09:20 05/09/2017

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn

Chiều 5/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 7. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự phiên họp.

Công tác phòng chống tham nhũng đạt kết quả tích cực

Trong ngày làm việc đầu tiên, Ủy ban Tư pháp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn, công tác phòng chống tham nhũng trong năm 2017 đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt. Cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt trong các lĩnh vực: đất đai, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội...; nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí và nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được khẩn trương xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật, có tác dụng răn đe, phòng ngừa tham nhũng.

Theo đó, qua hơn 5.000 cuộc thanh tra hành chính và trên 190.000 cuộc thanh tra chuyên ngành, ngành Thanh tra đã phát hiện vi phạm hơn 34.000 tỷ đồng, hơn 5.800 ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 19.500 tỷ đồng và trên 5.000 ha đất. Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị xử lý tài chính gần 40.000 tỷ đồng.

Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã phát hiện 76 vụ, 141 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Đặc biệt, tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 300 vụ với 706 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 145 vụ, 328 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 50% (tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2016).

Cũng theo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, tình hình tham nhũng năm 2018 dự báo sẽ tiếp tục có dấu hiệu giảm. “Sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và nỗ lực của các cơ quan chức năng trong phòng chống tham nhũng, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng sẽ củng cố niềm tin của nhân dân, có tác dụng răn đe rõ rệt; vừa cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng vừa khích lệ các nhân tố tích cực tham gia phòng chống tham nhũng", Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn nhận định.

Nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp vẫn phổ biến

Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 cũng thẳng thắn thừa nhận, kết quả phòng chống tham nhũng thời gian qua tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá. Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư. Công tác phòng chống tham nhũng tại các địa phương còn yếu, chưa đồng đều.

Báo cáo nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường trình bày đã nêu rõ những nguyên nhân, hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay.

Cụ thể, ý thức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa nghiêm; việc nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp còn phổ biến. Việc quản lý tài sản công, vốn đầu tư công trong các doanh nghiệp nhà nước nhiều năm bị buông lỏng, nhiều doanh nghiệp nhà nước gây thất thoát, lãng phí lớn, thậm chí lãnh đạo các doanh nghiệp này tham nhũng nhưng không được phát hiện và xử lý kịp thời dẫn đến thất thoát hàng nghìn tỷ đồng không có khả năng thu hồi.

Trong khi đó, việc theo dõi, kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản để bảo đảm cho việc thu hồi tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả do tham nhũng gây ra đối với các vụ án tham nhũng còn gặp khó khăn, vướng mắc trong cả quy định của pháp luật và tổ chức thực hiện.

“Đặc biệt, việc xử lý trách nhiệm của những người có hành vi tham nhũng, người bao che cho hành vi tham nhũng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong nhiều trường hợp không nghiêm minh, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “nhờn luật”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 và Báo cáo nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 của Nhóm nghiên cứu thuộc Ủy ban Tư pháp.

Các đại biểu cho rằng, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế. Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, cần đánh giá cụ thể nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, nhất là trong công tác cán bộ để có biện pháp răn đe, phòng ngừa phù hợp.

“Những tội tham nhũng là tội thực hiện do lỗi cố ý, nhưng báo cáo chưa có đánh giá cụ thể. Bên cạnh đó, công tác cán bộ nhiều nơi làm chưa tốt; việc bổ nhiệm cán bộ, chức vụ theo cảm tình cá nhân của người được quyền bổ nhiệm; từ đó nảy sinh tình trạng tham nhũng”, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ nêu quan điểm.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho rằng, một trong những giải pháp rất quan trọng, được coi là “thanh bảo kiếm” chống tham nhũng là thực hiện công khai. Tuy nhiên, việc thực hiện công khai thời gian qua chưa tốt, vẫn còn tâm lý e ngại công khai kết luận thanh tra. Ông Ngô Sách Thực đề nghị, việc công khai kết quả thanh tra, kiểm tra theo quy định pháp luật cần đẩy mạnh trong thời gian tới.

Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ trên cơ sở rà soát, tổng kết, đánh giá những hạn chế, bất cập trong công tác phòng chống tham nhũng, nhất là về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan đơn vị; về kê khai tài sản, thu nhập… để đề xuất những giải pháp sửa đổi, bổ sung phù hợp trong Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) và trình Quốc hội xem xét, quyết định; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm khắc phục những sơ hở trong quản lý xã hội, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.

Các đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tăng cường công tác chỉ đạo; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, được dư luận xã hội quan tâm, bảo đảm thực hiện đạt các chỉ tiêu, yêu cầu về phòng chống tham nhũng được giao. Đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ, có cơ chế hữu hiệu để loại khỏi bộ máy nhà nước những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất.

Phát biểu chỉ đạo phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ rõ năm 2017, với sự chỉ đạo quyết liệt, bài bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư,… trong công tác phòng, chống tham nhũng, các cơ quan trong Chính phủ đã nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ chính trị đối với công tác này và thu được nhiều kết quả nổi bật. Nhiều vụ án lớn, phức tạp được dư luận quan tâm được đưa ra xét xử công khai, đúng pháp luật với mức án nghiêm khắc, được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi; cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa đạt được mục tiêu đặt ra là từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, chưa đáp ứng được mong mỏi, chờ đợi của người dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ cần nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan dẫn đến tình trạng tham nhũng phức tạp như hiện nay; nhất là công tác tổ chức thực hiện pháp luật cũng như thực hiện kỷ luật, kỷ cương… từ đó đề ra những biện pháp phòng chống hiệu quả, tạo ra sự chuyển biến thực sự về công tác này trong năm 2018.

Phan Phương (TTXVN)