10:07 01/10/2017

Đẩy mạnh các biện pháp dự phòng bệnh tật cho người cao tuổi

Theo thống kê, lượng thuốc nhóm người cao tuổi sử dụng chiếm tới 50% tổng lượng thuốc, chi phí y tế cho người cao tuổi cao gấp 7- 10 lần người trẻ.

Nhu cầu chăm sóc y tế cho người cao tuổi ngày càng cao. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Nhu cầu chăm sóc y tế tăng cao


Với tốc độ già hóa dân số nhanh, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng cao, hiện số người trên 60 tuổi của Việt Nam chiếm 11% dân số, trong đó có hơn 2 triệu người trên 80 tuổi.Nếu không có kế hoạch chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi, với sự gia tăng của bệnh tật, sẽ tạo ra gánh nặng y tế rất lớn. 


Theo GS.TS Phạm Thắng, Giám đốc bệnh viện Lão khoa trung ương: "Chúng tôi đã làm một nghiên cứu cụ thể tại Sóc Sơn (Hà Nội) với hơn 600 cụ trên 80 tuổi. Khảo sát cho thấy tỷ lệ các cụ mắc các bệnh mãn tính khá cao, trung bình một cụ mắc tới 6,9 bệnh. Trong đó mới chỉ có hơn 60% cụ có bảo hiểm y tế, thu nhập bình quân chỉ hơn 500.000 đồng/tháng".


Cũng theo GS.TS Phạm Thắng, hiện nay xu hướng các bệnh mãn tính đang ngày càng gia tăng, tập trung nhiều ở nhóm người cao tuổi. Các bệnh mãn tính thường gặp là: Đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư, xương khớp… thường phải điều trị suốt đời, dẫn đến lượng thuốc sử dụng, tai biến do điều trị cũng tăng lên. Đây cũng là nguyên nhân khiến chi phí điều trị, chi phí y tế cho người cao tuổi ngày càng gia tăng, thậm chí cao gấp 7- 10 lần người trẻ.


Tuy nhiên, hiện nay hệ thống cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi vẫn chưa theo kịp nhu cầu tăng cao. Việc cung cấp dịch vụ chuyên về lão khoa chưa phổ biến, hiện mới chỉ có 49/63 bệnh viện tỉnh, thành phố trên toàn quốc có khoa lão. Tại tuyến đầu là các trạm y tế xã, phường, nhân viên y tế chưa được đào tạo về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chưa có nhiều mô hình chăm sóc tại cộng đống phù hợp, người cao tuổi cũng chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ… Đây là những yếu tố thách thức trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hiện nay.


Tăng cường chăm sóc tại cộng đồng


Trước những đòi hỏi về chăm sóc y tế khi tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng trong khi điều kiện dịch vụ chưa đủ đáp ứng, việc tăng cường các mô hình chăm sóc tại cộng đồng rất cần được quan tâm.


Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn: Bộ Y tế đang đẩy mạnh các biện pháp dự phòng bệnh tật, tăng cường công tác y tế cơ sở cho chăm sóc ban đầu, triển khai mô hình bác sỹ gia đình theo hướng tiếp cận chăm sóc toàn diện, liên tục để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức sức khỏe của người dân nói chung và người cao tuổi nói riêng.


Ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết: Bộ Y tế đã có Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2016- 2020. Trong đó, sẽ hướng đến việc tạo môi trường xã hội đồng thuận thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngay tại cộng đồng, gia đình và cơ sở y tế.


Cụ thể, từ nay đến năm 2020, sẽ hướng tới 100% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ 1lần/năm; lập hồ sơ theo dõi sức khỏe và khi ốm đau được hưởng chăm sóc sức khỏe của gia đình, cộng đồng; được ưu tiên khi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; nếu ai không có khả năng đến cơ sở y tế sẽ được khám chữa bệnh tại nhà; được phổ biến kiến thức nâng cao sức khỏe, kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe… Bên cạnh đó, nội dung chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi được đưa vào hoạt động của các trạm y tế xã, phường đạt chuẩn quốc gia.


Ngoài ra, sẽ tập trung nâng cao kỹ năng chăm sóc người cao tuổi tại nhà như: Hướng dẫn các kỹ năng tự chăm sóc cá nhân cho người cao tuổi có ít khả năng độc lập trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày; đào tạo các thành viên trong gia đình các kỹ năng cơ bản về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày; đào tạo các kỹ năng cho các công tác viên và tình nguyện viên cung cấp các dịch vụ chăm sóc tại nhà cho người cao tuổi sống một mình hoặc thiếu sự chăm sóc từ gia đình; tổ chức các chuyến thăm hỏi và khám chữa bệnh cho người cao tuổi tàn tật bị ốm yếu…


“Để phát triển dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cần có các nghiên cứu, đánh giá cụ thể về nhu cầu chăm sóc, từng bước phát triển hệ thống và mạng lưới lão khoa. Đặc biệt rất cần xây dựng giá dịch vụ y tế cho người cao tuổi theo hướng “tính đúng, tính đủ”, có các chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp tham gia chăm sóc người cao tuổi, nghiên cứu triển khai bảo hiểm cho người già hoặc bảo hiểm chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi”, GS.TS Phạm Thắng đề xuất.


Tạ Nguyên/Báo Tin Tức