01:21 29/01/2015

Đầu tư, hỗ trợ hiệu quả để phát triển dân tộc thiểu số

Diễn đàn thường niên về phát triển dân tộc thiểu số (DTTS) diễn ra ngày 29/1, tại Hà Nội, với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, các cơ quan Liên Hợp quốc…

Diễn đàn thường niên về phát triển dân tộc thiểu số (DTTS) do Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức, diễn ra ngày 29/1, tại Hà Nội, với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, các cơ quan Liên Hợp quốc…

Diễn đàn năm nay tập trung thảo luận để gắn kết và lồng ghép những nội dung ưu tiên hỗ trợ đối với DTTS trong chương trình phát triển kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 một cách rõ nét, cả trong các chương trình chính sách thường xuyên và đặc thù, nhằm hỗ trợ hiệu quả cho đồng bào DTTS.

Diễn đàn thường niên về phát triển dân tộc thiểu số.


Đã có nhiều chính sách phát triển

Theo đánh giá của UBDT, vùng đồng bào DTTS và miền núi những năm qua đã có bước phát triển đáng kể về mọi mặt kinh tế - xã hội, đời sống của đồng bào đã được nâng lên. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, chênh lệch giàu nghèo giữa vùng miền, giữa các dân tộc còn cao và có nguy cơ ngày càng rộng ra thể hiện ở tỷ lệ biết chữ của trẻ em DTTS là trên 78% so với tỷ lệ biết chữ chung là xấp xỉ 100%; tỷ lệ hộ nghèo là DTTS vẫn còn trên 30%; còn hơn 2.000 xã và trên 18.000 thôn, bản đặc biệt khó khăn; kết cấu hạ tầng còn thấp kém, đời sống của đồng bào chưa được đảm bảo.

Theo các chuyên gia nghiên cứu về DTTS và miền núi, những hạn chế trên là do xuất phát điểm ở vùng này thấp, địa hình bị chia cắt; nhiều mô hình phát triển kinh tế còn bất cập. Bên cạnh đó, vùng đồng bào DTTS thường xuyên bị thiên tai, dịch bệnh; chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ chưa qua đào tạo còn lớn, nên bị hạn chế khả năng tận dụng các cơ hội phát triển của họ.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Sơn Phước Hoan khẳng định: Chính phủ và các địa phương đã nhận thức rõ những tồn tại trên, nên nhiều năm qua luôn có những chính sách phát triển vùng DTTS và miền núi phù hợp với từng vùng, miền và đặc thù của các DTTS. Định hướng phát triển vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 đã xác định: Đầu tư phát triển quy mô lớn về chính sách an sinh xã hội, giải quyết hài hòa lợi ích của người dân; giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc để phát triển vùng DTTS và miền núi bền vững; phát triển giáo dục đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực DTTS đáp ứng nhu cầu đẩy nhanh công tác xóa đói, giảm nghèo; tập trung đầu tư phát triển vùng đặc biệt khó khăn.

Hỗ trợ đất sản xuất để đồng bào thoát nghèo bền vững.


Huy động nội lực của đồng bào

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng chia sẻ một số mô hình phát huy hiệu quả năng lực nội sinh của cộng đồng như: Mô hình cộng đồng làm chủ thể tích hợp các nguồn vốn hỗ trợ trên địa bàn và huy động nội lực của đồng bào DTTS; quản lý rừng dựa vào cộng đồng và cơ chế chia sẻ lợi ích với người dân. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra sự thiếu đồng bộ của chính sách và các bất cập trong quá trình xây dựng chính sách; chính sách thiếu tính ổn định, lâu dài, thiếu tính chất đặc thù của vùng miền, dân tộc, đối tượng thụ hưởng… do vậy khi thực hiện không khả thi, hoặc chưa đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của đồng bào DTTS. “Cần xây dựng khung chính sách tổng thể, đồng bộ, thay cho việc đưa ra nhiều chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách, chương trình, dự án khác nhau như hiện nay”, ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị.

Phát biểu tại Diễn đàn, Tiến sĩ Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc hoan nghênh cam kết hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và đánh giá cao việc xây dựng “Kế hoạch hành động thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển DTTS phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội chung của cả nước” của Việt Nam, từ đó, đặt ra các mục tiêu ưu tiên cho phát triển DTTS như một “trụ cột khung kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2016 - 2020”. Tiến sĩ Pratibha Mehta cũng chia sẻ: “Việt Nam cần xử lý xu hướng bất bình đẳng gia tăng trong bối cảnh nước thu nhập trung bình, nhằm thu hẹp khoảng cách về phát triển giữa các nhóm DTTS và mặt bằng chung”.

“Diễn đàn đã đề xuất cơ chế phối hợp, theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu giữa các bộ, ngành và các địa phương. Kết quả từ diễn đàn sẽ giúp các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hành động với mục tiêu phát triển DTTS, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước, trên cơ sở các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển”, Thứ trưởng Sơn Phước Hoan khẳng định.


Bài và ảnh: Trọng Thủy