10:15 06/10/2013

Dạy thổi, múa khèn Mông ở Hà Giang

Lớp học diễn ra trong 1 tuần với sự tham gia của 40 học viên là các thanh niên dân tộc Mông ở xã Đường Thượng. Học viên được giảng về ý nghĩa và giá trị sâu sắc của chiếc khèn; học 11 bài khèn truyền thống trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mông được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Với mục đích bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang đã phối hợp với Trung tâm trao đổi giáo dục với Việt Nam - Quỹ hỗ trợ bảo tồn nghệ thuật văn hóa dân gian (CEEVN) tổ chức lớp dạy thổi, múa khèn Mông tại xã Đường Thượng, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

Lớp dạy học thổi, múa khèn Mông.


Lớp học diễn ra trong 1 tuần (từ ngày 1/10 đến ngày 7/10) với sự tham gia của 40 học viên là các thanh niên dân tộc Mông ở xã Đường Thượng. Các học viên được giảng về ý nghĩa và giá trị sâu sắc của chiếc khèn; học 11 bài khèn truyền thống trong đời sống tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mông đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Ông Sùng Thìn Dính, 69 tuổi, thôn Thầu Sán, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ (Hà Giang) biết thổi khèn từ nhỏ, là một trong số rất ít người còn am hiểu và thổi thành thạo 360 bài khèn nhỏ trong tổng số 11 bài khèn truyền thống. Ông cho biết, thực sự xúc động và tự hào khi được mời đến để truyền lại cho thế hệ trẻ hiểu được ý nghĩa của các điệu khèn và biết chơi khèn. Từ đó, họ sẽ có ý thức bảo tồn và phát triển nét văn hóa của chính dân tộc mình. Ông rất vui khi công sức của mình đem lại thành quả.

Thanh niên người Mông biểu diễn múa khèn.


Cây khèn từ xa xưa là một vật không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Mông. Ý nghĩa thực sự của các bài khèn truyền thống là dùng để khóc thương cha mẹ khi khuất núi. Sau này, các giai điệu khèn được sáng tạo thêm để thể hiện tâm tư, tình cảm của đồng bào Mông trong các lễ hội, các buổi văn nghệ giao duyên.

Ông Hùng Đại Kỳ, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết: Hiện nay, số người biết múa khèn ngày càng hạn chế, người am hiểu đầy đủ các điệu khèn lại càng hiếm. Do vậy, việc tổ chức lớp học múa và thổi khèn rất cần thiết nhằm duy trì nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông đang có nguy cơ bị mai một. Ban tổ chức sẽ mở một lớp học nâng cao nữa tại xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn vào ngày 15/10 với sự tham gia của các học viên đến từ các huyện trong toàn tỉnh.


Tin, ảnh: Đỗ Bình