11:22 09/11/2015

Đẩy mạnh nguồn thu nội địa

Có tới gần 100% dòng thuế Việt Nam cam kết xóa bỏ khi Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực đang đặt ra nhiều thách thức cho nhà quản lý trong việc cân đối thu ngân sách. Chiều 9/11, TS Vũ Nhữ Thăng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) đã có cuộc trả lời báo giới xung quanh vấn đề này.


Thưa ông, tình hình thu ngân sách của Việt Nam sẽ bị tác động ra sao trước việc cắt giảm hàng loạt các dòng thuế xuất nhập khẩu (XNK) sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực?

Các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu dành cho hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định TPP có hiệu lực khoảng từ 78 - 95% số dòng thuế. Các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế trong vòng 5 - 10 năm, trừ một số mặt hàng nhạy cảm có lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào thị trường TPP được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 3 - 5 năm như: Nông sản, thủy sản, một số mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, hàng điện, điện tử, cao su...

Tuy nhiên khả năng là năm 2016, Hiệp định mới được ký kết. Sau khi ký kết, các nước phải hoàn thiện các thủ tục để phê chuẩn nên thời điểm TPP có hiệu lực chưa thể xác định được, kỳ vọng năm 2018, TPP chính thức có hiệu lực.

Ngành xuất khẩu dệt may được kỳ vọng được hưởng lợi nhiều từ TPP. Ảnh: Trần Việt- TTXVN

Trong quá trình thực hiện, thuế nhập khẩu giảm theo cam kết sẽ có tác động tới nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, mỗi Hiệp định đều có tác động đa chiều, làm dịch chuyển thị trường xuất, nhập khẩu nên nguồn thu có thể giảm ở thị trường này nhưng lại tăng ở thị trường khác. Từ khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do (FTA), đến nay, số thu ngân sách từ thuế XNK có xu hướng giảm về tỷ trọng và quy mô. Trong giai đoạn 2010 - 2015, tỷ trọng hiện chiếm 8% tổng thu ngân sách. Dự kiến quy mô thu ngân sách từ XNK sẽ vẫn ổn định ngắn hạn nhưng áp lực giảm thu thì vẫn có. Tuy nhiên, ngoài thuế XNK, vẫn còn các khoản thu khác để bù đắp như: nguồn thu nội địa (không kể dầu thô). Giai đoạn 2011 - 2015, mục tiêu thu nội địa đạt 70% trong tổng nguồn thu và phấn đấu năm 2020 là 80%. Năm nay, ước tính số thu nội địa sẽ đạt được 74%.

Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ có những điều chỉnh chính sách liên quan đến thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thu nội địa... Mục đích nhằm điều chỉnh cơ cấu thu và tỷ lệ thu hợp lý, đảm bảo tính bền vững trong cơ cấu thu ngân sách. Tôi cho rằng, thuế NK giảm sẽ khuyến khích rất lớn cho sản xuất trong nước, góp phần giảm chi phí sản xuất. Khi nhìn tổng thể nền kinh tế, giảm thuế NK sẽ thúc đẩy đầu tư, mở cơ hội xuất khẩu sang nước ngoài và điều chỉnh lại cơ cấu thị trường NK.

Chính phủ vừa trình Quốc hội phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với ô tô. Theo đó, từ ngày 1/7/2016 sẽ tăng mạnh thuế đối với các dòng xe có công suất lớn. Ông có ý kiến gì về việc điều chỉnh này?

Việc điều chỉnh thuế TTĐB không phải để đảm bảo tăng thu ngân sách, bù lại số hụt thu mà nhằm thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đã được Chính phủ thông qua năm 2014.

Theo cam kết về thuế NK của Việt Nam dành cho các nước đối với mặt hàng ô tô, sản phẩm này sẽ được xóa bỏ thuế vào năm thứ 13 đối với các loại ô tô mới. Riêng ô tô con có dung tích xi lanh từ 3000cc trở lên sẽ có lộ trình xóa bỏ vào năm thứ 10. Đối với ô tô cũ, sẽ áp hạn ngạch thuế quan ban đầu là 66 chiếc, lượng hạn ngạch sẽ tăng dần và đạt 150 chiếc kể từ năm thứ 16. Bên cạnh đó, thuế trong hạn ngạch giảm về 0% vào năm thứ 16, thuế ngoài hạn ngạch thực hiện theo mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN). Xe cũ là mặt hàng không được khuyến khích nên sẽ hạn chế giảm thuế theo hạn ngạch.

Thông thường trong các hiệp định từ trước tới nay, không cam kết xoá bỏ thuế với ô tô cũ và cũng không khuyến khích việc xóa bỏ thuế. Tuy nhiên, trong TPP các nước xây dựng nguyên tắc phải có cam kết bằng một số hình thức như hạn ngạch hải quan. Do đó, ô tô cũ được xây dựng theo hạn ngạch rất nhỏ để kiểm soát.

TPP còn ràng buộc nghĩa vụ các nước thành viên phải tuân thủ nguyên tắc “chỉ tiến không lùi” trong việc điều hành chính sách. Theo ông, điều này sẽ ảnh hưởng thế nào tới việc điều hành chính sách của Việt Nam?

Đúng là có điều khoản đối với các nước thành viên phải tuân thủ nguyên tắc “chỉ tiến không lùi” trong việc điều hành chính sách đối với các ngành dịch vụ tài chính. Nếu Việt Nam điều chỉnh, sửa đổi quy định pháp luật trong nước phải theo hướng tự do hóa hơn, thông thoáng hơn so với mức cam kết ban đầu thì sẽ tự động trở thành nghĩa vụ ràng buộc, không được ban hành chính sách quay trở lại mức cam kết ban đầu. Bên cạnh đó, các nước TPP phải đảm bảo thực hiện các quy trình thủ tục cấp phép nhanh chóng và thuận tiện, tuân thủ thời gian phê duyệt hồ sơ cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài không quá 120 ngày.

Một vấn đề mà Hiệp định TPP tác động lớn đến hải quan là quy định cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong thủ tục kiểm tra và xác định xuất xứ cho hàng hóa XNK với thời gian chuyển đổi tối đa 10 năm. Cơ chế này cho phép doanh nghiệp tự khai báo xuất xứ cho hàng hóa của mình thay cho cách thức quản lý hiện nay là doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan hải quan giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp. Điều này tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp XNK và đơn giản hóa thủ tục hải quan.
Minh Phương