07:23 20/07/2012

Đẩy mạnh xuất khẩu vật liệu xây dựng

Thời gian gần đây, năng lực sản xuất của ngành vật liệu xây dựng (VLXD) trong nước đã vượt cao hơn so với nhu cầu tiêu dùng trong nước. Chính vì vậy, bên cạnh việc một số doanh nghiệp (DN) đã có thị trường xuất khẩu (XK), Bộ Xây dựng cũng đang khuyến khích các DN khác tìm hướng XK sang các thị trường mới.

Thời gian gần đây, năng lực sản xuất của ngành vật liệu xây dựng (VLXD) trong nước đã vượt cao hơn so với nhu cầu tiêu dùng trong nước. Chính vì vậy, bên cạnh việc một số doanh nghiệp (DN) đã có thị trường xuất khẩu (XK), Bộ Xây dựng cũng đang khuyến khích các DN khác tìm hướng XK sang các thị trường mới.


 

Nhiều DN ngành VLXD đã chọn giải pháp xuất khẩu tới thị trường tiềm năng Trung Đông, châu Phi.

 

Theo Bộ Xây dựng, trước đây, Việt Nam còn phải nhập khẩu nhiều chủng loại VLXD để phục vụ nhu cầu trong nước, tuy nhiên đến nay ngành công nghiệp sản xuất VLXD nước ta đã phát triển khá mạnh cả về quy mô lẫn sản lượng, không chỉ cung cấp đủ cho thị trường trong nước mà còn có xu hướng dư thừa. Đơn cử như ngành xi măng, trong năm 2012, năng lực sản xuất của toàn ngành đã tăng khoảng 10% so với năm 2011.

 

Theo đó, toàn ngành có công suất thiết kế khoảng 70 triệu tấn, trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa dự kiến chỉ khoảng 46 - 47 triệu tấn và phấn đấu xuất khẩu 7 - 8 triệu tấn (năm 2011 xuất khẩu 5,5 triệu tấn). Do đó, lượng xi măng sẽ dư thừa khoảng 10 triệu tấn. Chính vì thế, để giải quyết lượng hàng hóa dư thừa, ngành xây dựng khuyến cáo các doanh nghiệp cần tìm đầu ra theo hướng tăng cường xuất khẩu.


Cũng theo Bộ Xây dựng, kim ngạch xuất khẩu của ngành VLXD năm 2011 đã đạt ngưỡng 765,9 triệu USD, tăng hơn 86% so với năm 2010 và cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao như; đá xây dựng (tăng 25%), gạch, gốm xây dựng (tăng 70%)… Theo nhận định của Bộ Xây dựng, với năng lực sản xuất của ngành VLXD hiện nay, nếu không có những giải pháp cụ thể để tìm đầu ra thì trong vài năm tới, áp lực dư thừa sẽ còn lớn hơn.

Để tìm đầu ra cho sản phẩm VLXD, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), cho biết thị trường Trung Đông đang có nhu cầu lớn về VLXD. Do có nguồn thu ngoại tệ lớn từ ngành công nghiệp dầu khí nên các nước này đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Dự kiến trong 2 năm (2012 - 2013), các nước Trung Đông sẽ đầu tư khoảng 915 tỉ USD cho các dự án xây dựng. Ngoài ra, năng lực sản xuất nội địa của các nước Trung Đông chủ yếu chỉ sản xuất các sản phẩm xi măng siêu nhẹ, còn các mặt hàng khác phải nhập khẩu. Những điều này, đã mang lại cơ hội lớn cho các nhà cung cấp từ bên ngoài, trong đó có Việt Nam. Hiện những nước có nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm VLXD lớn như: Các Tiểu vương quốc Arập Thống Nhất, Arập Xêút, Côoét, Cata...


Ngoài thị trường Trung Đông, châu Phi cũng là thị trường tiềm năng nhập khẩu các sản phẩm VLXD. Bởi châu Phi cũng có nhu cầu thị trường lớn, dễ tính, có tiềm lực kinh tế lớn do xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt… Tuy nhiên, ông Lý Quốc Hùng khuyến cáo: “Thời gian qua, tại thị trường này nhiều DN Việt Nam đã gặp phải những đối tượng lừa đảo. Theo đó, các đối tượng này thường áp dụng hình thức đề nghị mua hàng, ký hợp đồng xuất nhập khẩu với giá hấp dẫn, thủ tục đơn giản và đề nghị DN Việt Nam trả trước phí để đăng kí giấy phép nhập khẩu, đăng kí hợp đồng với tòa án. Do đó, để hạn chế rủi ro, các DN nên xác minh rõ danh tính đối tác, có định hướng và kế hoạch dài hạn, không nên giao dịch qua thương mại điện tử...”.


Ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng cho biết: “Việc XK các sản phẩm VLXD của nước ta hiện chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, để hỗ trợ các DN XK mở rộng thị trường, đặc biệt tại những thị trường mới, cơ quan thương vụ tại các nước cần hỗ trợ DN tìm hiểu thị trường, các đối tác nhập khẩu để tránh rủi ro. Các ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ tín dụng cho DN như: giãn nợ, khoanh nợ, cho vay lãi suất thấp và hỗ trợ DN trong việc tìm hiểu các đối tác ngân hàng của nước nhập khẩu để tư vấn cho các DN Việt Nam trong việc chọn ngân hàng đối tác, chọn phương thức thanh toán khi kí kết hợp đồng. Đối với DN, bản thân DN nên chủ động phát triển thị trường trước khi chờ Nhà nước hỗ trợ. Chẳng hạn, để bù lại sức mua giảm tại thị trường trong nước, DN nên mạnh dạn đẩy mạnh XK tới những thị trường tiềm năng. Đồng thời, DN nên chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất để làm ra những sản phẩm có chất lượng tốt, có giá thành thấp nhằm tăng sức cạnh tranh”.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết