12:00 17/12/2011

Để báo mạng không bị tê liệt bởi tin tặc

“Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và sự ra đời nhanh của các tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử không song hành với việc chuẩn bị và đầu tư hệ thống an ninh mạng khiến nhiều báo mạng luôn lo lắng về nguy cơ tin tặc tấn công."

Trao đổi với phóng viên Tin Tức tại Hội thảo “Phòng chống tội phạm công nghệ cao của các cơ quan thông tấn, báo chí điện tử” do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức ngày 16/12, Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn cho biết: “Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và sự ra đời nhanh của các tờ báo điện tử, trang thông tin điện tử không song hành với việc chuẩn bị và đầu tư hệ thống an ninh mạng khiến nhiều báo mạng luôn lo lắng về nguy cơ tin tặc tấn công.

Nguy cơ xóa sổ và những mối đe dọa

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện báo VietNamNet cho biết: Trong những năm qua, báo điện tử này luôn phải hứng chịu nhiều hình thức tấn công như xâm nhập hệ thống máy chủ web, tấn công cơ sở dữ liệu, chèn hình ảnh lên trang chủ website, tấn công từ chối dịch vụ (Dos), tấn công từ chối dịch vụ phân tán (DDOS), chiếm quyền điều khiển tên miền… Có năm, sau gần 2 tháng bị tấn công DDOS, độc giả báo VietNamNet giảm mất 3/4, các đối tác quảng cáo và truyền thông muốn rút. Độc giả khó tiếp cận với báo chí như trước khiến hiệu ứng tác động của các sản phẩm báo chí cũng giảm sút…

Vietnamnet mất nhiều số độc giả vì hacker tấn công.


Phía tờ báo mạng này cũng bày tỏ sự lo lắng: Nếu cuộc tấn công DDOS kéo dài nhiều tháng, thậm chí cả năm trời, nguồn lực thông tin và tài chính của báo cạn kiệt thì việc xóa sổ là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo Phó Trưởng ban Thư ký Biên tập, chịu trách nhiệm nội dung VTV.vn (Đài Truyền hình Việt Nam) Nguyễn Thành Lưu, các hình thức tấn công báo điện tử phổ biến là tấn công vào website và máy chủ host website; tấn công vào nhân viên của báo điện tử. Ông Lưu dẫn chứng ví dụ tờ báo điện tử số 1 Việt Nam là VnExpress đã từng bị chèn mã độc để tấn công vào bạn đọc truy cập báo. Một trong những lý do để các tin tặc có cơ hội tấn công qua cửa này chính là ý thức bảo mật của đội ngũ biên tập viên, phóng viên, một phần cũng là do kỹ năng sử dụng máy tính còn hạn chế.

Đại diện VTV.vn cũng cho rằng: Thực tế hiện nay các tòa soạn vẫn chưa thực sự xây dựng một quy trình tác nghiệp chuyên nghiệp vừa bảo đảm tốc độ thông tin, xuất bản thông tin vừa đảm bảo được an toàn, bảo mật cho cả hệ thống…

Thêm quyền hạn cho cơ quan điều phối

Tại hội thảo, đại diện VietNamNet đã kiến nghị Nhà nước cần có cơ quan điều phối đủ mạnh vì hiện nay vai trò và quyền hạn của Trung tâm ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (Vncert) thuộc Bộ TT-TT chưa thực sự đủ mạnh trong việc ứng cứu, khắc phục sự cố và truy tìm thủ phạm. Theo mô hình lý tưởng mà các nước phát triển áp dụng, một trung tâm ứng cứu như Vncert sẽ phải có chức năng huy động các đơn vị liên quan khác như cơ quan công an phối hợp tìm máy tính nhiễm virút để lấy mẫu, yêu cầu các đơn vị bảo mật như CMC Infosec, BKAV tại Việt Nam truy tìm virút trong thời gian nhanh nhất, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP) tra cứu hệ thống để truy tìm địa chỉ thật của các máy tính cần điều tra. Tuy nhiên, hiện Vncert vẫn chưa có đủ chức năng và quyền hạn để huy động được các đơn vị khác phối hợp đồng bộ và nhanh chóng như mô hình lý tưởng này.

Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Đỗ Quý Doãn, thời gian qua, Bộ TT-TT đã có rất nhiều giải pháp kiện toàn bộ máy, xây dựng thể chế, hoàn thiện văn bản pháp luật trong công tác an ninh mạng. Tuy nhiên, thủ đoạn của các tin tặc (hacker) ngày càng tinh vi, do vậy, các cơ quan báo điện tử cần có một đội ngũ quản trị mạng, cơ sở hạ tầng đảm bảo. Đây là vấn đề lớn mà các cơ quan báo chí cần quan tâm trong thời gian tới.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thế, Cục trưởng Cục Tin học nghiệp vụ, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an cho biết, hàng loạt website lớn bị tấn công trong đó có các website của cơ quan thông tấn báo chí với mức độ phức tạp ngày càng gia tăng. Các hình thức tấn công đều được chuẩn bị kỹ lưỡng với các thủ đoạn tấn công được thực hiện có tổ chức và lên kế hoạch chi tiết, trong khi khả năng ứng phó của các cơ quan báo chí điện tử ở Việt Nam còn rất hạn chế; hạ tầng công nghệ kém, lạc hậu, trình độ kỹ thuật chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa có quản trị nội dung chuyên biệt.

Minh Phương