06:01 08/06/2012

Đầu tư công cho tam nông ở Lâm Đồng - Bài cuối: Lời giải cho những vấn đề bức thiết

Để đầu tư công trong tam nông đạt được hiệu quả tương xứng với đồng vốn bỏ ra thì cần có những nhóm giải pháp có tính khả thi cao, đủ mạnh và một sự vào cuộc đồng bộ.

Để đầu tư công trong tam nông đạt được hiệu quả tương xứng với đồng vốn bỏ ra thì cần có những nhóm giải pháp có tính khả thi cao, đủ mạnh và một sự vào cuộc đồng bộ.

Chính sách “động” và sát thực tế


Đây là yếu tố tiên quyết, là cơ sở cho mọi lời giải trọng yếu về những vấn đề bức thiết còn “vướng” trong đầu tư công cho tam nông ở Lâm Đồng hiện nay. Nông thôn, nông nghiệp và nông dân hiện vẫn đang chiếm một tỷ lệ vượt trội về địa bàn tự nhiên, về cơ cấu nền kinh tế, về dân số, lao động... của Lâm Đồng, nên có rất nhiều chương trình, dự án đầu tư thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: giáo dục, y tế, nông nghiệp, an sinh xã hội, hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số… trực tiếp liên quan đến tam nông.

 

Trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại Công ty Dalat G.A.P. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

 

Theo thống kê nhanh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì có khoảng 70 chương trình, dự án của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan đến tam nông. Riêng Lâm Đồng thì hầu hết các chương trình, dự án đều liên quan đến tam nông. Vì vậy, để tháo gỡ những khó khăn nảy sinh do sự khác biệt trong chính sách giữa các chương trình, dự án, các cơ quan xây dựng chính sách cần có một sự thống nhất trong cơ chế thực thi, trong quản lý vốn, thanh quyết toán…, để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai các chương trình, dự án. Hơn thế nữa, sự thống nhất đó không phải là thống nhất cứng nhắc, mà phải là sự thống nhất “động và mở”, để các địa phương được “linh động” cho phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng địa phương.


Tại sao có những chương trình, dự án khi triển khai lại khó thực hiện, thậm chí thiếu tính khả thi hoặc bị phá sản? Thực tiễn cho thấy phần lớn những chương trình, dự án đó chưa sát thực tế. Chẳng hạn như việc đầu tư các mô hình máy sấy chè búp cho hộ gia đình, việc quy định cây trồng, vật nuôi trong các chương trình hỗ trợ vốn cho nông dân, việc đầu tư xây dựng mô hình mẫu nhà kính làm nông nghiệp công nghệ cao ở một số nơi… Chương trình, dự án với các chính sách đi kèm cần phải xuất phát từ thực tế và đúc rút từ thực tiễn, hướng vào nhu cầu thực tế của tam nông. Ở Lâm Đồng, đầu tư công cho nghiên cứu phục vụ tam nông khá nhiều, nhưng tính ứng dụng cũng như hiệu quả thực tế của những đề tài “ăn nguồn ngân sách” này lại không tương xứng; có những đề tài, sản phẩm sáng tạo sau khi được nghiệm thu đã không triển khai được, hoặc hiệu quả ứng dụng thấp; ngược lại, nhiều sáng kiến của các nông dân (nhiều người học chưa hết trung học cơ sở) như các loại máy làm đất, máy gieo hạt phục vụ trồng rau chuyên canh của nông dân Nguyễn Hồng Chương ở Đơn Dương (Lâm Đồng), máy tuốt ngô của ông K’Să Ha Tang ở Lạc Dương (Lâm Đồng)... lại được ứng dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Từ đây cho thấy các chính sách cần phải “động”, sát thực tế không chỉ khi xây dựng, mà còn cần phải cập nhật, điều chỉnh kịp thời qua những phản hồi từ thực tiễn trong quá trình triển khai.


