01:16 23/01/2012

Dạy học bằng Bản đồ tư duy - một giải pháp góp phần đổi mới cơ bản giáo dục

Bản đồ tư duy (BĐTD) là một công cụ tổ chức tư duy được tác giả Tony Buzan (Anh) nghiên cứu kỹ lưỡng và phổ biến rộng khắp thế giới. Nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng BĐTD trong giảng dạy, học tập, làm việc, kinh doanh... từ 15 - 20 năm nay.

Bản đồ tư duy (BĐTD) là một công cụ tổ chức tư duy được tác giả Tony Buzan (Anh) nghiên cứu kỹ lưỡng và phổ biến rộng khắp thế giới. Nhiều nước trên thế giới đã ứng dụng BĐTD trong giảng dạy, học tập, làm việc, kinh doanh... từ 15 - 20 năm nay. Ở nước ta, BĐTD mới chỉ được biết đến trong vài năm trở lại đây, đặc biệt khi ngành giáo dục làm quen với BĐTD qua triển khai áp dụng linh hoạt cùng với các phương pháp dạy học tích cực khác trên diện rộng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong năm học 2011 – 2012.

Giúp học sinh hiểu và nhớ lâu bài học

BĐTD là hình thức ghi chép sử dụng màu sắc, hình ảnh để mở rộng và đào sâu các ý tưởng. Thực tế cho thấy một số học sinh (HS) học rất chăm chỉ nhưng vẫn học kém, nhất là môn toán. Các em này thường học bài nào biết bài đấy, học phần sau đã quên phần trước và không biết liên kết các kiến thức với nhau, không biết vận dụng kiến thức đã học trước đó vào những phần sau. Phần lớn số HS này khi đọc sách hoặc nghe giảng trên lớp không biết cách tự ghi chép để lưu thông tin, lưu kiến thức trọng tâm vào trí nhớ của mình. Sử dụng thành thạo BĐTD trong dạy học, HS sẽ học được phương pháp học, tăng tính độc lập, chủ động, sáng tạo và phát triển tư duy.

Áp dụng Bản đồ tư duy vào giảng dạy đã mang lại hiệu ứng tích cực.


BĐTD giúp HS học tập một cách tích cực. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy bộ não của con người sẽ hiểu sâu, nhớ lâu và in đậm cái mà do chính mình tự suy nghĩ, tự viết, vẽ ra theo ngôn ngữ của mình. Vì vậy việc sử dụng BĐTD giúp HS, học tập một cách tích cực, huy động tối đa tiềm năng của bộ não.
Vận dụng BĐTD trong dạy học, giáo viên (GV) giúp HS tập có thói quen tự tay ghi chép hay tổng kết một vấn đề, một chủ đề đã đọc, đã học theo cách hiểu của các em dưới dạng BĐTD.

Sau khi cho các em làm quen với một số BĐTD có sẵn, GV đưa ra một chủ đề chính, đặt chủ đề này ở vị trí trung tâm bảng (hoặc vào trang vở, tờ giấy, bìa) rồi đặt câu hỏi gợi ý để các em vẽ tiếp các nhánh cấp 1, cấp 2, cấp 3... Mỗi bài học được chính các em tự vẽ kiến thức trọng tâm trên một trang giấy, giúp các em dễ ôn tập, dễ xem lại kiến thức khi cần.

Bản đồ tư duy về lịch sử Ngày thành lập Đảng.


BĐTD có thể vận dụng được với bất kì điều kiện cơ sở vật chất nào của các nhà trường hiện nay. Có thể thiết kế BĐTD trên giấy, bìa, bảng phụ... hoặc cũng có thể thiết kế trên phần mềm BĐTD.

Từ 2011, ứng dụng phương pháp BĐTD rộng khắp

Giữa lúc cả xã hội bức xúc với “đọc - chép” và thói quen “học vẹt” của nhiều HS thì việc ứng dụng BĐTD cùng với các phương pháp dạy học tích cực khác đã đem lại rất nhiều lợi ích. Dự án Phát triển giáo dục THCS II đã chủ trì nhóm nghiên cứu một cách kĩ lưỡng và tham mưu với Bộ GD - ĐT đưa thành chuyên đề ứng dụng BĐTD hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học tới các cán bộ quản lý và GV THCS.

