Đó là chưa kể Hội phải chủ động, tích cực hơn nữa trong việc góp ý kiến, kiến nghị xây dựng chế độ, chính sách, qui định liên quan đến hoạt động báo chí, giúp báo chí phát triển trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế trong nước và thế giới. Hội phải giáo dục hội viên tuân thủ Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, quan tâm bảo vệ hội viên. Hai cơ quan báo chí của hội là báo Nhà báo và Công luận, tạp chí Người làm báo cũng cần được đầu tư để phát triển...

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí và của nhà báo Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay?

Theo một báo cáo chính thức, tính đến tháng 3/2011, cả nước có 745 cơ quan báo chí in, gồm 1.003 ấn phẩm. Lĩnh vực phát thanh và truyền hình cả nước có 67 đài, gồm 3 đài phát thanh, truyền hình ở Trung ương (VTV, VTC, VOV) và 64 đài phát thanh, truyền hình ở các địa phương với gần 300 kênh truyền hình trong nước và quốc tế phát sóng. Cả nước hiện có 46 báo điện tử và tạp chí điện tử, 287 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí và hàng ngàn trang tin điện tử có nội dung thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các đoàn thể, hội, hiệp hội và các doanh nghiệp. Cũng phải nói thêm là từ tháng 8 năm ngoái, TTXVN đã trình làng Truyền hình thông tấn (Vnews) chuyên về tin tức, chính luận, được xã hội quan tâm và đánh giá cao.

Sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ báo chí với các loại hình phong phú cho thấy nhu cầu về thông tin của xã hội ngày càng cao, đang được đội ngũ báo chí đáp ứng một cách tích cực. Về cơ bản, vai trò của báo chí với tư cách người thông tin, người phản biện, là diễn đàn, là cầu nối đang được phát huy có hiệu quả. Nhưng, báo chí của chúng ta vẫn có cái chưa được, vẫn mắc phải những sai phạm như thông tin không chính xác, một vài tờ báo có lúc chạy theo cơ chế thị trường.

Báo chí của ta có những điểm khác biệt so với báo chí phương Tây. Phương Tây coi báo chí là “quyền lực thứ tư”. Còn báo chí cách mạng Việt Nam là lực lượng phục vụ sự nghiệp phát triển, sự nghiệp cách mạng, phục vụ nhân dân. Nhiều thách thức to lớn đang đặt ra trước báo chí của chúng ta trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự lấn lướt của thông tin mạng từ nhiều phía. Có sự cạnh tranh quyết liệt trong thông tin. Cạnh tranh là cần thiết, nhưng phải lành mạnh, đúng luật, thông tin phải nhanh, nhưng phải chuẩn xác, đầy đủ nhưng không xô bồ.

Theo tôi, thách thức lớn nhất lại là thách thức vượt qua chính mình, bởi lẽ đội ngũ báo chí của chúng ta đã và đang được tạo điều kiện để hoạt động, để hành nghề, để phát triển, nhưng phóng viên - nhà báo có đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất, bản lĩnh chính trị, chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ không là chuyện khác. Báo chí chúng ta đã thực hiện xuất sắc chức năng, nhiệm vụ trong các cuộc chiến tranh ác liệt bảo vệ Tổ quốc. Nhưng nay, trong thời bình, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, đội ngũ nhà báo đang đứng trước những đòi hỏi cao hơn, buộc chúng ta phải vượt qua chính mình.

Theo ông, những quy định, chính sách đối với báo chí hiện nay đã đủ và phù hợp chưa? Có cần phải bổ sung thêm điều gì để giúp báo chí cách mạng Việt Nam đóng góp hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước?

Phải nói rằng những thành tựu và ưu điểm của báo chí trong thời gian qua có được là do có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Đảng, sự ủng hộ, giúp đỡ có hiệu quả của Nhà nước, các ngành, các địa phương trong cả nước. Các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, của Chính phủ đã kịp thời hướng dẫn, định hướng hoạt động báo chí, uốn nắn những sai sót, hạn chế và kịp thời động viên giới báo chí trong hoạt động nghề nghiệp. Các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí của Đảng và Nhà nước đã đề xuất nhiều cơ chế, chính sách, giúp cho việc tăng cường nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các cơ quan báo chí và các nhà báo. Cơ sở vật chất, trang, thiết bị, trình độ công nghệ của hệ thống báo chí đã được cải thiện đáng kể. Điều kiện hoạt động nghề nghiệp của các nhà báo ngày càng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, còn nhiều quy định, chính sách cần được sửa đổi như thuế doanh nghiệp đối với báo chí cần được hạ thấp hơn nữa để báo chí có thêm nguồn lực mở rộng hoạt động nghiệp vụ. Công tác quy hoạch báo chí cũng cần được đẩy mạnh để đội quân báo chí không chỉ đông mà còn mạnh, thông tin nhiều chiều, tạo được sự đồng thuận xã hội. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí vẫn chưa theo kịp với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, loại hình báo chí, chất lượng và kỹ năng nghề nghiệp, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội hiện đại, số hóa. Nhà nước cần quan tâm hơn về vấn đề này. Báo chí cũng là một trong những nghề nguy hiểm. Nên chăng có điều luật thừa nhận tác nghiệp báo chí là thi hành công vụ, hành vi cản trở, hành hung nhà báo tác nghiệp sẽ bị coi là cản trở, chống lại người thi hành công vụ. Về tuyên dương, khen thưởng, đề nghị xác lập danh hiệu Nhà báo ưu tú, Nhà báo nhân dân như đối với các danh hiệu nghệ sĩ, nhà giáo, thầy thuốc.

Xin cảm ơn ông!

 

Phương Lan (thực hiện)