06:00 15/06/2013

Đẩy lùi thuốc lá tại các bệnh viện - Nơi “nhặt”, nơi “khoan”

Theo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) có hiệu lực từ 1/5/2013, các cơ sở y tế là địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn, kể cả khu vực trong nhà và phạm vi khuôn viên. Nhưng quy định này vẫn chưa được thực hiện nghiêm ở nhiều bệnh viện.

Nhiều người vẫn cố tình hút thuốc trong các bệnh viện (BV) vì thiếu chế tài xử lý. Cụ thể, lực lượng bảo vệ của BV không có quyền xử phạt những người cố tình hút thuốc lá mà chỉ có quyền nhắc nhở. Trong khi đó, các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt (thanh tra sở y tế, chính quyền địa phương...) không phải lúc nào cũng “thị sát” tại BV để xử phạt hành vi vi phạm...



 

Giám sát việc hút thuốc lá ở bệnh viện là rất khó khăn. Ảnh: Phạm Kiên – TTXVN

 

Chị Nguyễn Thanh Hà, quận Hai Bà Trưng Hà Nội, bức xúc phản ánh: “Lúc trước, tôi và cháu nhỏ không thể ngồi ở khu vực ghế chờ vì ở đó mấy thân nhân người bệnh hút thuốc lá liên tục. Vậy nên hai mẹ con tôi đành ra đây (khu vực vườn khoa, trước khu nhà J của BV Bạch Mai - PV) cho thoáng, nhưng chỉ một lát sau là lại có tới 2 - 3 người đàn ông khác tới ngồi cạnh và nhả khói. Thương con nhỏ phải hít khói thuốc độc hại, tôi có nhắc khéo thì một tay thanh niên trừng mắt quát: “Đi về nhà mà nhắc nhở chồng bà”. Mà suốt nửa tiếng qua, tôi chẳng thấy nhân viên bảo vệ nào tới nhắc nhở việc không được hút thuốc lá trong BV...”.


Theo lý giải của một lãnh đạo BV Bạch Mai, mỗi ngày BV có khoảng 15.000 lượt người ra vào nên việc quản lý, tuyên truyền, giám sát việc hút thuốc lá là rất khó, BV cần có một lộ trình để thực hiện Luật PCTHTL.


Thời gian qua, BV Bạch Mai đã triển khai việc tuyên truyền phổ biến quy định cấm hút thuốc lá trong BV. Tùy vào mức độ vi phạm của nhân viên, BV sẽ nhắc nhở hoặc cảnh cáo chứ việc xử phạt hành chính hiện nay chưa được áp dụng. Về phía người bệnh, thân nhân họ hoặc khách đến thăm... BV nhắc nhở bằng cách đặt các biển báo cấm hút thuốc lá. Tuy nhiên, nếu người bệnh hoặc người nhà của họ vẫn cố tình hút thuốc lá thì BV vẫn không có cách nào xử phạt do thiếu cơ chế và nhân lực... Đáng tiếc là tình trạng nêu trên không chỉ xảy ra ở BV Bạch Mai mà còn diễn ra ở nhiều BV khác như BV Nhi Trung ương, BV Thanh Nhàn (Hà Nội), BV Ung bướu (TP.HCM)...


Vấn đề đáng nói ở đây là bên cạnh những BV than “khó” và “cần lộ trình” để thực thi hiệu quả Luật PCTHTL thì thực tế thời gian qua, ngành y tế đã xây dựng được một số điểm sáng về môi trường không khói thuốc lá như: BV Việt Đức, BV Nhi đồng I TP HCM, Viện Huyết học và Truyền máu TƯ...


Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó giám đốc BV Việt Đức cho biết: Từ nhiều năm nay, BV rất chú trọng công tác xây dựng và triển khai nội quy không hút thuốc lá trong BV, đồng thời tăng cường giáo dục tuyên truyền, thường xuyên giám sát kiểm tra giám sát thực hiện quy định.


Trước tiên, Ban lãnh đạo BV Việt - Đức xác định xây dựng môi trường không khói thuốc lá cần bắt đầu từ chính nhân viên y tế. Vậy nên, nhiệm vụ đặc biệt này được giao cho công đoàn BV “chủ trì” các hoạt động tuyên truyền, giáo dục toàn thể nhân viên y tế trong BV. Sau đó, mọi cán bộ, nhân viên đều kí cam kết không hút thuốc lá trong BV. Cán bộ y tế mà hút thuốc lá bị xử phạt rất nặng. Về phía bệnh nhân và gia đình người bệnh, BV cũng tiến hành tuyên truyền, nhắc nhở bằng các bảng nội quy, biển cấm hút thuốc trong BV. Đặc biệt, BV còn đưa ra quy định sẽ không khám, điều trị cho một số trường hợp người bệnh (mắc bệnh mạn tính) hoặc thân nhân họ cố tình hút thuốc trong BV...


“Tại BV Việt Đức, nhân viên y tế của từng khoa, phòng phải có trách nhiệm kiểm tra, nhắc nhở người bệnh, thân nhân người bệnh không được hút thuốc lá trong BV. Nếu BV phát hiện trường hợp hút thuốc lá ở khu vực nào mà không được nhắc nhở thì khoa, phòng đó sẽ bị phạt ngay, mức phạt có thể lên tới 10 triệu đồng. Chính vì vậy, việc nhắc nhở người bệnh và thân nhân của họ không hút thuốc lá trong BV giờ đã trở thành thói quen của toàn thể cán bộ nhân viên BV”, bà Hường cho hay.


Còn ở khu vực khuôn viên của BV, lực lượng bảo vệ có trách nhiệm nhắc nhở, không để xảy ra tình trạng hút thuốc trong BV. Một nhân viên bảo vệ của BV cho hay, trong Tổ bảo vệ đã từng có trường hợp bị đuổi việc hoặc bị phạt lên 10 triệu đồng vì không ngăn chặn, phát hiện trường hợp hút thuốc trong BV.


Chính nhờ cách làm nêu trên mà từ nhiều năm nay cả nhân viên y tế, người bệnh và thân nhân người bệnh tại BV Việt - Đức đều tự giác tuân tủ nội quy không hút thuốc lá ở trong BV. Nơi đây đã trở thành một BV không khói thuốc lá từ khi Luật PCTHTL chưa có hiệu lực.


Từ “điểm sáng” về môi trường không khói thuốc tại BV Việt Đức và từ một số mô hình thí điểm của ngành y tế cho thấy, vai trò của chính cán bộ y tế và sự quyết tâm của lãnh đạo các cơ sở y tế là rất quan trọng trong công tác PCTHTL. Nếu lãnh đạo các cơ sở y tế thực sự coi trọng ắt sẽ chú trọng để đưa ra giải pháp hữu hiệu để tăng cường, giám sát thực thi Luật PCTHTL; nhưng nếu ngay chính người đứng đầu cơ sở y tế còn hút thuốc lá thì việc xây dựng môi trường không khói thuốc quả thực cần thời gian và phải có lộ trình...

 

Hà Phương - Lê Hảo