01:15 26/01/2020

Đầu năm Canh Tý 'xông đất' chợ chuột đồng lớn nhất miền Tây

Chợ chuột đồng Phù Dật - cái tên dân dã, mang đậm dáng dấp miền Tây, nơi người dân chuyên nghề săn bắt, buôn bán chuột đồng thuộc ấp Bình Chiến, xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang; gọi là chợ chuột đồng vì chợ chỉ mua bán một mặt hàng duy nhất là chuột đồng và hoạt động suốt tất cả các ngày trong năm.

Độc đáo chợ chuột đồng Phù Dật

Chú thích ảnh
Các chủ sạp và nhân công đang tất bật làm thịt chuột để kịp giao cho khách. 

Men theo con đường xanh mát chạy dọc bờ kênh Phù Dật, cách Quốc lộ 91 (Long Xuyên - Châu Đốc) khoảng 500m, chúng tôi đến chợ chuột đồng Phù Dật - nơi được xem là chợ chuột đồng lớn nhất miền Tây. Mới ngày mùng hai Tết nhưng đã thấy rất nhiều chiếc lồng chứa chuột đồng được bày biện ở hầu hết các sạp; xem lẫn trong tiếng chuột kêu lít chít, tiếng người gọi nhau inh ỏi làm thịt chuột để kịp chuyến giao hàng cho khách nơi xa.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng (53 tuổi) - chủ một vựa chuột lớn ở chợ chuột đồng Phù Dật cho biết, trong một năm chợ chuột chỉ nghỉ 2 ngày, là ngày 30 và mùng 1 Tết. Nhưng năm nay chuột hút hàng, khách đặt quá nhiều nên vựa chuột của ông Tùng và một số vựa khác vẫn làm đến chiều 30, nghỉ ngày mùng 1, rồi qua ngày mùng 2 Tết bắt đầu làm lại.

Ông Tùng cho biết, nghề săn bắt, buôn bán chuột đồng ở Phù Dật hiện nay đã truyền đến đời con, đời cháu, nhưng không biết chính xác có từ bao giờ. Chỉ nhớ, chợ chuột đồng Phù Đạt đã có từ rất lâu và khoảng năm 1995 đến năm 2000 được xem là giai đoạn “hưng thịnh”, khi đó, khắp xóm, nhà nhà, người người đều đi bắt chuột và bán thịt chuột đồng.

“Hồi đó, người dân ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng lúa, do ruộng lúa thường xuyên bị chuột cắn phá, để bảo vệ mùa màng, hàng ngày bà con phải ra ruộng diệt chuột; chuột bắt được ăn không hết nên mới treo bảng bán, lâu dần ở đây nhà nào cũng treo bảng bán thịt chuột, chợ chuột đồng Phù Dật có lẽ bắt đầu từ đó và cái tên chân quê, mộc mạc “Chợ chuột đồng Phù Dật “ theo đó mà hình thành và được lưu giữ đến bây giờ”, ông Tùng kể.

Chỉ tay vào các lồng đang chứa chuột cống nhum, chuột mỡ, ông Tùng nói: năm nào cũng vậy, trước và trong ba ngày Tết, thịt chuột rất đắt hàng, lớp nào vựa chở đi xa giao cho mối đã đặt trước, lớp nào chừa cho người quen; tuy hút hàng nhưng giá chuột vẫn không tăng. Như chuột cống nhum còn sống giá chỉ từ 70.000-90.000 đồng/kg, chuột mỡ tùy theo con lớn hay nhỏ còn sống bán 50.000 đồng/kg, chuột làm thịt xong bán 80.000 -100.000 đồng/kg.

Đặc sản thịt chuột

Chú thích ảnh
Món thịt chuột đồng nướng tươi ăn kèm rau răm luôn làm hài lòng những thực khách khó tính nhất. 

Gắn bó với nghề buôn bán thịt chuột tại chợ chuột đồng Phù Dật hơn 10 năm nay, vựa thịt chuột của bà Bùi Thị Năm được xem là lớn nhất vùng, kinh doanh chuột với nhiều hình thức, từ cung cấp chuột sống cho bạn hàng đến làm thịt chuột bỏ mối tại các chợ trong và ngoài tỉnh.

Bà Năm cho biết, cả chợ có khoảng 10 hộ làm mở sạp buôn bán chuột, nhưng ở thời điểm vào “vụ” thì không khí ở chợ rất nhộn nhịp. Chợ chuột đồng Phù Dật hoạt động tấp nập nhất vào thời điểm sau Tết và kéo dài đến tháng 6 âm lịch, khi đó chuột nhiều, giá cả phải chăng nên việc buôn bán chuột gặp nhiều thuận lợi; cao điểm, có ngày tiêu thụ 4-5 tấn chuột.

“Thường chuột đồng ở đây ngoài các đầu mối mua của những người đánh bắt khắp các tỉnh miền Tây, còn có một số thương lái mua từ bên kia biên giới Campuchia chở xe máy qua chợ này bán lại kiếm lời. Ở đây, chuột được thu mua với giá dao động 30.000 - 35.000 đồng/kg chuột sống (tùy kích cỡ) và bán ra với giá 70.000 -100.000 đồng đồng/kg sau khi được làm sạch, ướp đá và chở đi bán khắp các chợ đầu mối tại thành phố Long Xuyên, có khi còn giao cho bạn hàng chuyển lên Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương”, bà Nam chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Tài, một nhân công làm thịt chuột thuê ở chợ chuột Phù Dật cho biết, nhìn chuột sống nhiều người cảm thấy “ghê” nhưng chuột ở đây là chuột bắt từ ngoài đồng, chúng sống ngoài tự nhiên, ăn lúa non và các loại cây cỏ nên thịt ngon, thơm như thịt sóc, thịt gà nuôi thả vườn.

“Chuột đồng sau khi được làm sạch chế biến món gì cũng ngon, mùi vị hấp dẫn vô cùng và trở thành món đặc sản dùng để đãi khách quý, khách phương xa của người dân miền Tây hay ở các nhà hàng lớn”, anh Tài khẳng định.

Đây có lẽ là lý do mà nhiều người dân ở An Giang vẫn nói vui, bây giờ thịt heo, gà, cá, tôm được theo kiểu nuôi công nghiệp, thịt không ngon nên miễn, về quê được ăn thịt chuột - “thịt tự nhiên” cho... "đã thèm". Và cứ thế, chợ chuột đồng Phù Dật luôn sôi động quanh năm.

Tin, ảnh: Công Mạo (TTXVN)