07:07 04/07/2017

Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ, lãnh đạo

Một loạt các vụ việc gần đây về tài sản khủng, "biệt phủ" khủng khiến các ngành liên quan phải vào cuộc thanh tra tài sản của một số cán bộ, một lần nữa cho thấy việc kê khai tài sản còn nhiều bất cập.

Quy định chặt chẽ

Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến hàng loạt các vụ việc liên quan đến một số lãnh đạo tỉnh Yên Bái và chờ đợi kết luận, xử lý xác đáng từ các cơ quan chức năng. Hiện tại, các cơ quan liên quan cũng đang tích cực vào cuộc để làm rõ những thông tin mà báo chí phản ánh. 

Cụ thể, UBND tỉnh Yên Bái đang làm rõ thông tin phản ánh gia đình thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, có “biệt phủ” tại tổ 44 phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái. 

Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) ngày 27/6 cũng đã công bố quyết định thanh tra thanh tra tài sản nhà, đất của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. 

Đoàn Thanh tra sẽ tiến hành thanh tra việc quản lý đất đai, cấp giấy phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép của UBND tỉnh Yên Bái với thửa đất tại tổ 42 và tổ 52 phường Minh Tân thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) của gia đình bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Phạm Sỹ Quý). Ông Phạm Sỹ Quý phải giải trình về nguồn gốc tài sản, trong đó có khoản vay ngân hàng 20 tỷ đồng để đầu tư vào đây.

Ngày 27/6/2017, tại Trụ sở UBND tỉnh Yên Bái, Thanh tra Chính phủ đã công bố Quyết định thanh tra tài sản nhà, đất của gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Tuy nhiên, dư luận vẫn đang đặt câu hỏi, tại sao vẫn xảy ra những vụ việc như vừa qua. Phải chăng vẫn có nhiều bất cập trong việc kê khai tài sản, cho dù đã được quy định rất chặt chẽ trong hệ thống pháp luật, từ Luật, Nghị định của Chính phủ, đến Thông tư của Thanh tra Chính phủ...?

Thực tế, việc kê khai tài sản đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2012. 

Theo đó, việc kê khai tài sản được thực hiện hằng năm tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người có nghĩa vụ kê khai tài sản làm việc và được hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12. 

Người có nghĩa vụ kê khai phải ghi rõ những thay đổi về tài sản so với lần kê khai trước đó. Bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.

Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 78/2013/NĐ-CP (ngày 17/7/2013) về minh bạch tài sản, thu nhập. Trong đó, nêu rõ mục đích của việc làm này là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; phục vụ cho công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực, đầy đủ, rõ ràng, đúng thời hạn các thông tin về số lượng, giá trị tài sản, thu nhập và những biến động về tài sản, thu nhập theo quy định.

Thanh tra Chính phủ cũng có Thông tư số 08/2013/TT-TTCP hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập cũng đã quy định rõ người kê khai tài sản, thu nhập, người giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật. 

Trong đó, cán bộ kê khai không trung thực sẽ bị áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm. Đối với công chức áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức. Đối với viên chức áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức.

Đối với người làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước áp dụng một trong các hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức.

Đối với người làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân áp dụng theo quy định về xử lý kỷ luật về Đảng và kỷ luật trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân.

Tài sản kê khai phải phản ánh đúng thu nhập thực tế

Theo bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII (đoàn Hà Nội), chủ trương kê khai và công khai bản kê khai tài sản của cán bộ, lãnh đạo là đúng. Nhưng để xảy ra những vụ việc như vừa qua cho thấy, một trong những nguyên nhân là do việc tổ chức thực hiện kê khai chưa tốt, kê khai còn mang tính hình thức. 

“Một loạt vụ việc báo chí phát hiện cho thấy việc kê khai tài sản còn bất cập. Tài sản thực tế không đúng với kê khai. Cán bộ kê khai thiếu trung thực, việc kê khai chưa được giám sát, kiểm tra. Thực hiện kê khai tài sản nhưng không phản ánh được tài sản của cán bộ, lãnh đạo đó có tương xứng với thu nhập thực tế, có đúng với công sức mà họ bỏ ra hay không”, bà Bùi Thị An nhận định.

