10:17 30/10/2017

ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam): Cân nhắc khởi tố vụ Khaisilk

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng có thể khởi tố vụ Khaisilk thay đổi nhãn mác lừa dối người tiêu dùng khi có đầy đủ căn cứ. Tuy nhiên, phải rất thận trọng vì không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức bên hành lang Quốc hội chiều 30/10, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng: Muốn khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì phải dựa trên các yếu tố cấu thành tội phạm. Nếu những hành vi này có dấu hiệu phạm tội và hội tụ đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể khởi tố việc làm hàng giả hoặc kinh doanh trái phép.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh trả lời phỏng vấn.

Nhưng nếu không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì không nên khởi tố vì không nên hình sự hóa các quan hệ kinh tế và các quan hệ dân sự. Đó là tinh thần của luật pháp trong nhà nước pháp quyền.

"Nếu có dấu hiệu phạm tội và các cơ quan điều tra nhận thấy có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải khởi tố bị can, khởi tố vụ án để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, ngăn ngừa hành vi phạm tội khác. Nếu chưa đủ yếu tố thì phải thận trọng vì hình sự hóa quan hệ kinh tế không những cản trở sự phát triển kinh tế mà còn gây tâm lý hoang mang cho doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường hiện nay", ông Thịnh nói.

Theo vị luật sư này, người tiêu dùng có quyền gửi đơn kiến nghị khởi tố Khaisilk. Còn việc có khởi tố hay không là thuộc cơ quan tiến hành tố tụng. Các cơ quan này phải dựa trên các dấu hiệu cấu thành tội phạm có đủ để khởi tố hay không. "Phải rất thận trọng theo quy định của Luật Tố tụng. Nếu không sẽ vi phạm Luật Tố tụng và phải thực hiện bồi thường", ông Thịnh nói.

Từ vụ việc Khaisilk nhìn rộng ra mới thấy, từ trước đến nay tình trạng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt không phải hiếm, nhưng việc xử lý của các cơ quan quản lý chưa quyết liệt. Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, cơ quan quản lý thị trường đều biết hết việc hàng Trung Quốc lũng đoạn thị trường Việt Nam mà không quản lý được. Đây là việc đau xót cho nền kinh tế chúng ta, để cho hàng ngoại ảnh hưởng đến hàng Việt và sự phát triển của nền kinh tế. 

Luật sư Thịnh đề nghị: Khi phát hiện sai phạm thì cơ quan quản lý thị trường phải kiến nghị cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm ở tầm vĩ mô hơn. Còn nếu chỉ xử phạt vài trường hợp, vài chục triệu đồng thì không đủ để bảo hộ nền kinh tế nội địa trong điều kiện đa số doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần sự bảo vệ của pháp luật.

"Cơ quan quản lý phải kiên quyết xử lý vi phạm. Phải làm đồng bộ các cấp ngành với sự vào cuộc của truyền thông thì mới có hiệu quả và có tính lan tỏa", đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nói.

Liên quan đến vụ việc Khaisilk, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, các cơ quan thuộc Bộ đang tiếp tục xác minh, làm rõ, trên cơ sở đó đánh giá vi phạm đến đâu, ảnh hưởng như thế nào và đặc biệt có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì mới có thể có cách xử lý phù hợp.

Hoàng Dương/Báo Tin Tức