12:09 03/12/2012

Đẩy mạnh hút đầu tư vào nông nghiệp Đồng bằng sông Hồng - Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Sự phát triển nông nghiệp khu vực đồng bằng sông Hồng thời gian qua được đánh giá là chưa xứng với tiềm năng và thế mạnh.

Sự phát triển nông nghiệp khu vực đồng bằng sông Hồng thời gian qua được đánh giá là chưa xứng với tiềm năng và thế mạnh. Một yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay là cải thiện môi trường đầu tư và thu hút mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm và đầu tư vào nông nghiệp khu vực này.

 

Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao


Khai thác tốt tiềm năng phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn khu vực đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), đặc biệt là phát triển lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao chính là ưu tiên hiện nay của khu vực kinh tế lớn thứ hai cả nước này.

 

Chưa phát huy hết lợi thế


ĐBSH gồm 11 tỉnh, thành phố, là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội và là vùng kinh tế lớn thứ hai cả nước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đây là khu vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh có thể thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn khu vực ĐBSH 2012 diễn ra ngày 29/11 tại TP Ninh Bình, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, ĐBSH có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp công nghệ cao với các lĩnh vực thế mạnh là lúa, rau, hoa, chăn nuôi và thủy sản. Diện tích đất nông nghiệp 1.405.390 ha (chiếm 5,4% diện tích cả nước), chủ yếu là phù sa màu mỡ thích hợp cho sản xuất nông nghiệp. Dân số toàn vùng gần 20 triệu người, trong đó lao động nông thôn khoảng 7 triệu người có trình độ học vấn và trình độ văn hóa cao hơn các vùng khác.


 

Đàn cá bố mẹ được tuyển chọn để sản xuất cá giống tại Đội Khảo nghiệm và Cứu hộ động vật thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Phúc).

 

Những năm qua, nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSH đã tăng trưởng mạnh. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản toàn vùng năm 2011 đạt 36.200 tỷ đồng, chiếm 18% cả nước và tăng 27,5% so với năm 2005. Tuy nhiên, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp chưa cao. Trong số 228 dự án FDI đầu tư vào toàn vùng trong 10 tháng đầu năm 2012, chỉ có 1,5% đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.


“ĐBSH có vị trí đặc thù, lý tưởng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Với lợi thế khí hậu, đất đai sẵn có, chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của vùng này thấp hơn rất nhiều so với Hà Lan hoặc Ixraen. Chẳng hạn, để đầu tư 10.000 ha nhà kính khép kín, Hà Lan mất 10 tỷ USD, trong khi ở ĐBSH chỉ mất 1/10 chi phí đó” - GS.TS Đỗ Năng Vịnh, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp nhận định.


Tuy có nhiều lợi thế nhưng theo GS Vịnh, phương thức sản xuất ĐBSH hiện nay hết sức lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ tự cung tự túc là chính. Mỗi gia đình có nhiều mảnh ruộng ở những cánh đồng khác nhau, mỗi mảnh bằng một chiếc chiếu manh, mỗi nhà sản xuất một loại giống quy trình kỹ thuật tùy tiện, khó kiếm soát chất lượng, quy mô nhỏ, giá trị thương mại kém.


Cũng chung quan điểm trên, GS Nguyễn Lân Hùng trăn trở, ĐBSH là nơi tập trung nhiều lực lượng làm khoa học công nghệ nhưng những sản phẩm ứng dụng thực tế, chất lượng giá trị cao từ khoa học còn rất thấp. Đặc biệt, hiện nay ĐBSH chưa phát huy được thế mạnh phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp.

 

Chú trọng nông nghiệp công nghệ cao


Về định hướng phát triển nông nghiệp toàn vùng ĐBSH thời gian tới, ông Trang Hiếu Dũng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết: Một trong những mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp của vùng này thời gian tới là phát triển sản xuất nông nghiệp thâm canh cao, công nghệ cao, nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác và cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt.


Các nhà khoa học nông nghiệp cho rằng nông nghiệp công nghệ cao ở ĐBSH cần bắt đầu trước tiên trên những cánh đồng lúa quy mô tập trung. Với các công cụ cơ giới hóa, quá trình sản xuất trên hàng trăm nghìn hécta đất sẽ rút ngắn, giải phóng đất nhanh nhất, tiết kiệm thời gian cho tăng vụ.


Ông Trang Hiếu Dũng cho biết, định hướng đến năm 2020, nông nghiệp tại ĐBSH sẽ tập trung phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao, vùng rau, hoa công nghệ cao, xây dựng thương hiệu cho vùng cây ăn quả đặc sản (vải, nhãn, chuối...). Mô hình cánh đồng mẫu lớn để sản xuất hai vụ lúa và vụ đông rau, màu... sẽ được phát triển.
Bên cạnh lúa, rau, hoa thì chăn nuôi và thủy sản cũng là những lĩnh vực được ưu tiên ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến trong thời gian tới.


Cụ thể, trong định hướng phát triển, vùng ĐBSH cũng sẽ chú trọng đầu tư chăn nuôi lợn, gia cầm theo hướng công nghiệp tập trung gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến khép kín. Việc đầu tư công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch cũng là hướng phát triển trong nông nghiệp vùng này. Ở lĩnh vực thủy sản, sẽ chuyển từ nuôi trồng quy mô nhỏ sang phát triển nuôi các loại hải sản giá trị cao, nuôi sinh vật cảnh, tôm công nghiệp và các loại nhuyễn thể giá trị kinh tế cao. Để đẩy mạnh khai thác xa bờ nói riêng và phục vụ cho phát triển nghề cá nói chung tại khu vực này, một trung tâm nghề cá Hải Phòng - Cát Bà - Bạch Long Vĩ sẽ được hình thành.