02:09 10/02/2017

Đầu năm 'khai biển' bội thu

Mặt trời vừa ló, tại cảng Lạch Quèn của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), tiếng cười nói rôm rả, các bà, các chị háo hức chờ đón chồng con trở về bờ và bán cá. Các tàu lưới vây xuất hành chuyến đầu năm nối đuôi nhau vào cảng, lá cờ Tổ quốc giương cao báo hiệu tin mừng trúng cá.

Tín hiệu vui của nghề cá

Ngày 31/1 (mồng 4 Tết) là ngày tốt để “khai biển” nên các tàu lưới vây ở xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) đã ra khơi, cầu mong một năm đánh bắt may mắn. Gần một tuần bám biển, các tàu lưới vây này đã về bờ, cá mực đầy khoang, là tín hiệu vui mừng của nghề cá. 

Tàu cá xã Quỳnh Long về bờ đã có thương lái thu mua ngay tại cảng.


Tàu trưởng Trần Văn Thành ở xóm Phú Liên, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) vừa chỉ huy các thuyền viên bốc cá chuyển lên bờ bán cho các thương lái vừa hồ hởi nói: “Mồng 4 Tết đang vui xuân, nhưng là ngày tốt, không có gió bão nên tôi động viên các thuyền viên “xông” biển để lấy may. Ra khơi, gặp cá, 5 ngày đánh lưới được khoảng gần 15 tấn cá, tôi nhanh cho tàu vào bờ bán cho được giá”. 

Anh Thành tính nhẩm chuyến này bán hết cá cũng được hơn 500 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 100 triệu đồng và phần tàu, số tiền còn lại chia đều cho 19 thuyền viên, mỗi người được 15 triệu đồng. Theo anh Thành, dân biển phải phụ thuộc vào biển, dù có lúc được lúc thua nhưng đến ngày là phải ra khơi. Chuyến lưới này tàu gặp cá, thả lưới suôn sẻ, không xảy ra sự cố nên các thuyền viên rất phấn khởi. 

Ngư dân Quỳnh Long hy vọng vào nghề biển có một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn thắng lợi và bình an.

Một phụ nữ vừa đón cá vừa phấn khởi khoe: “Nhà báo ơi, rằm tháng Giêng này chúng tôi có tiền mua sắm, làm cỗ đầy mâm”. Cậu đầu bếp đang loay hoay sau đuôi tàu để luộc mực tươi ăn, cũng ngó đầu ra cười. Tàu anh Thành đi biển hiệu quả nhất nhì xã Quỳnh Long, năm 2016 đạt 150 triệu đồng trên một thuyền viên. Thuyền viên Bùi Văn Lương chia sẻ: “Chúng tôi đi trên tàu thu nhập cao nên đang vui xuân, nghe tàu trưởng gọi đi chuyến đầu năm lấy may mắn thì ai cũng hào hứng. Lưới được tôi rất vui”.


Tàu anh Trần Năm ở xóm Cọng Hòa, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) đi chuyến xuất hành đầu năm, lúc bán cá thu được gần 500 triệu đồng. Mỗi thuyền viên được chia khoảng 15 triệu đồng. Anh Năm cho hay: “Tôi sắm tàu đầu năm 2016, tổng chi phí hơn 6 tỷ đồng. Chuyến mở hàng đầu năm được cá, thuyền viên thu nhập cao là điềm may mắn cho cả năm làm ăn. Dân biển sẽ ấm no”.


Theo UBND xã Quỳnh Long, ngày mồng 4 Tết, một số phương tiện ở xã đã tích cực ra quân bám biển sản xuất. Gần một tuần khai thác, đã mang về lượng lớn cá mực đầu năm. Trung bình mỗi tàu đạt sản lượng 8 đến 10 tấn hải sản, trị giá trên 300 triệu đồng, đặc biệt có tàu thu nhập 600 triệu đồng. Chuyến “khai biển” của các tàu lưới vây năm nay đạt hiệu quả kinh tế cao rất nhiều so với các năm trước. Ngư dân Quỳnh Long hy vọng vào nghề biển một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn thắng lợi và bình an.


