Do số lượng đàn gia súc, gia cầm bị sụt giảm bởi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán, để bảo đảm nguồn cung và khôi phục sản xuất chăn nuôi, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Yên Bái đẩy mạnh tái đàn theo hướng có kiểm soát; quan tâm phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bà Đinh Thị Thu Hà, thôn Nước Mát, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái, tập trung tái đàn lợn rừng sau Tết. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN
Tuy nhiên, việc tái đàn năm nay người chăn nuôi gặp một số thách thức như: tình hình thời tiết rét đậm, rét hại; giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, trong khi thị trường tiêu thụ có thể biến động. Do đó, đòi hỏi các hộ chăn nuôi phải tính toán kỹ lưỡng, việc tái đàn không thể thực hiện một cách ồ ạt, lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng và bảo đảm điều kiện chăn nuôi an toàn.
Hiện tại, toàn tỉnh Yên Bái có tổng đàn gia súc chính 827.228 con; tổng đàn gia cầm trên 7 triệu con. Những năm qua, Yên Bái đã phát triển mạnh các mô hình chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại. Các giống gia súc, gia cầm được các hộ nông dân, hợp tác xã nuôi với quy mô lớn, mô hình chăn nuôi hữu cơ và an toàn sinh học cũng được chú trọng.
Ông Ninh Trần Phương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho biết, việc tái đàn sau Tết là bước quan trọng để duy trì quy mô chăn nuôi, ổn định sản xuất và bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, hiện nay đang rét đậm, rét hại, người chăn nuôi cần cẩn trọng trong việc tái đàn để phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe vật nuôi. Cùng đó, các địa phương cần tăng cường quản lý nhà nước đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống; tăng cường năng lực sản xuất giống tại địa phương để có con giống với giá thành phù hợp trong quá trình sản xuất.
Ngành cũng khuyến khích người chăn nuôi tái đàn có kiểm soát, không tái đàn ồ ạt để tránh nguy cơ dịch bệnh. Việc lựa chọn con giống phải chặt chẽ, chỉ nhập từ các cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và đã được tiêm phòng đầy đủ. Đặc biệt, người dân nên áp dụng kỹ thuật chăn nuôi tuần hoàn và an toàn sinh học để tối ưu chi phí và giảm thiểu rủi ro.
Hiện nay, thời tiết rét đậm, rét hại và thay đổi thất thường, người dân cần theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động phòng chống đói, rét và không thả rông gia súc khi nhiệt độ xuống thấp. Khi nhập con giống mới, phải chọn những con khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine quan trọng như tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Mặt khác, các hộ chăn nuôi chú trọng vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, để trống chuồng ít nhất 1 - 2 tuần trước khi nhập giống mới.
Bà Đinh Thị Thu Hà, thôn Nước Mát, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái chăm sóc đàn gà. Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN
Năm 2025, ngành nông nghiệp Yên Bái phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất chăn nuôi đạt 5,85%; giá trị sản xuất chăn nuôi (theo giá so sánh 2010) đạt 2.740 tỷ đồng, tăng 180 tỷ đồng so với năm 2024; tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 30% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; tổng đàn gia súc chính đạt 950.000 con; đàn gia cầm 8 triệu con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 83.000 tấn.
Để đạt mục tiêu trên, ngành nông nghiệp Yên Bái khuyến khích các hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình chăn nuôi công nghệ cao, ứng dụng khoa học, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi an toàn sinh học là hướng đi quan trọng không chỉ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Cùng đó, chú trọng cung cấp giống gia súc, gia cầm chất lượng cao, có khả năng sinh trưởng, kháng bệnh tốt.
* UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động lập kế hoạch đối phó với rét đậm, rét hại; đồng thời, theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo về diễn biến đợt không khí lạnh, rét và thông tin kịp thời cho cơ sở, nhân dân phòng tránh.
Trong triển khai phương án ứng phó với rét, đặc biệt chú trọng hướng dẫn bảo đảm sức khỏe cho người dân, học sinh tại các trường nội trú; không dùng bếp than sưởi ấm trong phòng kín để tránh thiệt hại về người; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, dự trữ thức ăn và phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn cho sản xuất lúa, rau màu và cây trồng khác.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan; UBND các xã, phường, thị trấn chủ động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn đàn gia súc, gia cầm. Trong đó, tập trung chỉ đạo người chăn nuôi chủ động gia cố, tu sửa đảm bảo chuồng trại sạch sẽ, khô ráo có hệ thống rèm, bạt để che chắn đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt nền chuồng.