Trong 3 năm gần đây, các cán bộ nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Dự án Phát triển giáo dục THCS II kết hợp với Vụ Giáo dục Trung học và Cục Nhà giáo của Bộ GD - ĐT và Sở GD - ĐT các tỉnh đến các vùng miền của đất nước để nghiên cứu và nhân rộng dần phương pháp mới này với hy vọng sẽ giúp HS thoát khỏi lối “học vẹt”, đóng góp phần mình vào công việc chung của ngành giáo dục. Trên 30 bài báo khoa học cùng với 4 cuốn sách: “Dạy tốt - học tốt các môn học bằng BĐTD” dùng cho GV và HS từ lớp 4 đến lớp 12 và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành đã thu hút mạnh sự quan tâm của các cấp quản lý giáo dục và đội ngũ thầy cô giáo, phụ huynh và các em HS phổ thông.

Năm 2011, ứng dụng BĐTD trong dạy và học đã được triển khai thí điểm tại 355 trường trên toàn quốc và được cả GV cũng như HS các trường hồ hởi tiếp nhận. Nhiều sở, phòng GD - ĐT sau khi được tập huấn cho cốt cán cấp THCS đã chủ động phổ biến đến cả cấp tiểu học và trung học phổ thông. Nhiều trường đại học, cao đẳng cũng áp dụng BĐTD ở các mức độ khác nhau. Kết quả ghi nhận ban đầu cho thấy: Việc vận dụng BĐTD trong dạy học sẽ dần hình thành cho HS tư duy mạch lạc, hiểu biết vấn đề một cách sâu sắc, “định vị trong đầu” được các kiến thức, sự kiện cơ bản, có cách nhìn vấn đề một cách hệ thống, khoa học, học tốt không chỉ kiến thức trong sách vở mà còn cả từ thực tiễn cuộc sống.

Trước kết quả khả quan này, năm 2011, Bộ GD - ĐT đã quyết định đưa chuyên đề phương pháp dạy học bằng BĐTD thành 1 trong 5 chuyên đề tập huấn cho giáo viên THCS trên toàn quốc.


Đưa giáo dục Việt Nam tiếp cận phương pháp tiên tiến thế giới

Phát biểu về tính ưu việt của BĐTD, em Nguyễn Minh Giang, sinh viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM - một trong những người đã trực tiếp tham gia làm bức tranh BĐTD kỷ lục Guinness 2011 về hình ảnh đất nước Việt Nam với bông sen hồng 6 cánh, tâm đắc nói: “Nếu không xác tính được ý tưởng trung tâm thì bạn không bao giờ lập được BĐTD. Cách tư duy bằng phương pháp này khuyến khích mỗi người phải sáng tạo, có ý tưởng rõ ràng, có sáng kiến”.

Nhận xét về nỗ lực đổi mới nghiên cứu, tổ chức dạy và học của ngành giáo dục trong nhiều năm gần đây, một lãnh đạo Quốc hội và Hội đồng khoa học của Quốc hội đã nói: “Tôi đánh giá cao nỗ lực của nhiều cán bộ nghiên cứu, GV trong việc tiếp cận, chủ động nghiên cứu và ứng dụng các phương pháp tư duy hiện đại trên thế giới vào thực tiễn nước ta. Điều này cho thấy con người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam rất đáng khâm phục, hoàn toàn có thể kế thừa, tiếp thu, làm chủ các tri thức mới và tinh hoa của nhân loại. Điều cần làm phía trước là làm sao nhân rộng các phương pháp mới, để nó không chỉ là các sản phẩm mang tính bí quyết của một vài cá nhân mà phải góp phần xây dựng và hình thành các thế hệ học trò - con người mới cho đất nước”.

Qua thực tế ứng dụng, nhiều cán bộ quản lý, GV ở các vùng miền khác nhau của đất nước đều chung nhận định: Kết hợp và lựa chọn linh hoạt với các phương pháp dạy học tích cực khác (dạy học nêu vấn đề, ứng dụng công nghệ thông tin, dạy học dự án, bàn tay nặn bột... ) mà ngành giáo dục đã và đang triển khai, BĐTD sẽ là đòn bẩy góp phần đổi mới cơ bản và toàn diện nền giáo dục, giúp học sinh tích cực chủ động và có tư duy tốt hơn.

Hoàng Hoa