02:00 03/02/2012

Đầu năm xin chữ tại “Phố ông đồ”

Trong không khí vui tươi, tràn đầy niềm tin của những ngày đầu xuân, rất đông các bạn trẻ, học sinh, sinh viên tìm đến phố ông đồ để xin chữ, hoặc đơn giản là để thư giãn, hòa mình vào không gian rất thanh cao đậm nét văn hóa Việt.

“Hôm nay đi chợ Tết/Bỗng gặp lại ông đồ. Bao lâu rồi vắng bóng/ Tưởng chỉ còn trong thơ/ Vẫn mực tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua/ Ngọn bút vờn trên giấy/Thư pháp quá tài hoa”. Đây là một đoạn thơ được cải biên theo bài thơ nổi tiếng “Ông đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên. Một điều đáng mừng là tại phố ông đồ Văn Miếu (Hà Nội), không chỉ có những ông đồ già râu tóc bạc phơ mà còn xuất hiện những ông đồ trẻ trạc 20-30 tuổi.

“Phố ông đồ” là tên gọi thân quen mà người dân Hà Nội dành cho phố Văn Miếu mỗi dịp Tết đến. Năm nay, phố bắt đầu vào ngày 13/1 (tức 20 tháng Chạp) đến rằm tháng Giêng với sự góp mặt của trên 50 ông đồ đến từ các câu lạc bộ thư pháp cả nước. Khoảng năm 2000, một vài ông đồ rủ nhau ra phố Văn Miếu để khai bút, giao lưu thư pháp cũng từ đó, vỉa hè phố Văn Miếu trở thành điểm hẹn thân quen của những “người muôn năm cũ” cùng nhau bày nghiên, pha mực và sáng tạo những đường nét thư pháp mừng năm mới.

Viết chữ trên chất liệu gỗ.

Ngày 9 Tết Nhâm Thìn năm nay, có mặt tại phố ông đồ để cảm nhận không khí đậm chất dân tộc ngay bên cạnh một di tích lịch sử văn hóa số một của Thủ đô. Số lượng các ông đồ không còn đông như những ngày Tết nhưng lượng người đến xem và xin chữ vẫn khá đông. Bên cạnh những ông đồ già râu tóc bạc phơ, năm nay xuất hiện thêm các “ông đồ” tóc còn xanh. Nhiều người trong số đó đang là sinh viên các trường đại học liên quan đến hội họa như Mỹ thuật, Mỹ thuật Công nghiệp, Kiến trúc… nhưng vì niềm đam mê với thư pháp, họ cũng tới “phố ông đồ” để viết chữ góp vui. Họ cho đây là một dịp tốt để được giao lưu với các bậc “tiền bối” và thỏa mãn đam mê “múa bút” của chính mình, bên cạnh việc kiếm thêm thu nhập cho bản thân.

Bày biện giấy, bút và nghiên mực tại phố Văn Miếu cả chục ngày trước Tết, Phạm Hà Linh, chàng trai quê Hà Giang chấp nhận không về quê ăn Tết vì niềm đam mê viết chữ. Tuy dáng vẻ còn rất trẻ nhưng Đông Phong (bút danh của Linh) đã hai năm không về quê ăn Tết với gia đình. Năm nay, Đông Phong tiếp tục ở lại phố ông đồ xuyên Tết đến rằm tháng Giêng. Bạn chia sẻ: “Tết năm sau tôi sẽ về quê làm việc và không có cơ hội “múa bút” tại Văn Miếu nữa. Do vậy mà Tết năm nay, tôi tranh thủ cùng nhóm bạn của mình ở lại Hà Nội”.

Hà Linh là sinh viên năm cuối trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật TW. Gian hàng của Linh thu hút khá đông các bạn trẻ do việc xin chữ ở đây có giá khá “mềm” so với việc xin chữ của các ông đồ già. Cụ thể, chỉ khoảng 100.000-150.000 đồng cho một chữ viết trên giấy và 200.000 đồng cho chữ viết trên gỗ. Những câu thơ tình yêu viết dưới dạng thư pháp bằng chữ quốc ngữ được viết trên móc chìa khóa là mặt hàng được nhiều bạn trẻ chọn lựa.

Khách vây quanh gian hàng của ông đồ Hoa Nghiêm.

