05:07 02/05/2011

Đầu tư khoa học công nghệ - Đầu tư cho tương lai

10 năm qua, Việt Nam đã dành 2% tổng chi ngân sách cho phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), nhưng thực tế, giá trị tuyệt đối còn rất nhỏ, đặc biệt là tổng đầu tư của xã hội cho KH&CN còn rất thấp.

10 năm qua, Việt Nam đã dành 2% tổng chi ngân sách cho phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), nhưng thực tế, giá trị tuyệt đối còn rất nhỏ, đặc biệt là tổng đầu tư của xã hội cho KH&CN còn rất thấp. Vì thế, nước ta thiếu nguồn lực dành cho nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất đời sống, làm hạn chế hiệu quả hoạt động KH&CN. Để thấy tầm quan trọng của KH&CN, không chỉ Nhà nước mà doanh nghiệp cần nhận thức được việc đầu tư cho KH&CN là đầu tư phát triển, đầu tư cho tương lai.

Sớm xây xong “ngôi nhà KH&CN”

Tính đến năm 2010, nhìn lại 10 năm, nỗ lực của bộ máy quản lý KH&CN cũng như các nhà khoa học, các tổ chức KH&CN trong cả nước rất lớn. Việt Nam đã cơ bản thực hiện được mục tiêu của Đề án đổi mới, chiến lược phát triển KH&CN cũng như xây dựng nền tảng pháp lý cho KH&CN. Nếu ví việc xây dựng nền tảng pháp lý cho KH&CN như xây dựng nền móng của một ngôi nhà, thì nhiệm vụ 10 năm tới là việc xây xong “ngôi nhà KH&CN” để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đây là công việc rất nặng nề, bởi 10 năm tới là 10 năm “nước rút” thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 Khóa 8 về KH&CN và giáo dục đào tạo, hai lĩnh vực được coi là quốc sách hàng đầu và đặt mục tiêu cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

10 năm qua, Việt Nam chủ yếu tăng trưởng nhờ đổi mới cơ chế, KH&CN cũng đã tháo gỡ nhiều cơ chế cũ, giao quyền tự chủ cho các tổ chức sự nghiệp, hình thành hệ thống các tổ chức sự nghiệp ngoài nhà nước, ngoài công lập. Nếu như trước năm 2000, hầu hết các tổ chức KH&CN là của Nhà nước, một số ít là tổ chức KH&CN của các tổ chức chính trị xã hội và xã hội nghề nghiệp, không có tổ chức của tư nhân, thì Nghị định 81, thực hiện Luật KH&CN đã hình thành các tổ chức KH&CN của tư nhân và các tổ chức xã hội khác. Đến nay các tổ chức ngoài nhà nước đã chiếm gần 60% trong tổng số 1.500 tổ chức KH&CN cả nước.

Các nhà khoa học nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ như nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, ứng dụng các kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại vào thực tiễn đời sống và sản xuất. Ảnh: Phương Vy – TTXVN


Thứ trưởng thường trực Bộ KH&CN Nguyễn Quân khẳng định: Đã đến lúc không thể tăng trưởng chỉ bằng đổi mới cơ chế, vì Việt Nam đã gia nhập nhiều tổ chức quốc tế và khu vực như: APEC, ASEM, ASEAN... đồng nghĩa với việc Việt Nam đã vào chơi sân chơi chung của thế giới. Do vậy nếu các cơ chế, chính sách không phù hợp thì chúng ta không thể hòa nhập, hội nhập được với thế giới.

