12:08 03/12/2015

Đầu tư sản xuất gạo hữu cơ, dược liệu

Nhiều doanh nghiệp vùng ĐBSCL đã đầu tư sản xuất gạo dược liệu có giá trị dinh dưỡng cao, góp phần nâng cao vị thế hạt gạo của vùng đất chín rồng.

Hướng đi đầy triển vọng

Những năm gần đây, thương hiệu gạo hữu cơ, dược liệu đã được người tiêu dùng không chỉ ở thị trường trong nước mà thị trường nước ngoài như Anh, Nga, Singapore, Pháp, Đức... đón nhận. Những loại gạo này đã mở ra hướng đi mới, góp phần tạo nên chất lượng, thương hiệu gạo Việt Nam.

Gạo hữu cơ, dược liệu đang ngày càng được người tiêu dùng trong nước và thế giới ưa chuộng.

Theo các chuyên gia, thành phần dược tính của hạt gạo hữu cơ, gạo dược liệu đặc biệt có chứa chất chống oxy hóa Anthocyanin có tác dụng rất tốt cho việc hỗ trợ và phòng ngừa các loại bệnh tiểu đường, tim mạch, ung thư, béo phì và đã được nhiều nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới ủng hộ. Đồng thời loại gạo này có chỉ số đường huyết thấp giúp lượng đường trong máu ổn định sau khi ăn, không phải như gạo trắng làm lượng đường trong máu tăng cao rất không tốt cho những người bị tiểu đường. Hơn thế nữa, thành phần dinh dưỡng của các loại gạo này rất cao so với gạo thông thường như hàm lượng đạm cao với 16 loại amino acid, nhiều chất xơ, các vitamin B, canxi, citamin E, selenium. Riêng lysine, arginine cao từ 2 - 4 lần gạo thông thường.

Sản phẩm gạo dược liệu mang tên “Ngọc đỏ hương dứa”, một loại gạo dược liệu mới được chứng minh chứa các chất như sắt, vitamin, canxi… được hợp tác xã nông nghiệp Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp sản xuất dù có giá cao gấp 2 - 3 lần so với gạo thông thường nhưng vẫn có nhiều người tiêu dùng trong nước và nước ngoài lựa chọn. Mới đây, loại gạo đặc sản này của HTX được một doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu độc quyền toàn bộ 23 ha do khách hàng Pháp, Anh, Ý, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ... đã cam kết ở đầu ra với giá từ 750-800 USD/tấn.

Bên cạnh đó, sản phẩm gạo hữu cơ thương hiệu gạo “Hoa sữa” của Công ty cổ phần và thương mại Viễn Phú, một trong những doanh nghiệp sớm tập trung đầu tư và hiện có khá nhiều sản phẩm gạo tốt cho sức khỏe, đang có khoảng 10 bộ giống lúa để xuất theo từng thị trường riêng. Theo đó, “Hoa sữa” vừa là gạo hữu cơ, vừa là gạo chức năng được canh tác theo quy trình sạch, hoàn toàn không có hóa chất và đạt chuẩn canh tác hữu cơ Hoa Kỳ và châu Âu đã được xuất sang Anh, Nga, Singapore… Theo Giám đốc Võ Minh Khải, để sản xuất được loại gạo này, đơn vị phải tự tìm vùng đất sạch ở Cà Mau, xây dựng trung tâm nghiên cứu giống, tìm hiểu quy trình canh tác, đầu tư cơ sở chế biến, đóng gói, xây dựng thương hiệu và tìm thị trường xuất khẩu. Tất cả những công đoạn đó đã mất 13 năm dày công nghiên cứu, trải qua không ít khó khăn thì mới đưa những sản phẩm ra thị trường thế giới mang thương hiệu “Hoa Sua Foods” - được tổ chức quốc tế CONTROL UNION (Hà Lan) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Hoa Kỳ và châu Âu. Đến nay công ty đã cung cấp cho khách hàng trong và ngoài nước với sản lượng từ 1.000 - 1.500 tấn/năm với giá quy đổi dao động từ 50.000 - 100.000 đồng/kg.

Cần thêm cú hích từ chính sách

Nhu cầu sử dụng các sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt là ở các thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu… nên các loại gạo trên được đánh giá còn nhiều tiềm năng để mở rộng thị trường và góp phần nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo Việt Nam. Tuy nhiên, con đường làm gạo thảo dược, gạo hữu cơ không phải dễ dàng mặc dù giá trị đem lại rất cao so với loại gạo thông thường. Theo các doanh nghiệp sản xuất gạo hữu cơ chức năng, nếu như gạo xuất khẩu thông thường 5 - 25% tấm có giá bán trung bình từ 350 - 450 USD/tấn, thì gạo hữu cơ có giá bán từ 1.800 - 5.000 USD/tấn và hiện nhu cầu sử dụng trên thị trường thế giới ngày càng tăng lên theo từng năm.

Thế nhưng, dù thấy được những triển vọng to lớn nói trên nhưng các doanh nghiệp này lại không dám mở rộng sản xuất, nâng cao sản lượng. Ông Võ Minh Khải cho rằng, làm gạo hữu cơ phải theo quy trình nghiêm ngặt, từ khâu giống đến hạ tầng gieo trồng, quản lý chất lượng nên doanh nghiệp chỉ tự đầu tư mà chưa dám liên kết với nông dân, bởi nếu không kiểm soát được chặt chẽ có thể dẫn đến ảnh hưởng uy tín thương hiệu. “Công ty có 320 ha, nhiều năm nay vẫn chưa mở rộng được, vì vướng vào quy định doanh nghiệp không được tích tụ ruộng đất. Nếu doanh nghiệp mở rộng liên kết ra bên ngoài mà không kiểm soát được thì chẳng khác nào tự giết thương hiệu của mình”, ông Võ Minh Khải khẳng định.

Theo các doanh nghiệp đi theo hướng sản xuất này, muốn đẩy mạnh đáp ứng nhu cầu sản lượng gạo hữu cơ thì Nhà nước cần phải tạo cầu nối, điều kiện hỗ trợ thúc đẩy thành lập các mối liên kết giữa doanh nghiệp với các hiệp hội, tổ hợp tác, hợp tác xã có năng lực điều hành… Phải thực sự là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Tránh tình trạng nhiều nơi, hợp tác xã chỉ mang tính hình thức, chỉ là nơi tập hợp các hộ sản xuất riêng lẻ nên còn manh mún, tự phát, không thống nhất về quy trình sản xuất, chất lượng kém lại không ổn định.

Ngoài ra, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc tiếp cận các chính sách về vốn tín dụng ưu đãi. Do vậy, Nhà nước xem xét để rà soát, bổ sung chính sách ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu có chứng nhận chất lượng, liên kết chuỗi giá trị đối với sản phẩm gạo; đồng thời rà soát, bổ sung chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, kho chứa, công nghệ đối với các doanh nghiệp sử dụng thương hiệu gạo Việt Nam. Nhà nước và các địa phương cần tập trung triển khai Nghị định số 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.