12:19 31/12/2014

Đẩy mạnh đầu tư “công nghiệp không khói”

Không chỉ đóng góp vào GDP của tỉnh, phát triển ngành “công nghiệp không khói” ở các địa phương còn góp phần tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Không chỉ đóng góp vào GDP của tỉnh, phát triển ngành “công nghiệp không khói” ở các địa phương còn góp phần tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Ông Bùi Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã cù lao Thới Sơn (TP Mỹ Tho, Tiền Giang), cho biết: Từ khi xã cù lao Thới Sơn phát triển du lịch, đời sống người dân địa phương đã ổn định hơn. Hơn 20 điểm du lịch trên địa bàn xã đã giúp giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.000 hộ dân trên cù lao thông qua các dịch vụ như nhân viên phục vụ tại các điểm du lịch, chèo đò chở khách tham quan, buôn bán hàng lưu niệm hay phục vụ đờn ca tài tử cho du khách… Từ việc giải quyết công ăn việc làm này, cộng với những dịch vụ mà người dân làm thêm cho du khách, khoảng 1.500 hộ dân trên cù lao đã dần khấm khá hơn. Nếu như năm 2010 - 2011, thu nhập bình quân của người dân đạt khoảng 15 - 16 triệu đồng/người thì đến năm 2014 này đã tăng lên 22,5 triệu đồng/người. Không những thế, từ xã có hộ nghèo chiếm số lượng khá cao, đến nay chỉ còn 2,6%.

Nhiều người dân cù lao Thới Sơn đã có thêm thu nhập từ dịch vụ chèo xuồng đưa du khách tham quan.


Theo ông Dương Văn Hùng, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên lung (đầm) Ngọc Hoàng (Hậu Giang), việc đầu tư phát triển du lịch sinh thái ở khu bảo tồn thiên nhiên lung Ngọc Hoàng là cách để phát triển khu bảo tồn và đã giúp ổn định đời sống kinh tế cho hơn 800 hộ dân đang sống trong khu vực.

Không chỉ có người dân xã cù lao Thới Sơn hay lung Ngọc Hoàng hưởng lợi từ dịch vụ du lịch, hầu hết các điểm du lịch tại các tỉnh vùng ĐBSCL đều tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển kinh tế, từ đó nâng cao đời sống. Hiện các tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch đã mạnh dạn đầu tư để thu hút du khách.

Theo ông Nguyễn Duy Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, thời gian gần đây lượng du khách đến địa phương có chiều hướng gia tăng. Tính đến tháng 11, Hậu Giang đón gần 800.000 lượt khách du lịch, tăng hơn 7,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó hơn 3.000 du khách quốc tế, đạt doanh thu hơn 17 tỷ đồng. Để có được sự tăng trưởng này, tỉnh đầu tư nhiều cho ngành du lịch để khai thác thế mạnh tiềm năng của địa phương. Mới đây tỉnh đã đầu tư hơn 35 tỷ đồng để bảo tồn và phát triển chợ nổi Ngã Bảy gắn với du lịch sông nước miệt vườn; đồng thời xây dựng mô hình du lịch cộng đồng vùng khóm Cầu Đúc. Song song đó, tỉnh thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học xây dựng thí điểm mô hình du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới. Tỉnh cũng mời gọi các công ty du lịch ở các thành phố lớn khảo sát và xây dựng một số tour du lịch trọng điểm, như điểm du lịch Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân và Khu du lịch sinh thái Việt Úc - Hậu Giang.

Còn theo ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cần Thơ, mục tiêu trong năm 2015, Cần Thơ thu hút khoảng 1,4 triệu khách du lịch. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngoài việc quảng bá những nét đặc sắc của du lịch Cần Thơ qua các loại hình báo chí, trang web, niên giám lữ hành, bản đồ, băng đĩa… bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, Cần Thơ còn hợp tác với tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau phát triển đa dạng loại hình du lịch. Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng đang nâng cấp cơ sở vật chất các tuyến du lịch thu hút khách du lịch nhiều nhất như chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền, cồn Khương, cồn Ấu, cồn Cái Khế…; đồng thời hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại 20 khu du lịch sinh thái vườn rộng gần 300 ha, trong đó có nhiều khu có tiện nghi đạt chuẩn quốc gia, quốc tế.

Trong khi đó, để khai thác tiềm năng của vùng đất cực Nam Tổ quốc, tỉnh Cà Mau huy động khoảng 500 tỷ đồng để phát triển du lịch từ nay đến năm 2020. Theo đó, tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư vào hạ tầng giao thông, cụ thể là đường giao thông về các khu du lịch trọng điểm; các dự án phục vụ cho khách du lịch như nhà hàng, khách sạn, nơi vui chơi giải trí. Trọng điểm du lịch của Cà Mau được xác định là Đất Mũi, Khai Long, Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc, vườn quốc gia, các cửa biển, sân chim, các khu di tích văn hóa lịch sử… Hiện nay, mỗi năm, Cà Mau đón khoảng 800.000 lượt khách du lịch với doanh thu khoảng 300 tỷ đồng. Theo ông Dương Huỳnh Khải, Cà Mau là địa phương được Tổng cục Du lịch xác định là một trong những vùng trọng điểm du lịch của ĐBSCL nên sẽ có nhiều thuận lợi và cơ hội cho du lịch Cà Mau phát triển.

Tại tỉnh Tiền Giang, để phát huy tiềm năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, năm 2014, Tiền Giang đã đầu tư 430 tỷ đồng để xây dựng hàng loạt công trình phục vụ du lịch như khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, đầu tư hoàn thiện khu sinh thái nghỉ dưỡng trên cù lao Thới Sơn, khu du lịch sinh thái biển Tân Thành - Hàng Dương (huyện Gò Công Đông), khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (huyện Tân Phước)...

Trong khi đó, để phát huy du lịch khám phá và kết nối du lịch tâm linh, tỉnh An Giang đã đầu tư vốn để khai thác lợi thế độ cao, khí hậu của núi Cấm trở thành một “Đà Lạt” của ĐBSCL, kết nối khu du lịch núi Cấm và núi Sam với miếu Bà Chúa Xứ; đồng thời tổ chức lễ hội cấp quốc gia vía Bà Chúa Xứ gắn với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống nổi tiếng như lễ hội đua bò Bảy Núi…

Theo nhận định của các chuyên gia ngành du lịch, hiện các tỉnh ĐBSCL đã có nhiều đầu tư hơn cho ngành du lịch, điều này sẽ giúp ngành du lịch của vùng phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, hiện sân bay Phú Quốc đã góp phần tăng cường sự kết nối của vùng với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới nên việc tăng cường đầu tư của các tỉnh là rất kịp thời. Điều này sẽ giúp khắc phục những khó khăn, tồn đọng của ngành du lịch các tỉnh và góp phần thu hút thêm đáng kể lượng khách quốc tế đến với đồng bằng sông Cửu Long.

Bài và ảnh: M.T