05:21 22/05/2014

ĐBS Cửu Long - điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài

Với nhiều thế mạnh về nông sản, thủy sản, giá đất rẻ, nhân công trẻ, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông được cải thiện mạnh mẽ… vùng đồng bằng sông Cửu Long đang là điểm đến hấp dẫn cũng như mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.

Với nhiều thế mạnh vốn có về các mặt hàng nông sản, thủy sản, giá đất rẻ, nhân công trẻ, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông được cải thiện mạnh mẽ… vùng đồng bằng sông Cửu Long đang là điểm đến hấp dẫn cũng như mang lại nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Đây là nhận định của ông Yasuzumi Hirotaka, Giám đốc điều hành Tổ chức xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Thành phố Hồ Chí Minh ở Hội nghị giới thiệu môi trường đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long tổ chức ngày 22/5.

Thu hoạch lúa. Ảnh: Duy Khương/TTXVN


Cần có chiến lược liên kết vùng

Trong những năm gần đây, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có những bước phát triển năng động, nhưng để nắm bắt cơ hội và giải quyết những thách thức trong khu vực, vùng cần có chiến lược hợp tác, liên kết và nâng cao khả năng cạnh tranh. Cụ thể, do số lượng doanh nghiệp nước ngoài và có vốn đầu tư nước ngoài còn ít nên kiến thức về pháp luật cũng như tình hình kinh tế và kinh nghiệm quản lý của cán bộ thuộc cơ quan chính quyền khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn khá hạn chế, chưa tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư.

Mặt khác, vấn đề hàng đầu tạo nên sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư là hoàn thiện cơ sở hạ tầng như: khu công nghiệp, giao thông, hệ thống cấp điện… nhưng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long tiến trình này còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng kịp nhu cầu nhà đầu tư. Đáng chú ý, trong lĩnh vực phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và sản xuất nguyên vật liệu còn chưa được quan tâm đúng mức nên tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu sản xuất trong khu vực còn thấp, nhà cung cấp dịch vụ phụ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Hiện nay có một số công ty rất năng động mà Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) giới thiệu đang có những dự án đầu tư rất hiệu quả tại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành AmCham đề xuất: Vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tận dụng mạng lưới kết nối trực tuyến để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Hoa Kỳ đối với môi trường đầu tư của vùng. Khi các nhà đầu tư Hoa Kỳ, tìm thấy điều kiện phù hợp với nhu cầu cũng như bị hấp dẫn bởi môi trường đầu tư thuận lợi thì cơ hội tự nhiên sẽ đến vùng đồng bằng sông Cửu Long trong hợp tác và gắn kết lâu dài.

Theo ông Yasuzumi Hirotaka, các Công ty Nhật đang thận trọng tiếp cận từng bước, để tiến đến hợp tác toàn diện với doanh nghiệp địa phương ở Việt Nam, trong đó có vùng đồng bằng sông Cửu Long. Điều này mở ra cơ hội xây dựng, phát triển những mối quan hệ kinh doanh với đối tác cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng cao hơn và bền vững cho các dự án đầu tư ở Việt Nam . Vùng đồng bằng sông Cửu Long cần phải có những giải pháp thiết thực, tận dụng lợi thế và tiềm năng để thu hút vốn, công nghệ, phương thức quản lý tân tiến từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long cần đoàn kết lại thành một thể thống nhất để hành động đạt hiệu quả cao hơn và duy trì những giải pháp nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Nghề dệt chiếu tại BĐS Cửu Long. Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Triển vọng đầu tư vào ngành chủ chốt

Các chuyên gia đánh giá, mặc dù có nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng cơ hội đầu tư cho vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện đang có nhiều triển vọng, trong đó lĩnh vực đầu tư hấp dẫn nhất ở thời điểm này là công nghiệp chế biến, tận dụng lợi thế về các mặt hàng nông sản, thủy sản của vùng như gạo, trái cây, tôm, cá… Trước tiên, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần chủ động cải thiện hiệu quả và chất lượng trong sản xuất cũng như thu hoạch nông sản bằng cách ứng dụng công nghệ mới. Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang tham gia đàm phán mang lại ý nghĩa to lớn cho vùng, nhưng vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm là những điều kiện tiên quyết cần sớm có giải pháp.

Một số ngành sản xuất dây chuyền mà vùng đồng bằng sông Cửu Long có thể đáp ứng rất tốt như: may mặc, sản xuất xe hơi, sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp phụ trợ… Đặc biệt là cơ khí và chế tạo cho ngành nông sản, thủy sản, phân bón, thức ăn chăn nuôi… Đây là những ngành có tiềm năng mà từng tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về nguồn nhân lực và tận dụng phù hợp cho từng lĩnh vực. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và các ngành công nghiệp thiết yếu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long đóng vai trò quan trọng trong việc làm bàn đạp hỗ trợ cho những ngành công nghiệp khác phát triển theo hướng hiện đại.

Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Tiềm năng hợp tác và đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long rất rộng mở cho cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó định hướng phát triển đến năm 2020, vùng đồng bằng sông Cửu Long phấn đấu mức tăng trưởng GDP đạt trung bình 12% - 13%, tập trung phát triển ba lĩnh vực trọng điểm gồm phát triển hạ tầng kinh tế xã hội (giao thông, thủy lợi, năng lượng, đào tạo, y tế, chống biến đổi khí hậu…); xây dựng nông thôn mới; trung tâm, đô thị và khu công nghiệp. Đáng chú ý là vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực và quốc tế, là nơi sản xuất cũng như cung ứng các mặt hàng lương thực – thực phẩm cho toàn cầu. Trong tương lai, cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ là trung tâm kết nối của Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành vào năm 2015.

 
Mỹ Phương