06:09 18/06/2014

Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại

Các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 2.528 trang trại nông, lâm nghiệp, thủy sản; trong đó, trang trại trồng trọt chiếm 84,5%, trang trại chăn nuôi chiếm 14,5%, còn lại là trang trại thủy sản, sản xuất kinh doanh tổng hợp.

Các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 2.528 trang trại nông, lâm nghiệp, thủy sản; trong đó, trang trại trồng trọt chiếm 84,5%, trang trại chăn nuôi chiếm 14,5%, còn lại là trang trại thủy sản, sản xuất kinh doanh tổng hợp. Hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông có nhiều trang trại nhất so với các tỉnh khác ở khu vực Tây Nguyên.


Hiện việc phát triển kinh tế trang trại ở Tây Nguyên chủ yếu mang tính tự phát, chưa có quy hoạch, kế hoạch sản xuất kinh doanh chi tiết, đầu tư chắp vá, thiếu ổn định. Các trang trại cũng chưa gắn hoạt động sản xuất kinh doanh của trang trại với sự hình thành các vùng nguyên liệu, định hướng phát triển chung của vùng, nên đã gây nên tình trạng phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường.

 

Mô hình nuôi bò trang trại ở Tây Nguyên mang lại lợi ích kinh tế cao.


Quy mô các trang trại ở Tây Nguyên cũng còn nhỏ, chưa khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, các sản phẩm của các trang trại sản xuất ra không đồng bộ và số lượng nhỏ, không đảm bảo đủ các điều kiện để ký kết các hợp đồng với các đối tác trong và ngoài nước.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại thực hiện chậm, hầu hết các trang trại đều thiếu vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, chưa quan tâm nhiều đến việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại nên năng suất, chất lượng sản phẩm sản xuất ra chưa cao. Sự liên kết giữa các trang trại với nhau và giữa trang trại với các tổ chức kinh tế khác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, chưa chặt chẽ nên thường bị ép giá, dễ bị thiệt thòi trong việc bán các sản phẩm.

 

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng cho năng suất cao.


Để triển khai hiệu quả mô hình kinh tế này, các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ, các trang trại khai thác có hiệu quả đất còn hoang hóa, diện tích mặt nước để phát triển sản xuất hàng hóa.

Đồng thời, có chính sách ưu tiên phát triển những trang trại có quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh, sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường nội địa và trên thế giới, góp phần xanh hóa nền nông nghiệp Tây Nguyên.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng cần đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ, hình thành chuỗi liên kết chặt chẽ, hiệu quả, nhất là khuyến khích hình thức tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng kinh tế giữa nông dân, trang trại với doanh nghiệp và các cơ sở chế biến nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của nông hộ, trang trại đối với tư thương. Đồng thời, tạo điều kiện để các nông hộ, trang trại tham gia chuỗi giá trị nông sản (cà phê, hồ tiêu, điều…) để tăng thêm giá trị gia tăng với các giải pháp phù hợp.


Các tỉnh Tây Nguyên cũng đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ cho các hộ, trang trại, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quan tâm đầu tư lai tạo, nghiên cứu, tuyển chọn các giống cây, con mới có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng thích nghi với từng vùng, tiểu vùng sinh thái cung cấp cho các trang trại, nông hộ góp phần phát triển kinh tế trang trại trên Tây Nguyên bền vững.


Bài và ảnh: Quang Huy