Nghị định 61/2010/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là một quyết sách cần thiết, thế nhưng nghị định này gần như chưa thực thi được trên thực tế, vì vướng quy định kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp do ngân sách địa phương cân đối, trong khi đó Lâm Đồng (cũng như nhiều địa phương có tỷ trọng nông nghiệp nông thôn lớn) thì thu vẫn chưa đủ chi. Một trong những điểm yếu nhất của chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay là huy động được rất ít các doanh nghiệp cùng tham gia. Do vậy các cơ quan xây dựng chính sách cần có những ưu đãi cụ thể, phù hợp và có tính khả thi hơn mới có thể thu hút các nguồn lực ngoài Nhà nước hỗ trợ cho đầu tư vào tam nông.

 

Đầu tư đúng đối tượng và nâng cao năng lực chủ thể


Đầu tư cái gì và đầu tư như thế nào cho hiệu quả? Đó là câu hỏi lớn cần lời giải đúng. Trong cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ 3, nhiều cử tri ở huyện Cát Tiên đã có kiến nghị “để cho nông dân được quyền quyết định nuôi con gì, trồng cây gì khi nhận vốn hỗ trợ nông dân”, vì theo nhiều nông dân thì việc hỗ trợ vốn đi liền với việc chỉ định buộc phải đầu tư cây trồng, vật nuôi là không khả thi, kém hiệu quả. Chỉ có người nông dân làm trực tiếp trên mảnh đất của mình, mới biết chọn cây trồng vật nuôi nào hiệu quả nhất, khi sử dụng đồng vốn này. Thực tiễn cũng đã chứng minh: những công trình, dự án, đề tài khoa học nào... đáp ứng được nhu cầu thực tế của tam nông, thì mới triển khai được và đạt hiệu quả như mong muốn. Thành công trong việc để người dân được toàn quyền bàn bạc, lựa chọn hạng mục đầu tư trong Chương trình 135 cần được phát huy trong tất cả các nguồn đầu tư công khác cho tam nông.


Cần chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, phân bổ vốn kéo dài nhiều năm, cấp vốn nhỏ giọt và không kịp thời là yêu cầu bức thiết hiện nay trong đầu tư công cho tam nông. Bởi đây là những yếu tố làm tăng chi phí đầu tư, nhưng lại giảm chất lượng công trình, gây khó khăn trong sinh hoạt và sản xuất của người dân..., như đường giao thông nông thôn làm dở dang kéo dài, đầu tư nền đường nhưng lại không đầu tư mương thoát nước… sẽ bị hư hại do thời tiết, lưu thông của người dân gặp khó khăn hơn... Vì vậy, đầu tư công cho tam nông phải tập trung trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ và không kéo dài quá mức cần thiết.


Tam nông đang được đầu tư công rất cao, thế nhưng năng lực đội ngũ thực thi lại không theo kịp yêu cầu. Vì vậy đi đôi với sự phân cấp quản lý nguồn đầu tư là việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ cơ sở bằng việc cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm liên quan gắn với trực tiếp hướng dẫn khi có vướng mắc. Tháo được nút thắt này thì đầu tư công sẽ tăng nhanh về tiến độ, cũng như nâng cao được chất lượng và hiệu quả.


Cùng với những nhóm giải pháp chính trên, một giải pháp mang tính “nền tảng” là phải làm cho nông dân thấy được vai trò chủ thể và cũng là người trực tiếp thụ hưởng trong mọi chương trình, dự án... Đó không chỉ đơn thuần là việc tuyên truyền, mà quan trọng hơn là có cơ chế cho người nông dân được trực tiếp tham gia vào đầu tư công thông qua các hoạt động như đóng góp tài lực, được bàn bạc, được tham gia giám sát… để nông dân thấy tài sản đó “có phần của mình” chứ không phải “của chùa” rồi bỏ mặc “cha chung không ai khóc”. Sử dụng vốn, xây dựng, quản lý, khai thác… nguồn vốn công cho tam nông chỉ thực sự có hiệu quả, bền vững khi có sự tham gia của nông dân. Đồng thời sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và có trách nhiệm của các ban, ngành là hết sức cần thiết để tránh sự chồng chéo, lãng phí… trong đầu tư.


Ngoài ra, việc chú trọng công tác quản lý và khai thác sau đầu tư, quan tâm những đặc trưng của đối tượng thụ hưởng (nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số), những yếu tố khách quan tác động mạnh đến tam nông… cũng hết sức cần thiết.


Phan Văn Đông