Cũng theo bà Bùi Thị An, việc kê khai không phản ánh được tài sản thực cho thấy sự thiếu trung thực của cán bộ. Điều này dẫn đến kê khai không chỉ gây lãng phí sức người, sức của bởi việc kê khai tốn không ít thời gian, giấy mực; mà điều quan trọng hơn là việc kê khai thiếu trung thực đã dẫn đến xói mòn lòng tin của nhân dân. 

Là lãnh đạo một đơn vị, với chức trách phải lo cho cán bộ, nhân viên và lo cho dân. Nhìn vào đời sống của người dân ở nhiều địa bàn còn nghèo, nhất là vùng miền núi, trong khi lãnh đạo rất giàu thì việc xem xét đến kê khai tài sản theo quy định là tất yếu. 

“Có thực tế là, có tỉnh GDP thấp, phải lấy thu bù chi, vậy lãnh đạo tại sao lại giàu? Khi mặt bằng chung thu nhập của người dân địa phương đó thấp mà cán bộ lại rất giàu thì người dân có quyền đặt câu hỏi nguồn tài sản đó ở đâu mà có. Nếu cán bộ, lãnh đạo giải thích được nguồn tài sản đó là làm giàu chính đáng thì rất ngưỡng mộ. Nếu tài sản đó bất minh thì cần xử lý nặng”, bà Bùi Thị An nhấn mạnh.

Vì vậy, để kê khai tài sản đạt hiệu quả, ngoài việc tổ chức thực hiện đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật, công khai bản kê khai tài sản của cán bộ, lãnh đạo tại địa phương, đơn vị thì kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của các tổ chức chính trị-xã hội rất quan trọng. Mặt trận Tổ quốc, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ,... đặc biệt là nhân dân cần thực hiện tốt vai trò giám sát của mình ở địa phương.

Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm những cơ quan, cá nhân chậm tổ chức kê khai; không kê khai, kê khai không trung thực; không giải trình được nguồn gốc tài sản tăng thêm; không tổ chức công khai bản kê khai; không chủ động xác minh hoặc không xử lý kịp thời những vi phạm quy định về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản.

Mới đây, ngày 23/5/2017, Bộ Chính trị ban hành Quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Có khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện này. 

Bên lề kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Lê Thị Thủy cho biết, mục đích kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản nhằm bảo đảm việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các khuyết điểm, vi phạm trong việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Lê Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Chủ thể kiểm tra là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Chủ thể giám sát là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chi bộ nơi cán bộ đang sinh hoạt. Các Tỉnh ủy, Thành ủy và Đảng ủy trực thuộc Trung ương, trên cơ sở Quy định này ban hành Quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp mình quản lý. 

Trước đó, ngày 3/1/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 33- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản. Kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đảng đã có chủ trương và Nhà nước đã thể chế hóa thành những quy định cụ thể để triển khai thực hiện.

Để phát huy tác dụng tích cực của việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản trong công tác phòng, chống tham nhũng, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng cần lãnh đạo chặt chẽ việc kiểm tra, xác minh tài sản, theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các trường hợp sau: Có tố cáo người thuộc diện phải kê khai tài sản không trung thực trong việc kê khai; Cần có thông tin phục vụ cho việc bầu cử, bổ nhiệm, bãi nhiệm hoặc kỷ luật đối với người thuộc diện phải kê khai tài sản; Có căn cứ cho rằng việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm không hợp lý; Có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Mong rằng, việc ngày càng hoàn thiện của hệ thống pháp luật, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, xã hội; đặc biệt là có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân, thì việc thực hiện kê khai tài sản của cán bộ, lãnh đạo sẽ được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. 

Hoàng Linh/Báo Tin Tức