10:17 15/10/2017

Đầu tư phát triển năng lượng tái tạo: Vì sao còn khiêm tốn?

Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư với tổng công suất nguồn lên tới hơn 17.000MW.

Công trình điện gió Đầm Nại (huyện Ninh Hải và huyện Thuận Bắc) có tổng vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10/2018. Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có thể đạt được 850MW điện mặt trời và 12.000 MW vào năm 2030 như Quy hoạch điện VII đề ra là rất khả thi. Ông Đỗ Đức Tưởng, cố vấn năng lượng sạch Chương trình Năng lượng của USAID Việt Nam đã trao đổi với Thông tấn xã Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về tình hình phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là lĩnh vực điện mặt trời?

Hiện nay  thế giới đã phát triển rất mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời nhưng tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ mặc dù Việt Nam có tiềm năng rất lớn về tài nguyên mặt trời. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có chưa đến 200 MW điện gió và chưa đến 80 MW điện mặt trời được nối lên lưới điện.

Để khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió, Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế chính sách, đơn cử tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tham gia vào lĩnh vực này. Đơn cử, việc miễn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm, thiết bị mà Việt Nam chưa sản xuất được. Với thuế thu nhập doanh nghiệp, trong 4 năm đầu tiên, doanh nghiệp kinh doanh về lĩnh vực điện mặt trời đều được miễn thuế hoàn toàn.

Trong thời gian tiếp theo, theo từng lộ trình nhất định, sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức lúc đầu là 50%, rồi 10%, 5%, chỉ đến giai đoạn cuối cùng, mới phải trả đến 20%. Những chính sách ưu đãi này chính là chìa khóa để mở ra cánh cửa phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Nhờ đó, hiện tổng số các dự án đăng ký tại Việt Nam đã đạt được một con số khá ấn tượng, lên đến 12.000 MW. Đó là một tín hiệu đáng mừng.

Quy hoạch điện VII đặt mục tiêu khoảng 850MW điện mặt trời đến năm 2020. Theo ông, con số này liệu đã hợp lý?

Theo tôi bản Quy hoạch điện VII còn rất thận trọng ở chỗ chúng ta hiện nay mới đưa ra quy hoạch là 850MW đến năm 2020 và đến năm 2030 mới là 12.000 MW; trong khi đó tiềm năng điện mặt trời của chúng ta còn rất lớn có thể lên đến trên 20.000 MW.

Vấn đề đặt ra là Chính phủ có coi con số 850MW là mức trần hay không, hay Chính phủ chỉ đưa ra mục tiêu đó để khuyến khích thôi. Theo như tôi được biết khi trao đổi, tiếp xúc với các nhà khoa học chuyên ngành, thì mức 850 MW không phải là mức trần mà Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ tất cả các dự án kể cả khi chúng ta đã đạt được mức theo kế hoạch đề ra.

Chúng ta đã có những chính sách ưu tiên cho năng lượng tái tạo nhưng con số các nhà đầu tư tham gia vào này vẫn khá khiêm tốn. Đâu là nguyên nhân của thực tế này, thưa ông?

Mặc dù chúng ta đã có cơ chế về giá nhưng vẫn còn nhiều yếu tố khác liên quan như cơ sở hạ tầng để truyền tải lưới điện. Tôi được biết, có những khu vực có rất nhiều dự án được đăng ký, nhưng máy biến áp của khu vực đó lại không đủ công suất để hấp thụ tất cả các nguồn điện từ các dự án điện mặt trời.

Ngoài ra, tại Việt Nam, chính sách đưa ra nhưng quá trình triển khai ra sao còn phụ thuộc khá nhiều vấn đề, nhiều thủ tục như việc xin bổ sung quy hoạch dự án vào hệ thống, kế hoạch phát triển điện lực của địa phương cũng như của quốc gia, hay vấn đề xin cấp đất, xin giấy phép đấu nối, thỏa thuận mua bán điện với EVN... Tất cả những vấn đề đó đều tác động đến nhà đầu tư về mặt chi phí tài chính cũng như thời gian, không loại trừ cả những rủi ro mà nhà đầu tư phải chịu trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, liên quan đến nối lưới và đảm bảo an toàn hệ thống điện, càng nhiều năng lượng tái tạo thì hệ thống điện hiện tại càng nhiều nguy cơ, bất ổn. Chúng ta cần phải có  những giải pháp kỹ thuật nhất định như tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng, tăng cường hệ thống đo đếm hay hệ thống điều khiển thông minh, hệ thống điện thông minh… khi đó sẽ góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của năng lượng tái tạo đến hệ thống điện. Do vậy, ngoài các chính sách khuyến khích đầu tư của nhà nước thì đi kèm với đó, ngành điện cần đầu tư thêm nhiều cơ sở hạ tầng hơn nữa để phục vụ cho phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, còn nếu vẫn như cơ sở hạ tầng hiện nay sẽ rất khó phát triển.

Có ý kiến cho rằng, muốn phát triển năng lượng tái tạo thì phải giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện mà chúng ta đang quy hoạch. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Trước đây trên thế giới, điện than và điện khí được ưu tiên hơn vì tính ổn định của chúng, điện gió, điện mặt trời chỉ phụ trợ thôi. Nhưng bây giờ thì ngược lại, thế giới tập trung ưu tiên  hoàn toàn cho phát triển năng lượng tái tạo, điện than, khí chỉ là để bù lại chỗ thiếu. Việt Nam có 20.000 MW điện từ các hồ thủy điện và đây là nguồn điện mà chúng ta có sẵn, có lợi thế nhờ giàu tiềm năng thủy điện. Đó là lý do vì sao chúng tôi hoàn toàn tự tin cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp nhận nhiều nguồn năng lượng tái tạo thay vì chỉ tập trung vào nhiệt điện.

Xin cảm ơn ông!

Đức Dũng (TTXVN)