Sắm tàu lớn để vươn khơi


Xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) nổi tiếng về nghề đi lưới vây. Theo Hiệp hội nghề cá xã Quỳnh Long, hiện toàn xã có 170 phương tiện tàu thuyền, trong đó 90 tàu lưới vây có công suất trên 600 mã lực. Nghề đi biển chiếm 67% tổng thu nhập của toàn xã, thu nhập lao động nghề cá bình quân đạt 8 triệu đồng/lao động/tháng.


Nghề tàu vây cũng tạo việc làm vá lưới cho hàng nghìn lao động phụ, mỗi tháng thu nhập gần 2 triệu đồng... Cuộc sống của người dân ngày một khấm khá hơn. Những năm gần đây, ngư dân đã chủ động đầu tư, mua sắm, cải tiến phương tiện khai thác theo hướng hiện đại, khai thác ngư trường xa bờ. Năm 2016, cả xã đã mua, đóng mới và chuyển đổi 22 phương tiện nghề vây khơi, trong đó 8 chiếc tàu đóng theo nguồn vốn từ chương trình Nghị định 67 của Chính phủ.  

Theo UBND xã Quỳnh Long, kế hoạch năm 2017, xã sẽ phấn đấu có trên 5 phương tiện tàu lưới vây công suất lớn đóng mới; chuyển đổi các phương tiện có công suất nhỏ, thu nhập kém và mua sắm trang thiết bị hiện đại để vươn khơi, khai thác hải sản xa bờ.


Ông Trần Văn Nguyện, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long cho biết: “Những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng hạ tầng nghề cá và phát triển khai thác hải sản. Tận dụng cơ hội thuận lợi, ngư dân xã Quỳnh Long đã chủ động chuyển đổi cơ cấu nghề cá, phát triển nhanh phương tiện tàu thuyền có công suất lớn. Trang thiết bị, ngư lưới cụ được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu khai thác xa bờ dài ngày. Lực lượng phục vụ cho khai thác và bao tiêu sản phẩm sau khai thác hoạt động có hiệu quả, giá trị sản phẩm sau khai thác tăng cao”.


Theo báo cáo của UBND xã Quỳnh Long, sản lượng hải sản năm 2016 đạt 31.190 tấn, tăng 12% so với năm 2015. Lao động nghề cá năm vừa qua ổn định, tổng có 1.800 lao động bám biển thường xuyên. Chính quyền xã đã phối hợp Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện, Chi cục Khai thác thủy sản mở các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và nâng cao kĩ thuật về khai thác, chế biến hải sản cho các thuyền viên.


Anh Hồ Văn Hùng ở xóm Phú Liên, xã Quỳnh Long vừa bán tàu công suất nhỏ để đóng tàu lưới vây mới, trị giá gần 7 tỷ đồng. Anh Hùng chia sẻ: “Nghề biển hiện nay phải đánh bắt tại ngư trường khơi xa, vỏ tàu và máy công suất phải lớn, thiết bị định vị, máy dò cá, lưới cụ phải hiện đại mới bám trụ, đánh bắt được cá. Ăn rằm tháng Giêng xong, tôi sẽ cho tàu mới xuất hành chuyến đầu tiên, mong sao gặp may mắn để các thuyền viên có thu nhập”.


“Xưa kia dân biển Quỳnh Long nghèo đói, con em phải đi xa quê hương để làm ăn, nhiều tàu cá gác bờ vì không có thuyền viên. Hiện nay, đời sống của ngư dân đất biển Quỳnh Long ngày một ấm no nhờ nghề này. Lao động đi làm ăn xa quê đã quay về, đầu tư mua sắm tàu cá để phát triển nghề biển”, ông Trần Văn Nguyện khẳng định.


Đứng trên bờ đê biển và lắng tiếng sóng vỗ rì rào, tôi nghe đâu đó loa phát thanh vọng lại bài hát: “Ai đi muôn nơi muôn nơi, xin dừng chân quê tôi đất biển, Quỳnh Long quê hương tôi đó, vẫn sáng tươi sắc nắng cuộc đời...”.

Bài và ảnh: Việt Hoàng