11:06 16/11/2016

Đẩy mạnh truyền thông về chống bạo hành phụ nữ

Để nâng cao hiệu quả phòng chống bạo lực đối với phụ nữ, phóng viên báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH xung quanh các giải pháp Bộ sẽ triển khai.

Giải pháp chính để hạn chế tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Do quan niệm truyền thống Á Đông nên nói về bạo lực giới là liên quan đến những bạo hành phụ nữ và trẻ em. Để hạn chế tình trạng bạo lực giới thì truyền thông thay đổi nhận thức có vai trò quan trọng. Do đó, năm nay, lần đầu tiên Việt Nam triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (từ 15/11 - 15/12) nhằm huy động sự chung tay của cả cộng đồng, xóa bỏ bất bình đẳng giới, hướng tới xây dựng một xã hội văn minh và phát triển bền vững. Tháng hành động năm 2016 sẽ là dấu mốc đầu tiên của một Chiến dịch truyền thông cấp quốc gia nhằm truyền đi thông điệp “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” đến mọi người dân để nâng cao nhận thức, xóa bỏ bạo lực ngay từ gia đình.

Hàng năm, Bộ LĐTBXH sẽ duy trì tháng hành động để từ đó các cấp, các ngành có hành động cụ thể. Đặc biệt, công tác truyền thông cũng sẽ hướng tới nam giới, bởi sự vào cuộc của họ có vai trò quan trọng trong việc nhận thức đúng về bình đẳng giới, tôn trọng sẻ chia với vợ con và xây dựng gia đình hòa thuận.

Thực tế triển khai Luật Phòng chống bạo lực gia đình từ năm 2008 nhưng việc triển khai vẫn còn khoảng trống, thiếu sự vào cuộc hiệu quả của chính quyền địa phương. Vậy tới đây, Bộ LĐTBXH sẽ có giải pháp nào cho vấn đề này, thưa ông?

Phòng chống bạo lực gia đình cần sự chung tay của nhiều ban ngành và cộng đồng. Thực tế nơi nào, chính quyền cơ sở quan tâm, giải quyết rốt ráo các vụ bạo hành thì tỷ lệ tái phạm sẽ giảm. Do đó, Bộ sẽ tăng cường tập huấn cán bộ, nhân rộng mô hình tốt về xóa bỏ bạo lực giới tại 74 xã đã làm điểm. Bên cạnh đó, Bộ LĐTBXH sẽ phát triển mạng lưới nhân viên xã hội theo hướng cùng cộng đồng can thiệp, chia sẻ với nạn nhân bị bạo lực gia đình, khuyến khích họ lên tiếng chống lại các hành vi bạo lực giới.

Từ 2008 đến nay, một số mô hình kết hợp các hoạt động của CLB Công tác gia đình, nơi thu hút các gia đình gần nhau để giao lưu chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, cung cấp kiến thức kỹ năng về nhận diện bao lực gia đình để ngăn ngừa, ứng xử, giải quyết mâu thuẫn. Đến nay cả nước đã hình thành hơn 18.000 CLB. Thời gian tới hướng hoạt động CLB này hoạt động thực chất hơn giảm bạo lực gia đình.

Xin cảm ơn ông!
Xuân Cường