11:05 15/11/2014

Dạy - học môn ngữ văn đâu phải dễ

Thực tế cho thấy, nhiều người, trước đây học phổ thông, học được, học giỏi môn ngữ văn, nay làm ở các lĩnh vực khác, có nhiều lợi thế và gặt hái không ít thành công trong công việc và cuộc sống.

Xét tuyển ĐH môn Văn - động lực với chất lượng dạy học

Theo quy định mới về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015, của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì mỗi tổ hợp 3 môn xét tuyển vào đại học phải có ít nhất một trong 2 môn bắt buộc là toán hoặc văn. Lãnh đạo Bộ GD & ĐT cho biết, tính đến nay, qua thống kê đề án tuyển sinh 2015 của hơn 300 trường ĐH, CĐ, môn thi được các trường lựa chọn nhiều nhất là toán và văn.

Giờ học môn ngữ văn của học sinh lớp 11 chuyên lý Trường THPT chuyên Hạ Long, TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Quý Trung - TTXVN


Thực tế cho thấy, nhiều người, trước đây học phổ thông, học được, học giỏi môn ngữ văn, nay làm ở các lĩnh vực khác, có nhiều lợi thế và gặt hái không ít thành công trong công việc và cuộc sống. Một cựu sinh viên ĐH kinh tế, hiện làm nhân viên tại Trung tâm Điện máy Nguyễn Kim, Thành phố Hồ Chí Minh tâm sự: ”Ngành của cháu, thi vào khối A. Hồi phổ thông cháu tập trung học ba môn toán, lý, hóa ghê lắm. Nhưng lên ĐH và ra trường đi làm, cháu thấy mấy môn Lý, Hóa thuộc lĩnh vực của cháu chẳng ứng dụng là bao. Kiến thức mấy môn văn, sử, địa mà ngày xưa tụi học sinh bọn cháu cho là môn “ phụ”, không cần học, giờ lại hết sức cần thiết, quan trọng; đi giao tiếp, ngồi soạn văn bản… luôn đụng phải nó. Nếu biết thế này, cháu sẽ học tốt các môn xã hội hơn để bây giờ đỡ khổ”.

Có thể nói, sau một quá trình kiểm nghiệm và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của xã hội, đời sống hiện đại thì những giá trị và tính ứng dụng thực tế cao của bộ môn ngữ văn đã được các trường ĐH, các nhà quản lý nhìn nhận đúng mức. Đây là một cơ sở chính yếu để họ mạnh dạn đề xuất, đưa vào xét tuyển ĐH. Một khi môn ngữ văn xác lập được vị trí vững vàng, rộng rãi của mình thì đây thực sự là tín hiệu vui đối với đội ngũ thầy giáo, cô giáo dạy môn học này ở nhà trường phổ thông. Điều kiện xét tuyển ĐH, ở nhiều ngành có thêm môn ngữ văn tham gia, tạo thêm động lực, chất xúc tác để thúc đẩy chất lượng dạy và học bộ môn này ở trường phổ thông sẽ tốt hơn. Tôi tin tưởng rằng, tình trạng học sinh có cái nhìn lệch lạc, phiến diện, thực dụng, thậm chí coi thường môn ngữ văn sẽ dần giảm xuống và mất đi, để nhường chỗ cho cái nhìn đúng đắn và thái độ, động cơ học tập tích cực về bộ môn quan trọng này.

Cần những đổi thay, đồng bộ, dài hơi

Tuy nhiên, về lâu, về dài, cái căn cơ, cốt lõi, không nằm ở mấy môn thi, cách lựa chọn xét tuyển mà phải xuất phát từ nội tại, có cuộc cải biến, cuộc “ cách mạng” triệt để từ nhiều phương diện liên quan đến hoạt động dạy học môn ngữ văn. Trước hết, trong thiết kế, biên soạn nội dung, chương trình, sách giáo khoa mới bộ môn này ở thời gian sắp tới cần toát lên được đặc trưng, chức năng của môn học khoa học, môn học công cụ và môn học giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn, nhân văn.

Cắt bỏ những kiến thức trùng lặp, hàn lâm, vô bổ, ít có tính ứng dụng, không phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh; chọn lọc, bổ sung thêm những tác phẩm, văn bản hiện đại, tăng cường thời lượng thực hành cho phần làm văn và tiếng Việt. Tiếp đến, cần có sự quan tâm, đầu tư đặc biệt tới đội ngũ giáo viên - lực lượng, yếu tố quyết định nhất của chất lượng dạy học văn. Cần có cách tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu và tăng cường công tác thanh kiểm tra, dự giờ đột xuất để nắm bắt và chỉnh đốn lối dạy. Mặt khác, về phía phụ huynh và học sinh cần có thái độ đúng đắn, tầm nghĩ, tầm nhìn xa hơn, học văn không chỉ để có điểm, lên lớp, thi cử mà nó rất cần thiết cho hành trang bước vào công việc, cuộc sống sau này. Để phụ huynh, học sinh thấu hiểu, nhận ra ý nghĩa, giá trị bộ môn văn, nhà trường, thầy cô giáo dạy văn, thậm chí cấp quản lý Phòng, Sở Giáo dục nên có những bài, nội dung tuyên truyền, tác động cụ thể, thuyết phục, dưới hình thức “mưa dầm, thấm lâu”.

Đặc biệt các em học sinh, trong bối cảnh hiện nay với sự lên ngôi của công nghệ giải trí, kéo theo công nghệ nghe nhìn, văn hóa nghe nhìn chiếm ưu thế, văn hóa đọc bị suy giảm, khiến nhiều học sinh xao lãng, không thích học văn. Đấy là sự thật, đấy cũng là nguyên nhân chính của suy giảm việc học văn. Các em cần hiểu rằng học được văn, học giỏi môn văn bao đời nay thực sự không dễ, tốn nhiều thời gian đọc sách, rèn luyện câu chữ, do đặc thù môn học. Học văn tiến bộ, học văn được (chưa nói học giỏi văn) là cả một quá trình, đòi hỏi nhiều ở tính kiên trì, chịu khó của người học. Nói tóm lại, chất lượng dạy học môn ngữ văn đạt chỉ kết quả tốt khi có sự đồng bộ, đổi thay từ nội dung, chương trình; chất lượng, phương pháp người dạy và đặc biệt là thái độ, ý thức của học sinh chúng ta.


Đỗ Tấn Ngọc