Cùng đó, cải thiện tiểu khí hậu chuồng nuôi; hạn chế tối đa việc rửa nước chuồng trại trong mùa đông; áp dụng các biện pháp bảo quản và dự trữ thức ăn thô, xanh, nhất là rơm rạ và cỏ khô cho trâu, bò; chế biến thức ăn bằng phương pháp ủ chua các phụ phẩm trong nông nghiệp.
Trong những ngày rét đậm, rét hại có thể cho ăn tăng lượng thức ăn tinh, bổ sung vitamin và chất điện giải để tăng cường sức đề kháng nhằm chống đói, rét và phòng, chống dịch bệnh. Đối với gia súc, gia cầm khác cho ăn đầy đủ theo chủng loại, số lượng, chất lượng và lứa tuổi của từng loại gia súc, gia cầm.
Việc chăn nuôi thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng và tăng sức khoẻ để chống rét và dịch bệnh. Đối với gia súc, gia cầm con non và trâu, bò già, yếu cần có chế độ chăm sóc phù hợp với từng loại để tăng cường sức đề kháng với dịch bệnh và giá rét; chống rét trên cơ thể trâu, bò, làm áo ấm (nhất là bê, nghé) bằng bao tải, vải sợi bông nhiều lớp...
Đối với các xã vùng cao có tập quán thả rông trong rừng, núi phải chủ động đưa về chỗ nuôi nhốt, có che chắn để đảm bảo đủ ấm...; thường xuyên quét dọn, vệ sinh, xử lý chất thải, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, tẩy uế chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; định kỳ phun thuốc sát trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi.
Ngoài việc chủ động phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh theo quy định đối với từng loại vật nuôi, cần theo dõi, phát hiện kịp thời gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị; đặc biệt là với các bệnh đường tiêu hoá, hô hấp. Tình hình dịch bệnh của đàn vật nuôi cần được giám sát chặt chẽ nhằm phát hiện, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra theo các quy định phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Đi đôi với phòng, chống rét vật nuôi, tỉnh cũng tập trung phòng dịch hại trên cây trồng. Vụ Đông Xuân 2024 - 2025, Vĩnh Phúc phấn đấu gieo trồng hơn 37.200 ha cây trồng; trong đó, có 28.300 ha lúa, 2.100 ha ngô, 1.300 ha lạc và 2.600 ha rau các loại cùng 2.570 ha cây hằng năm khác...
Đến giữa tháng 2, toàn tỉnh đã gieo cấy khoảng 85% diện tích cây lúa và chuẩn bị tốt khâu phòng trừ sâu bệnh. Vụ Đông Xuân 2024 - 2025, dự báo thời tiết diễn biến rất phức tạp, đầu năm mới trời nắng ấm, ra Tết trời nồm ẩm... là điều kiện thuận lợi cho một số sinh vật gây hại chính có thể phát sinh gây hại mạnh, ảnh hưởng tới sản xuất trồng trọt.
Ngành nông nghiệp địa phương yêu cầu thành lập tổ công tác chỉ đạo sản xuất, phòng chống dịch hại cây trồng vụ tại các huyện, thành phố; tăng cường biện pháp diệt chuột bảo vệ sản xuất; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nắm bắt tiến độ sản xuất và theo dõi tình hình sinh vật gây hại để có biện pháp phòng chống kịp thời; phân công cán bộ bám đồng, điểm điều tra cố định, dự báo, dự tính chính xác đối tượng sinh vật gây hại.
Từ đó, ra thông báo dự kiến tình hình sâu bệnh gây hại định kỳ 7 ngày/lần và triển khai biện pháp hướng dẫn người dân tổ chức phòng trừ; tập trung vào đối tượng như bệnh đạo ôn, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn...
Dự kiến, từ tháng 2 - 4/2025, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức triển khai 17 lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và biện pháp phòng chống sinh vật gây hại an toàn, hiệu quả; 14 lớp tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng cho nông dân tại các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Chi cục còn tuyên truyền, tập huấn cho nông dân áp dụng các biện pháp thủ công như bắt sâu, ngắt ổ trứng, vợt bướm, bẫy bắt chuột...