06:21 29/06/2022

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng thành mũi nhọn của nền công nghiệp quốc gia

Chiều 29/6, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức Hội nghị phối hợp triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm về phát triển công nghiệp quốc phòng.

Chú thích ảnh
Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì hội nghị.

Cùng dự có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thượng tướng Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; cùng đại biểu các ban, bộ, ngành, các cơ quan Bộ Quốc phòng.
         
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách về kinh tế quốc phòng; công tác quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng được coi trọng; bổ sung các cơ chế đặc thù và huy động một số lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghiệp quốc gia tham gia xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng; tiềm lực khoa học - công nghệ quân sự được nâng lên, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh. Qua đó, quân đội từng bước làm chủ, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất được nhiều chủng loại trang bị kỹ thuật mới, hiện đại.

Để triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển công nghiệp quốc phòng trong thời gian tới, Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương cần tăng cường phối hợp chặt chẽ xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; xây dựng các đề án, nhiệm vụ có liên quan đến phát triển công nghiệp quốc phòng; trong đó trọng tâm là đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; phối hợp nghiên cứu xây dựng, đề xuất mô hình tổ chức công nghiệp quốc phòng.

Hai bên sẽ tập trung nghiên cứu Đề án mô hình cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp quốc phòng; nghiên cứu mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng Việt Nam, trước mắt là thành lập các tập đoàn công nghiệp quốc phòng hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời phối hợp xây dựng, đề xuất các cơ chế chính sách đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, trở thành mũi nhọn của nền công nghiệp quốc gia.

Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng, Chính phủ một số cơ chế đặc thù như: huy động nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng; cơ chế huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước để triển khai các dự án nghiên cứu phát triển sản phẩm phục vụ công nghiệp quốc phòng; ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển các ngành công nghiệp then chốt quốc gia, đặc biệt là công nghiệp vật liệu tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp quốc phòng; khuyến khích đầu tư một số công nghệ nền như công nghệ AI, phát triển năng lượng mới, năng lượng xanh...

Đồng thời, Bộ Quốc phòng và Ban Kinh tế Trung ương cần có cơ chế tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết với các tập đoàn trong và ngoài nước, phát triển công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng, ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghiệp quốc phòng có thế mạnh phục vụ nền kinh tế quốc dân và công tác quy hoạch công nghiệp quốc phòng - công nghiệp quốc gia; huy động công nghiệp quốc gia, công nghiệp dân sinh, công nghiệp hỗ trợ và khu vực tư nhân tham gia xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

Ông Quốc Chính (TTXVN)