Nhiều “ông đồ” trẻ đã tự tìm tòi, sáng tạo ra những phong cách thư pháp mới và những vần thơ chúc năm mới ý nghĩa. Bạn Nguyễn Minh Tuấn, sinh viên trường ĐH Mỹ thuật chia sẻ: “Tôi học chuyên ngành hội họa nhưng lại có niềm đam mê với thư pháp. Tôi đã tự tìm tòi và học hỏi từ thầy Cung Khắc Lược”. Tuấn đã kết hợp thư pháp với thư họa, đó là những bức tranh thủy mặc hữu tình được tạo ra từ những nét vẽ đầy chất phóng khoáng. “Nhiều người trung tuổi thích viết chữ lên trên giấy có thư họa”, Tuấn chia sẻ.

Nghệ thuật thư pháp thường gắn với sự kiên nhẫn, nuôi dưỡng tâm hồn thanh cao, trong sạch. Khi viết chữ phải dùng ý chí đặt vào đầu ngòi bút. Học viết thư pháp là một sự khổ luyện lớn, phải học từ cách cầm bút đến đưa bút. Dây thần kinh tim và óc người gắn với 2 đầu ngón tay cái và trỏ. Do đó, khi viết bằng bút lông, hoặc vuốt ve ngòi bút khi chấm mực tức là đang viết bằng tim óc. Cái tâm phải tĩnh mới thổi được hồn cốt vào mỗi nét chữ. Nghề chơi lắm công phu nên lẽ thường người trẻ tuổi sẽ "e ngại". Ngắm đã là điều không đơn giản, huống chi là "nhập môn".

Một tác phẩm của ông đồ Hoa Nghiêm.

Đến với phố ông đồ năm nay, nhiều du khách bị cuốn hút bởi gian hàng của một ông đồ đến từ phương Nam xa xôi. Đó là Hoa Nghiêm, “ông đồ" 27 tuổi, hiện là chủ nhiệm CLB Thư pháp (Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM). Hoa Nghiêm mới đến Hà Nội từ ngày 8 Tết, và đây là lần thứ ba anh ra Thủ đô, mang theo phong cách viết thư pháp của phương Nam. Anh cho hay: "Người ta học thư pháp vì nhiều lí do: Có người vì đam mê, có người muốn tìm đến sự thanh thản giữa cuộc sống bận rộn. Theo tôi, thư pháp thực sự là một kho tàng văn hóa quý cần được giới trẻ giữ gìn và phát huy”. Anh chọn thư pháp làm nghề nghiệp chính của mình bởi theo anh, ngày nay, cho chữ không còn là phong tục chỉ xuất hiện vào mỗi dịp Tết mà nhiều ngôi nhà mới xây, nhiều chỗ làm ăn, kinh doanh cũng thường "thỉnh chữ".

Nhận xét về sự khác biệt trong lối viết thư pháp của hai miền đất nước, Hoa Nghiêm cho rằng: “Người miền Nam ưa thích thư pháp Việt, trong khi người Bắc lại trọng chữ Hán. Thư pháp Việt trong Nam cũng khác ngoài Bắc, con chữ tròn trịa, đầy đặn so với lối viết trúc trắc, mạnh bạo ở ngoài Bắc”. Có lẽ bởi lí do ấy mà gian hàng của anh Nghiêm được rất nhiều người quan tâm. Nhiều người còn ngồi cả tiếng để xem “ông đồ” trẻ viết và hỏi han về văn hóa thư pháp trong TP.HCM.

Anh Nguyễn Xuân Tân, quê Đồng Nai, người theo chân, phụ giúp ông đồ Hoa Nghiêm mấy năm nay cho rằng: Muốn học và viết được thư pháp phải có duyên. Mình đã theo anh Nghiêm rất lâu nhưng vẫn chưa tự tin khi cầm bút. Anh Tân cũng nói thêm: “Nếu thời tiết tốt, sau khi rời Thủ đô Hà Nội chúng tôi sẽ mang nghệ thuật thư pháp phương Nam đến chùa Bái Đính, Ninh Bình”.

Trong không khí vui tươi, tràn đầy niềm tin của những ngày đầu xuân, rất đông các bạn trẻ, học sinh, sinh viên tìm đến phố ông đồ để xin chữ, hoặc đơn giản là để thư giãn, hòa mình vào không gian rất thanh cao đậm nét văn hóa Việt. Chị Nguyễn Thùy Linh, sinh viên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội vui vẻ chia sẻ: “Em đã xin được cho mình chữ Minh với hi vọng một năm đạt nhiều thành tích cao trong học tập, luôn minh mẫn, hanh thông”.

Nam Hoàng