Trong lĩnh vực KH&CN, với đề án đổi mới cùng hàng loạt luật đã được xây dựng, thông qua, về cơ bản những vướng mắc cơ chế KH&CN cũ đã được tháo gỡ, nhà khoa học, các tổ chức KH&CN đã được tự chủ và hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Thực tế, có thể nói, chúng ta đã có những bước đi “cách mạng”, vì vậy, 10 năm tới sẽ là 10 năm tăng trưởng bằng KH&CN, chứ không phải tăng trưởng nhờ tháo gỡ cơ chế. Điều đó đặt lên vai những người làm khoa học và những người quản lý KH&CN một trách nhiệm lớn là làm sao để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Đầu tư nguồn lực cho KH&CN

Thứ trưởng Nguyễn Quân cho biết: Mục tiêu đến năm 2020 về cơ bản nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đó là tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống 15% trong GDP, yếu tố năng suất tổng hợp TFP khoảng 35% trong tăng trưởng GDP. Để đạt mục tiêu đó là không hề đơn giản. Nếu như ta duy trì tốc độ tăng trưởng 7 - 8%, thì có thể thấy rằng sau 10 năm sẽ tăng trưởng gấp đôi GDP, đạt mức hơn 3.000 USD/người vào năm 2020. Đây là mức phải phấn đấu quyết liệt, khi tài nguyên thiên nhiên nước ta đang ngày càng cạn kiệt, dự kiến đến năm 2014 - 2015 chúng ta phải tính đến chuyện nhập khẩu than, dầu mỏ do khai thác không đủ cho nhu cầu trong nước.

Để khẳng định vai trò của KH&CN, Bộ KH&CN đã đặt nhiệm vụ khẩn trương đưa các đạo luật đi vào cuộc sống, một trong các giải pháp quan trọng hàng đầu là xây dựng các chương trình quốc gia để thúc đẩy sự phát triển của một số lĩnh vực. Vì vậy, Bộ KH&CN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số chương trình quốc gia để tạo nguồn lực, tạo cơ chế để tăng cường tiềm lực KH&CN.

Song song với các chương trình là Đề án đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KH&CN và Đề án tăng cường tiềm lực cho KH&CN địa phương. Như vậy, nếu triển khai thành công, Việt Nam có quyền hi vọng sẽ hoàn thiện được “ngôi nhà KH&CN” trong 10 năm tới.

Hiện nay, kinh phí dành cho hoạt động KH&CN chủ yếu là từ ngân sách nhà nước. Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ chi ngân sách cho KH&CN ở mức cao với khoảng 2% tổng chi ngân sách (tương đương 0,5% GDP) được duy trì liên tục trong 10 năm qua. Trong khi các nước khác, kể cả các nước phát triển tỉ lệ này chỉ là 0,3-0,4% GDP.

Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2010 đặt ra mục tiêu tổng đầu tư cho KH&CN khoảng 1,5% GDP, ngân sách nhà nước là 0,5% và từ xã hội là 1%. Nhưng đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa đạt chỉ tiêu này do chưa huy động được đầu tư của xã hội, đặc biệt là từ doanh nghiệp cho KH&CN, trong khi tỉ lệ này ở các nước trên thế giới rất cao (tổng đầu tư cho hoạt động KH&CN từ 2 đến 5% GDP, đầu tư của khu vực ngoài nhà nước cho KH&CN gấp 3 - 4 lần cho tới 10 lần đầu tư từ ngân sách). Do vậy, KH&CN nước ta rất thiếu nguồn lực dành cho nghiên cứu cũng như ứng dụng KH&CN vào sản xuất đời sống, làm hạn chế hiệu quả của hoạt động KH&CN đối với xã hội.

Vì vậy, toàn xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp cần nhận thức được tầm quan trọng của KH&CN và đầu tư cho KH&CN là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho tương lai. Trước hết, ngoài các quỹ phát triển KH&CN của Nhà nước, các doanh nghiệp cần khẩn trương thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, dành một phần lợi nhuận trước thuế cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, làm chủ công nghệ, đào tạo nhân lực KH&CN. Phấn đấu nâng tổng mức đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN đạt mức 2% GDP vào năm 2020, chỉ như thế chúng ta mới có đủ nguồn lực cho phát triển KH&CN cũng như phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Phương Nga