12:18 07/12/2014

Đâu rồi tỏ tình bằng đàn Ra

Trước thực trạng nhiều loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc H’rê đang dần bị lãng quên, Phòng Văn hóa và thông tin huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã triển khai nhiều biện pháp để bảo tồn các nhạc cụ của người H’rê.

Trước thực trạng nhiều loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc H’rê đang dần bị lãng quên, Phòng Văn hóa và thông tin huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã triển khai nhiều biện pháp để bảo tồn các nhạc cụ của người H’rê.

Vợ chồng ông Phạm Văn Nguyên và Phạm Thị Bốc đã từng nên duyên nhờ cây đàn Ra ngói.


Kho tàng nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc H’rê ở huyện Ba Tơ rất phong phú, gồm: Chiêng, đàn Brook, sáo Tà vố, Ta lía, đàn Ra ngói... Mỗi nhạc cụ có ý nghĩa khác nhau, trong đó nổi bật là cây đàn Ra ngói.

 Đàn Ra ngói của đồng bào dân tộc H’rê giống như đàn môi của người Kinh. Đàn được làm bằng thanh gỗ, ở giữa có thanh thép dẹt, kích thước như chiếc ghim đan lưới của ngư dân vùng biển. Khi chơi nhạc cụ này, người sử dụng đưa lên môi, một tay giữ, một tay gảy thanh thép, kết hợp với đầu lưỡi và đôi môi, tạo nên một thứ âm thanh diệu kì. Thanh niên nam, nữ dân tộc H’rê ngày xưa đến tuổi trưởng thành đều biết sử dụng đàn Ra ngói. Đàn Ra ngói với thanh niên nam, nữ dân tộc H’rê ngày xưa rất quan trọng, bởi đây là cây đàn mà họ dùng để tỏ tình với nhau.

Nghệ nhân đang chế tác đàn Ra ngói.


Vợ chồng ông Phạm Văn Nguyên và bà Phạm Thị Bốc ở xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, là một trong số ít người ở cộng đồng dân tộc H’rê còn gắn bó với chiếc đàn Ra ngói. Ông Nguyên cho biết, cũng nhờ chiếc đàn Ra ngói mà ông bà đã nên duyên vợ chồng gần 60 năm qua. “Khi trai gái H’rê thương nhau thì lấy đàn Ra ngói đánh, đàn ông thổi trước, đàn bà thổi sau, hai bên giáp với nhau, từ đó mà hiểu nhau và đến với nhau”, ông Nguyên kể.

Theo ông Nguyên, biết sử dụng đàn Ra ngói đã là việc khó, nhưng để làm được chiếc đàn Ra ngói còn khó hơn. Ông Nguyên cũng đã mất rất nhiều thời gian mới làm được một cây đàn Ra ngói đúng nghĩa. Điều mà ông Nguyên lo lắng là lớp trẻ ở cộng đồng dân tộc H’rê ngày nay chưa ý thức được giá trị của chiếc đàn Ra ngói. Ông Nguyên buồn rầu chia sẻ: "Bây giờ lớp trẻ không theo cái nhạc này. Đến mấy đứa cháu nội ngoại của mình, mình chỉ cho nó cách thổi Ra ngói, mà nó không muốn học. Trai gái yêu nhau cũng không cần đến Ra ngói nữa”.

 Anh Phạm Văn Sa, cán bộ Phòng Văn hóa và thông tin huyện Ba Tơ cho biết: Các cán bộ của phòng đang tìm và thống kê những người biết làm, sử dụng những loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào H’rê. Với đàn Ra ngói thì hiện chỉ còn khoảng vài chục người già biết sử dụng, còn người biết chế tạo rất ít. Thời gian tới Phòng Văn hóa và thông tin huyện Ba Tơ sẽ cố gắng mở các lớp dạy cách chơi các loại nhạc cụ truyền thống của người H’rê cho thanh, thiếu niên H’rê, nhằm góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc H’rê.


Tin, ảnh: Đinh Thị Hương