03:22 10/03/2016

Đầu tư, hỗ trợ các dân tộc ít người - Bài cuối

Bây giờ, dân mình hộ nào còn nghèo đói là do lười làm, ỷ lại mà thôi. Vì Nhà nước đã dựng nhà cho, hộ nào cũng được cấp gạo để bảo vệ rừng. Đất làm nương, làm rẫy còn đầy đó làm sao mà đói được.

HỒI SINH MỘT TỘC NGƯỜI

Chia tay đồng bào Pà Thẻn, chúng tôi trở lại dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi có đông đồng bào A Rem sinh sống. Trước kia, con đường dẫn từ UBND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đến xã Tân Trạch phải vật vã cả nửa ngày trời mới vào được, thì nay đã được trải nhựa. Cuộc sống của bà con nơi đây cũng đang chuyển mình từng ngày ấm no hạnh phúc.

Một góc bản A Rem.

Tiếp chuyện chúng tôi tại trụ sở, ông Đinh Lầu, Chủ tịch UBND xã Tân Trạch, hồ hởi: “Nhờ có chính sách của Đảng và Nhà nước, dựng bản, làm nhà nên từ khi người A Rem trên địa bàn xã chỉ có lèo tèo vài nóc nhà, giờ đã lên được 78 hộ rồi. Các anh thấy đấy, giờ đi lại trong bản đã thấy có đầy quán xá, muốn mua cái gì cũng tiện, không phải như ngày xưa”.

Chúng tôi tới thăm nhà của già làng Đinh Râu. Bên chén nước, trong câu chuyện rôm rả, già Đinh Râu kể cho tôi nghe về nguồn gốc của tộc người A Rem. Từ năm 1956, người A Rem được cán bộ tìm thấy khi sống trong hang đá mãi sâu trong đại ngàn của dãy Trường Sơn và đứng bên bờ vực của sự diệt vong, với số lượng chỉ còn 18 người. Thế nhưng, mãi tới năm 1985, bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình mới phát hiện dấu tích của dân làng và kiên trì vận động về định cư.

Cuộc sống của đồng bào A Rem nay đã đủ đầy. Ảnh: qbtv.vn

Nhưng có lẽ, dấu mốc đánh dấu sự đổi thay trong cuộc sống của người A Rem phải kể đến năm 2003, khi tỉnh Quảng Bình lập dự án tái lập bản A Rem đã chọn ki lô mét 39 trên đường 20 (còn gọi là con đường Quyết thắng dẫn sang nước bạn Lào thời kháng chiến chống Mỹ) để xây cho người Arem 42 căn nhà. Chỉ mới hơn chục năm, nhưng bản A Rem đã đi vào nề nếp và chứng kiến nhiều đổi thay vượt bậc.

Chỉ những ngôi nhà khang trang, già Đinh Râu bảo: “Bây giờ, dân mình hộ nào còn nghèo đói là do lười làm, ỷ lại mà thôi. Vì Nhà nước đã dựng nhà cho, hộ nào cũng được cấp gạo để bảo vệ rừng. Đất làm nương, làm rẫy còn đầy đó làm sao mà đói được. Nhà tôi có hai vợ chồng thôi nhưng có hẳn 15 con bò, trong đó có 8 con bò đực to, ngoài ra còn lợn, gà, cây trong nhà, ngoài vườn thì không kể...

Cùng với việc quan tâm định canh, định cư để phát triển kinh tế, sự học của con em người A Rem cũng được Nhà nước đặc biệt ưu tiên, chú trọng. Ngôi trường với những phòng học được xây dựng khang trang, bàn ghế gọn gàng ngăn nắp, với 80 học sinh đang theo học nằm ngay trung tâm xã thể hiện quyết tâm rất lớn của các cấp chính quyền tỉnh Quảng Bình trong nỗ lực đầu tư chiều sâu để vực dậy tộc người A Rem nơi đây…

Mải miết với những đổi thay của dân bản, chiều xuống rất nhanh, mặt trời đã khuất dần phía sau những dãy núi. Đêm Trường Sơn, bên ánh lửa bập bùng trong gian nhà của trưởng bản, nhấp chén rượu thơm nồng, những câu chuyện về ngày đầu lập bản đầy gian khó đến những đổi thay kỳ diệu trong nhận thức và cuộc sống của đồng bào A Rem cứ tuôn chảy suốt đêm. Chẳng mấy chốc, ánh bình minh đã ló rạng, báo hiệu một ngày mới tươi đẹp như chính tương lai của người dân nơi đây…

Nước ta hiện có 16 dân tộc rất ít người, có dân số dưới 10.000 người. Ủy ban Dân tộc đã và đang xây dựng, đề xuất trình Chính phủ tiếp tục thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc rất ít người giai đoạn 2016 - 2020. Đây sẽ là cơ sở để đồng bào các dân tộc rất ít người phát triển bền vững.


Trọng Thủy - Mạnh Hà