04:16 10/04/2011

Đẩy mạnh tái cấu trúc khu vực kinh tế tư nhân

Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam năm 2010 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy số lượng doanh nghiệp (DN) thuộc khu vực kinh tế tư nhân liên tục tăng cao. Trong 5 năm, từ 2005 đến 2009, tỷ trọng khu vực kinh tế này tăng từ 93,1% năm 2005 lên 95,8%.

Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam năm 2010 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy số lượng doanh nghiệp (DN) thuộc khu vực kinh tế tư nhân liên tục tăng cao. Trong 5 năm, từ 2005 đến 2009, tỷ trọng khu vực kinh tế này tăng từ 93,1% năm 2005 lên 95,8%.

Theo TS Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp (VCCI), xu hướng mở rộng của khu vực kinh tế tư nhân (KVKTTN) sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai. Tuy nhiên, điều đáng nói là sự phát triển quy mô đóng góp của KVKTTN chưa tương xứng với sự phát triển theo chiều rộng, ngoại trừ vấn đề tạo việc làm và tăng quy mô vốn.

Chuyển dịch vào ngành sử dụng lao động chất lượng cao

TS Phạm Thị Thu Hằng cho biết, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới, các DN KVKTTN đang có xu hướng chuyển dịch vào các ngành có đòi hỏi cao về chất lượng lao động như thông tin truyền thông, dịch vụ chuyên môn, dịch vụ hành chính và hỗ trợ kinh doanh, khoa học công nghệ, kinh doanh bất động sản. Ngược lại, các ngành chế biến chế tạo, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, lưu trú và ăn uống lại là các lĩnh vực có tốc độ gia tăng số lượng thấp nhất, nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng của giai đoạn lạm phát và suy thoái kinh tế vừa qua.

Sản xuất tại Nhà máy gốm màu Hoàng Hà thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Hà (Đông Triều, Quảng Ninh) là doanh nghiệp điển hình trong khối doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Đinh Mạnh Tú – TTXVN


Số liệu của VCCI cho thấy, lao động làm việc cho các DN KVKTTN liên tục tăng trong 5 năm qua, từ hơn 2,7 triệu (năm 2005) lên 4,8 triệu (năm 2009). Trong khi đó, số lượng lao động làm việc trong khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chỉ tăng 760.000 người. Ngược lại, số người làm việc cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lại giảm dần qua các năm, từ hơn 2 triệu lao động xuống còn hơn 1,5 triệu.

Như vậy, KVKTTN đã tạo ra 2,1 triệu việc làm mới, nhiều hơn 7 lần trong cùng thời gian 5 năm so với các khu vực kinh tế khác. Điều này cho thấy KVKTTN ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong sử dụng lao động. Tỷ trọng lao động trong 5 năm qua phản ánh KVKTTN cũng có sự tăng lên đáng kể từ 46,4% lên 58,6%. Ngoài ra, nếu xem xét chung về tốc độ tăng trưởng lao động trung bình năm của toàn khu vực DN là 9,1% thì KVKTTN cũng ở mức cao hơn hẳn là 16%, trong khi khu vực DNNN có tốc độ âm 6,5%.

Tuy nhiên, TS Phạm Thị Thu Hằng cho rằng sự mở rộng của KVKTTN về quy mô lao động không hẳn là điều đáng mừng, bởi vì ngoài lý do số lượng DN mới gia nhập thị trường tăng trưởng nhanh thì đa phần các DN tư nhân vẫn chỉ là các DN ở quy mô nhỏ và vừa.

Triển vọng về phát triển quy mô

Theo thống kê của VCCI, trong 5 năm 2005-2009, tất cả các khu vực đều được cải thiện đáng kể về quy mô nhưng KVKTTN có sự cải thiện mạnh mẽ nhất từ quy mô vốn 5,7 tỷ đồng/DN (năm 2005) lên 15,1 tỷ đồng/DN (năm 2009).

Các chuyên gia kinh tế cho rằng KVKTTN không có được những ưu thế so với khu vực DNNN và FDI cả quy mô vốn cũng như các cơ chế ưu đãi nên rõ ràng sẽ bất lợi. Tuy nhiên, ngay sự “nhỏ bé” cũng có thể mang lại những ưu thế đặc trưng mà lợi thế kinh tế quy mô không thể có, chẳng hạn như sự linh hoạt, nhanh nhạy sẽ có ý nghĩa không nhỏ trong việc nâng cao sức cạnh tranh của DN.

Mặt khác, có một dấu hiệu đáng mừng là tỷ lệ DN siêu nhỏ của KVKTTN đang giảm dần, từ hơn 83,4% năm 2005 xuống 72% năm 2008, trong khi đó tỷ trọng của nhóm DN lớn hơn kế bên đã tăng từ 12,2% (2005) lên 20,5% (2008) và nhóm kế bên tiếp tục cũng có sự cải thiện tương tự dù có tốc độ chậm hơn.

Hiệu quả tài chính và kinh doanh của DN KVKTTN cao hơn các khu vực khác. Thống kê cho thấy, tuy quy mô doanh thu của DN KVKTTN nhỏ hơn nhiều lần so với DNNN, nhưng hiệu quả sử dụng tài sản của khu vực này lại cao hơn hẳn. Chẳng hạn năm 2007, trong khi 100 đồng tài sản của DNNN chỉ đem lại 57,4 đồng doanh thu thì DN KVKTTN có thể cho ra 116,3 đồng.

Đó là những chuyển động tích cực thể hiện sự trưởng thành của các DN thuộc KVKTTN trong 5 năm gần đây, mặc dù khu vực này mới chỉ có 10 năm phát triển thực sự kể từ khi Luật DN 1999 có hiệu lực.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN KVKTTN ngay từ bây giờ. Theo ông Trần Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, Chính phủ cần có các chiến lược và chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận tiện để các DN cải thiện hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, chính sách cũng cần hướng dẫn và khuyến khích đầu tư của KVKTTN vào các ngành, lĩnh vực kinh doanh có năng suất lao động cao nhằm giúp các DN tư nhân gia tăng quy mô tài sản, vốn và thị phần.

TS Phạm Thị Thu Hằng cho rằng, Chính phủ cần xây dựng chương trình hỗ trợ DN KVKTTN đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm. Ngoài ra, cần có định hướng cho các DN tư nhân về việc tái cơ cấu, đồng thời phải dựa vào định hướng tái cấu trúc của nền kinh tế.

Quang Toàn