01:17 14/01/2020

Đẩy mạnh công tác đối ngoại, công tác bản quyền ở lĩnh vực quốc tế

Đẩy mạnh công tác đối ngoại, công tác bản quyền ở lĩnh vực quốc tế, từng bước nâng cao, khẳng định vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế liên quan đến thực thi bảo hộ pháp luật bản quyền tác giả, quyền liên quan.

Đó là nội dung quan trọng được nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam đề cập đến tại hội nghị triển khai kế hoạch hoạt động năm 2020 của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), diễn ra ngày 14/1, tại Hà Nội. 

Theo nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, hiện nay, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã ký thỏa thuận ủy quyền song phương, hợp đồng hợp tác với 76 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) và nhà xuất bản (Publishers) với phạm vi áp dụng tại 116 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Các thỏa thuận này đảm bảo thực hiện theo pháp luật Việt Nam và Công ước Berne, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của CISAC (Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc). Việc mở rộng quan hệ với các tổ chức bảo vệ quyền tác giả là rất quan trọng, cần thiết trong việc đưa vị thế Trung tâm ngang tầm quốc gia trên thế giới có lịch sử lâu dài về bản quyền.

Ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, việc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế sẽ ngày càng khẳng định vị thế Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế liên quan đến thực thi bảo hộ pháp luật bản quyền tác giả.

Năm 2019, Cục bản quyền tác giả đã tham gia nhiều sự kiện quốc tế về sở hữu trí tuệ thế giới tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc… Một số quốc gia khác khi muốn phát triển về hệ thống các tổ chức đại diện tập thể đã tìm đến Việt Nam học tập kinh nghiệm tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, đó là tín hiệu rất đáng mừng trong các hoạt động hợp tác quốc tế về bản quyền.  

Chú thích ảnh
Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: CTV

Tại Hội nghị, nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chia sẻ, bên cạnh việc ký thỏa thuận ủy quyền song phương, hợp đồng hợp tác với các tổ chức, quản lý tập thể quyền (CMOs) và nhà xuất bản (Publishers), năm 2019, Trung tâm đã cử đại diện tham gia cuộc họp Đại hội đồng Liên minh CISAC và hội thảo hoạt động bảo vệ quyền tác giả âm nhạc vào 2 ngày 25/5, 29/5 tại Nhật Bản.

Trung tâm cũng thường xuyên trao đổi thông tin với các CMOs trong việc xác minh tác phẩm, hỗ trợ công tác cấp phép của các bên; tham gia các hội thảo, hội nghị quan trọng về việc phát triển, mở rộng hoạt động bảo vệ quyền tác giả trong thời đại công nghệ số toàn cầu, diễn ra ở các nước: Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Philippines…; đón tiếp các phái đoàn CMOs và Publishers đến làm việc tại Việt Nam nhằm hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, tập huấn sử dụng phần mềm...

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2019, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thu được tổng số tiền trên 133,5 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc ở các lĩnh vực biểu diễn, khách sạn, resort, cao ốc văn phòng, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, sao chép phát hành trực tuyến (Youtube), website, ứng dụng nhạc; mạng xã hội  như Youtube, Facebook… Trong đó, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thực hiện 4 kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả liên quan 68 tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến trước Tết Nguyên đán, Trung tâm sẽ tiếp tục chi trả thêm 30 tỷ đồng đến các chủ sở hữu quyền tác giả.

Dịp này, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã trao quà Tết tặng một số tác giả thành viên, đại diện các gia đình nhạc sỹ có sức khỏe không tốt, hoàn cảnh khó khăn.

Phương Lan  (TTXVN)