09:21 09/09/2012

Đấu thầu điện tử góp phần chống tham nhũng

Quy trình đấu thầu điện tử được tiến hành tự động hóa, nên hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa bên mời thầu và nhà thầu, qua đó góp phần phòng, chống tham nhũng... Liên quan đến vấn đề này, Tin Tức có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT).

Quy trình đấu thầu điện tử được tiến hành tự động hóa, nên hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa bên mời thầu và nhà thầu, qua đó góp phần phòng, chống tham nhũng... Liên quan đến vấn đề này, Tin Tức có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Tăng (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT).

 

´Xin ông phân tích cụ thể hơn tác dụng phòng, chống tham nhũng của hình thức đấu thầu điện tử?


Sau giai đoạn thí điểm từ năm 2009 - 2011, đã cơ bản thành công, hiện Hệ thống đấu thầu điện tử (ĐTĐT) quốc gia tại địa chỉ http://muasamcong.mpi.gov.vn, đã trở thành kênh cung cấp thông tin đấu thầu rộng rãi trên phạm vi cả nước.


Sáu tháng đầu năm 2012, đã có 94 gói thầu triển khai qua Hệ thống ĐTĐT so với 55 gói trong giai đoạn 2009 - 2011. Hệ thống ĐTĐT đã đăng tải 30.000 thông báo mời thầu, hơn 1.000 kế hoạch đấu thầu. Đã có trên 3.500 bên mời thầu, hơn 1.000 nhà thầu đăng ký sử dụng Hệ thống ĐTĐT quốc gia.


Sử dụng Hệ thống này, các nhà thầu có cơ hội truy cập, tìm kiếm thông tin mời thầu trên mạng bình đẳng như nhau. Do đó, ĐTĐT giảm thiểu tình trạng sai lệch về thông tin đấu thầu, góp phần thúc đẩy cạnh tranh trong hoạt động đấu thầu. Các quy trình ĐTĐT của Hệ thống ĐTĐT quốc gia được tự động hóa, nên cả bên mời thầu và nhà thầu không thể làm chệch các quy trình này như hình thức đấu thầu truyền thống.


Đặc biệt, do các quy trình được tự động hóa qua mạng, nên hạn chế sự tiếp xúc, trao đổi trực tiếp giữa bên mời thầu và nhà thầu, qua đó góp phần phòng, chống tham nhũng.

 

´Do có tác dụng góp phần phòng, chống tham nhũng như vậy, nên đang xuất hiện tâm lý không muốn đẩy nhanh ĐTĐT ở một bộ phận cán bộ, cơ quan. Ông có đánh giá gì về nhận định này?


Khó khăn lớn nhất hiện nay trong quá trình triển khai ĐTĐT đến từ nhận thức chưa thông suốt của một số bộ, ngành, chủ đầu tư. Lý do là bởi ĐTĐT ảnh hưởng tới quyền quyết định, quyền lợi cục bộ của một số cá nhân. Do đó, có một số người không nhiệt tình tham gia, hoặc viện nhiều lý do khó khăn, để tìm cách thoái thác việc triển khai ĐTĐT. Một số chủ đầu tư ngần ngại thực hiện ĐTĐT, bởi mất đi những lợi ích nhất định.


Thực tế này cho thấy, để mở rộng ĐTĐT trong những năm tới, đòi hỏi cán bộ, công chức phải thay đổi tư duy, lề lối làm việc. Từ các bộ, ngành đến địa phương, đặc biệt là các chủ đầu tư cần nhận thức sâu sắc lợi ích cho quốc gia khi áp dụng ĐTĐT.

 

´Thưa ông, với trách nhiệm là cơ quan xây dựng, vận hành và quản lý nhà nước đối với Hệ thống ĐTĐT, Bộ KH&ĐT đang triển khai các giải pháp nào, để khắc phục những cản trở trên?


Để vượt qua khó khăn trong triển khai ĐTĐT, Cục Quản lý đấu thầu đang và sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho các chủ đầu tư, nhà thầu và xã hội về lợi ích khi triển khai ĐTĐT. Qua đó, thúc đẩy họ tích cực hơn trong áp dụng hình thức đấu thầu này. Cục Quản lý đấu thầu sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tổ chức các lớp đào tạo về ĐTĐT, nhằm thuyết phục các đơn vị liên quan tích cực triển khai ĐTĐT. 


Nhằm tạo thuận lợi hơn cho chủ đầu tư, nhà thầu khi áp dụng ĐTĐT, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một loạt giải pháp quan trọng. Theo đó, giao Bộ phối hợp với các bộ, địa phương đăng tải thông tin đấu thầu tất cả các gói thầu lên Hệ thống ĐTĐT quốc gia. Công nhận giá trị pháp lý của các tài liệu điện tử, chữ ký số, kết quả đấu thầu được đăng tải trên Hệ thống ĐTĐT quốc gia, để làm căn cứ pháp lý cho ký kết hợp đồng, thanh toán, kiểm tra... Bộ KH&ĐT sẽ kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông hình thành cơ chế kết nối kho dữ liệu của các cơ quan quản lý, nhằm tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp khi tham gia ĐTĐT...


Ngoài ra, để khắc phục một số bất cập đang bộc lộ của hình thức ĐTĐT, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ KH&ĐT đã bổ sung một số giải pháp. Theo đó, các văn bản điện tử giao dịch qua Hệ thống ĐTĐT quốc gia, phải có chữ ký số của người đại diện hợp pháp, được coi là văn bản gốc và có giá trị pháp lý như văn bản giấy, để phục vụ công tác thanh toán, thanh tra, kiểm toán... Dự thảo Luật còn bổ sung các quy định nhằm đảm bảo minh bạch, bảo mật thông tin cho Hệ thống ĐTĐT quốc gia... Theo kếhoạch, dự thảo Luật này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp cuối năm nay và thông qua tại kỳ họp đầu năm 2013.



Mai Chi (thực hiện)