11:13 09/11/2012

Dạy thêm, học thêm

Thực tế đã có rất nhiều phụ huynh khi thấy con mình không đi học thêm thì điểm trên lớp thấp. Tìm hiểu một số lớp học thêm ngay ở bậc tiểu học cũng đã thấy nhiều thày cô tổ chức dạy trước chương trình...

Dạy thêm, học thêm là vấn đề không mới với tất cả những ai đã từng ngồi trên ghế nhà trường vì nếu là học sinh học yếu thì được các thày cô phụ đạo, còn nếu là học sinh khá thì được bồi dưỡng để trở thành học sinh giỏi của lớp, của trường, của huyện, tỉnh, quốc gia, quốc tế.


Tuy cách gọi có khác nhau, nhưng chung qui lại việc dạy thêm, học thêm ở giai đoạn lịch sử nào cũng diễn ra; chỉ có điều hàng chục, hàng trăm năm trước việc thày cô phụ đạo cho học sinh là miễn phí; nhiều thày cô còn yêu cầu học sinh phải học phụ đạo, thậm chí có thày cô còn đến tận nhà học sinh để dạy thêm. Cũng có nhiều học sinh phải “tầm sư, học đạo” được thày yêu thương như con, và rất nhiều người đã trở thành danh nhân của đất nước.


Ngày đó, việc dạy thêm luôn là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tấm lòng thật sự “tất cả vì học sinh thân yêu” của các thày cô giáo.


Tuy nhiên, trong những năm gần đây việc dạy thêm của nhiều thày cô giáo đã trở thành một nghề có thu nhập cao, nhiều khi cao hơn thu nhập chính. Không ít thày cô giáo giàu lên nhờ dạy thêm; nhất là các thày cô dạy trong các “lò” luyện thi đại học. Trong khi đó, học sinh học thêm phải trả học phí không hề rẻ, nhiều khi vượt quá khả năng kinh tế của gia đình học sinh; do đó không phải học sinh nào cũng có thể học thêm để tham dự các kỳ thi đại học.


Chính cái giá học thêm này mà việc “dạy thêm, học thêm” đã biến thái đi; theo đó, ý nghĩa dạy thêm học thêm là mua - bán sòng phẳng; và đã bị qui luật của thị trường chi phối. Từ đó, việc dạy thêm học thêm bắt đầu xuất hiện những hiện tượng khiến cho việc học của học sinh ngày càng căng thẳng; cũng là một trong những “động lực” làm cho bệnh thành tích len lỏi vào mỗi gia đình học sinh.


Thực tế đã có rất nhiều phụ huynh khi thấy con mình không đi học thêm thì điểm trên lớp thấp. Tìm hiểu một số lớp học thêm ngay ở bậc tiểu học cũng đã thấy nhiều thày cô tổ chức dạy trước chương trình, do vậy khi đến lớp học sinh biết rồi nên điểm cao, học sinh không đi học thêm không biết nên điểm thấp. Ở nhiều lớp, khi phần đông học sinh đã đi học thêm, nên khi vào giờ dạy chính các bài giảng của giáo viên có vẻ “lướt” nên những học sinh không học thêm rất khó tiếp thu; thậm chí có giáo viên còn cắt xén giờ chính khóa để dạy bên ngoài. Với cách dạy như vậy, bất kỳ học sinh nào nếu không đi học thêm sẽ rất khó theo kịp bạn bè trong lớp. Do đó, dù muốn hay không, thày cô đã tổ chức dạy thêm thì các em phải theo học; đặc biệt là với học sinh tiểu học. Cũng không ít trường hợp giáo viên ép học sinh học thêm.


Đây chỉ là một trong biết bao hệ luỵ của việc dạy thêm, học thêm nhưng nó đã nói lên rằng, bản chất của việc dạy thêm học thêm hiện nay không còn mang ý nghĩa tốt đẹp và cao cả của “phụ đạo” nữa mà nó đã trở thành một gánh nặng tài chính với không ít gia đình có thu nhập thấp và cũng là áp lực không nhỏ với nhiều học sinh; theo đó, tinh thần “tôn sư, trọng đạo” cũng đã có phần lệch lạc trong không ít người.


Vì vậy, trong nhiều năm qua, các cơ quan quản lý giáo dục đã có nhiều biện pháp để đưa việc dạy thêm, học thêm vào nề nếp. Mới đây nhất là thông tư số 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo qui định về việc dạy thêm học thêm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012. Tuy nhiên sau khi triển khai thi hành thông tư này đã xuất hiện nhiều bất cập; đặc biệt là các biện pháp triển khai của cơ quan chức năng. Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ bằng một thông tư thì không thể giải quyết được tình trạng dạy thêm học thêm như hiện nay. Rằng, muốn quản lý được việc dạy thêm phải xem lại cái gốc của vấn đề như nội dung chương trình giáo dục phổ thông, cách thức thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, cao đẳng đã phù hợp chưa.


Giải quyết được những vấn đề này thì tình trạng dạy thêm, học thêm mới giảm được.


Nguyễn Quang Vinh