09:21 21/09/2015

Đẩy mạnh xã hội hóa thiết chế văn hóa công cộng

Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã kéo theo việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa công cộng, nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân.

Con đường gốm sứ là một trong những thiết chế văn hóa được xã hội hóa thành công tại Hà Nội.

Tuy nhiên, trên thực tế tại Việt Nam, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước chủ yếu dành cho việc xây dựng nên hệ thống cơ sở hạ tầng khung, tạo tiền đề cho các đô thị phát triển. Để không gian đô thị ngày càng đẹp hơn, văn minh hơn qua việc kết hợp hài hòa không gian đô thị cũ và mới; cải tạo, bảo tồn và tạo nên những không gian văn hóa trong đô thị, thì mọi sự chung tay góp sức đều rất cần thiết.

Những cách làm hiệu quả

Trên thế giới, đã có nhiều đô thị thành công trong lĩnh vực này. Đó là thành phố Moscow (Nga) với những bến tàu điện ngầm được trang hoàng như cung điện; Saint Petersburg với Cung điện Mùa Đông và những đài phun nước. Thành phố Paris hoa lệ vốn đã nổi tiếng với các tòa kiến trúc cổ lộng lẫy dọc bên hai bờ sông Seine, nhưng họ vẫn không ngừng đặt vào đó những dấu ấn nghệ thuật mới như một kim tự tháp kính giữa sân bảo tàng Louvre, một trung tâm nghệ thuật đương đại với đường nét hiện đại của kính và thép Pompidou hay một cổng lớn vuông thành sắc cạnh khổng lồ La Defence.

Chính phủ ở nhiều nước cũng đã có những nỗ lực để khuyến khích nghệ thuật công cộng bằng cách đưa ra những chính sách bằng văn bản như việc trích 1% kinh phí xây dựng những tòa nhà mới cho nghệ thuật công cộng. Khẩu hiệu đưa ra là “Phần trăm cho nghệ thuật” (Percent for Art). Thành phố New York đưa ra điều luật trích không dưới 1% đối với công trình xây dựng trị giá 20 triệu USD để dành ngân sách cho nghệ thuật công cộng. Thành phố Toronto (Canada) thì đưa ra luật chung là trích 1% ngân sách các công trình xây dựng bất kể lớn nhỏ cho nghệ thuật công cộng...

Tại châu Á, một trong những quốc gia làm tốt việc này là Hàn Quốc. Cuộc vận động “Phục dựng khu phố - Maeul Renaissance” bắt đầu vào năm 2011 tại thành phố Yeongcheon - Hàn Quốc. Tại đây, người dân tự thiết kế để biến khu phố nơi mình sinh sống thành một “không gian sống tươi đẹp” nơi kết hợp các yếu tố văn hóa - kiến trúc - môi trường. Hay một ví dụ khác cũng tại Hàn Quốc là “Phố Dongpirang”, một khu dân cư nghèo nằm trong diện giải tỏa của thành phố ven biển Tongyeong. Với ý tưởng “phố nghèo nếu được cải tạo và trang trí lại sẽ trở thành không gian xinh đẹp”, các tổ chức cộng đồng đã khuyến khích nhiều cuộc thi vẽ tranh tường thu hút các sinh viên mỹ thuật trên khắp cả nước quy tụ về đây cùng làm đẹp cho Phố Dongpirang. Qua đó, Phố Dongpirang đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng, góp phần cải thiện đời sống cư dân nơi đây.

Hành trình mới bắt đầu

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là nước có tốc độ đô thị hóa lớn nhất Đông Nam Á. Nếu như năm 1999, cả nước chỉ có 629 đô thị, thì đến cuối năm 2014, tổng số đô thị đã lên tới 774. Tỷ lệ đô thị hóa từ 23,7% năm 1999 đã tăng lên 34,5% năm 2014. Theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị quốc gia, dự kiến tỷ lệ đô thị hóa sẽ tăng lên 50% vào năm 2025. Cùng với đó, là sự gia tăng của cư dân đô thị. Nếu như năm 1986, tỷ lệ dân cư sống tại đô thị Việt Nam mới 19% (khoảng 11,8 triệu người), thì đến năm 2010 đã tăng lên đến 30,5% (khoảng 26,3 triệu người). Dự báo đến năm 2020, tốc độ đô thị hóa sẽ đạt 45% (khoảng 44 triệu người).

Trong bối cảnh này, việc đưa nghệ thuật vào không gian sống bằng nhiều hình thức thể hiện khác nhau, để tạo ra những hiệu quả tích cực đối với diện mạo đô thị cũng như cải thiện cuộc sống của người dân địa phương là vô cùng cần thiết và được coi là một hướng đi mới của nghệ thuật đương đại.

Việt Nam đã bắt đầu được quan tâm quan tâm tới vấn đề này, tuy nhiên con số các dự án còn rất khiêm tốn như Con đường gốm sứ ven sông Hồng tại Hà Nội, kiến tạo sân chơi cho trẻ em trong các đô thị, đưa nghệ thuật cổ truyền vào khu vực phố cổ Hà Nội... Còn tại các địa phương, các công trình nghệ thuật công cộng có thể kể đến các trại sáng tác điêu khắc quốc tế được tổ chức ở Huế, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Thọ đã để lại những tác phẩm điêu khắc mang tính trang trí tại không gian công cộng bên bờ sông Hương (Huế) hay bên bờ biển Nha Trang, Vũng Tàu, vườn hoa trước tòa nhà UBND tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, tất cả đều hết sức khiêm tốn và cần có một sự đầu tư đồng bộ, hiệu quả hơn để tạo ra những công trình thật sự có giá trị.

Lâu nay tại Hà Nội, có một nghệ sĩ cũng đã rất tâm huyết với các thiết chế văn hóa công cộng, đó là họa sỹ Nguyễn Thu Thủy. Lần đầu tiên, vào năm 2006, họa sĩ đã đề xuất lên UBND thành phố Hà Nội về việc một công trình nghệ thuật hoành tráng mang tên Con đường gốm sứ ven sông Hồng - quà tặng nhân dịp 1.000 năm Thăng Long Hà Nội và đã được cho phép. Trong 4 năm từ năm 2006 đến năm 2010, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy và công ty Nghệ Thuật Tân Hà Nội đã tổ chức thi công gần 7.000 m2 tranh gốm và khánh thành vào ngày 5/10/2010, đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Tiếp sau đó, họa sỹ Thu Thủy đã phát triển các dự án nghệ thuật công cộng ở Hà Nội, Thái Nguyên, Thanh Hóa và quần đảo Trường Sa…

Hiệu quả các công trình đã được ghi nhận, tuy nhiên, những người có “tâm” như họa sĩ Thu Thủy chưa phải là nhiều, chính bởi vậy, thời gian tới, rất cần sự vào cuộc của các nghệ sĩ, các doanh nghiệp trong việc phát triển những ý tưởng mới để làm đẹp các không gian đô thị, cũng như truyền niềm vui cho công chúng và quyết tâm cho các nhà lãnh đạo dành nhiều sự quan tâm hơn nữa những thiết chế rất có ý nghĩa này.

Anh Minh