11:16 05/11/2014

Dầu mỏ hạ giá: Kẻ cười, người khóc

Giá dầu mỏ hạ liên tục từ ba tháng nay đã ảnh hưởng tai hại đến nhiều nước sản xuất dầu mỏ ở khu vực Trung Đông, nơi từ lâu đã được coi là "rốn dầu" của thế giới.

Giá dầu mỏ hạ liên tục từ ba tháng nay đã ảnh hưởng tai hại đến nhiều nước sản xuất dầu mỏ ở khu vực Trung Đông, nơi từ lâu đã được coi là "rốn dầu" của thế giới, trong khi những nước nhập dầu mỏ ở vùng này, đứng đầu là Ai Cập, lại được lợi từ việc hạ giá này.

Lợi ích mâu thuẫn nhau xuất phát từ việc giá dầu hạ đang có nguy cơ gây ra tình hình căng thẳng mới trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi.


Tờ "Trung Đông" cho rằng do giá dầu giảm liên tục như vậy, một cuộc chiến chính trị sử dụng dầu lửa làm vũ khí đang hình thành một cách tự nhiên. Khu vực Trung Đông và Bắc Phi gồm cả những nước nhập khẩu lẫn những nước xuất khẩu dầu mỏ nên những lợi ích mâu thuẫn nhau xuất phát từ việc giá dầu hạ đang có nguy cơ gây ra tình hình căng thẳng mới trong khu vực này. Theo báo cáo hàng tháng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) được công bố cách đây ít ngày, giá dầu mỏ đã giảm từ 94,17 USD xuống còn 81,16 USD, tức là giảm 13% chỉ trong nửa đầu tháng 10/2014, trước khi tăng nhẹ lên 83,17 USD vào ngày 17/10.

Theo báo cáo trên, thị trường dầu mỏ bị tác động mạnh bởi cung cao hơn cầu, và xu hướng này đã được tăng cường trong mấy tháng qua do suy giảm kinh tế tại khu vực các nước sử dụng đồng euro. Các chuyên gia dầu mỏ cảnh báo rằng sự giảm giá dầu có nguy cơ sẽ vẫn tiếp tục diễn ra vào năm tới. Lý do là đối với các nước thành viên OPEC, nhu cầu nội địa năm 2015 được dự báo sẽ giảm mạnh so với năm 2014, trong khi nhu cầu sử dụng "vàng đen" của các nước tiêu thụ chính cũng tiếp tục đà giảm, nhất là các nước châu Âu (chiếm 14% nhu cầu dầu mỏ thế giới). Do xu hướng nhu cầu giảm như vậy, nên các nước OPEC cũng sẽ hạ sản lượng để giảm bớt tổn thất.

Giá dầu hạ, những nước bị thiệt hại trong khu vực Trung Đông đương nhiên là những nước xuất khẩu dầu. Tuy nhiên, những thiệt hại của mỗi nước cũng khác nhau, tùy theo việc phụ thuộc của nước đó vào thu nhập dầu lửa và sức mạnh của đồng tiền của nước đó so với đồng đôla Mỹ. Các nước vùng Vịnh, nơi có đồng tiền liên quan nhiều đến USD, phải chịu “thiệt hại kép” về thu nhập, vừa do giá dầu giảm bằng đồng nội địa vừa do giá USD tăng. Theo giới tài chính - tiền tệ, việc giá dầu giảm đã kéo đồng USD tăng giá khoảng 3% trong 3 tháng qua. Trong số các nước Arập ở vùng Vịnh, chỉ có Saudi Arabia có thể ứng phó được với việc giảm thu nhập này mà không phải áp dụng biện pháp cắt giảm chi tiêu ngân sách nhờ lượng dự trữ USD của nước này rất lớn.

Tuy nhiên, đối với các nước vùng Vịnh khác, nơi nền kinh tế phụ thuộc chính vào “vàng đen” (Kuwait đứng đầu danh sách do thu nhập dầu lửa chiếm 85% GDP, tiếp đến là Oman (60%), Qatar (50%), Bahrain (43%) và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất-UAE (32%)), tình hình 3 tháng qua không hề sáng sủa. Các nhà phân tích cho rằng các nước này có thể vẫn chịu đựng được sự giảm giá dầu hiện nay, nhưng những ảnh hưởng của nó đến các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế và xã hội sẽ là rất lớn và kéo dài. Việc giảm giá dầu kéo dài sẽ buộc chính phủ các nước này phải giảm bớt chi tiêu, ảnh hưởng đến lĩnh vực tư nhân và làm giảm lợi nhuận của phần lớn các ngân hàng thương mại. Những lợi ích về tài chính dành cho người lao động dưới hình thức tăng lương và trợ cấp xã hội đương nhiên cũng sẽ bị ảnh hưởng, mà hậu quả của việc này thì vô cùng.

Các nước sản xuất dầu mỏ khác trong vùng này, như Iran hay Algeria, cũng bị ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn chính trị, xã hội từ việc giá dầu mỏ giảm trên thị trường thế giới. Nếu những ảnh hưởng tiêu cực này dẫn đến tình trạng rối loạn thì sự bất ổn dễ lây lan này có khả năng sẽ biến thành những cuộc cách mạng. Các nhà phân tích sợ rằng việc giảm giá dầu này sẽ là một vũ khí chính trị nhằm gây mất ổn định tại một số nước.

Những nước nhập khẩu dầu như Ai Cập được lợi từ việc giá dầu mỏ giảm.


Nếu các nước xuất khẩu dầu mỏ bị mất trắng nhiều tỷ USD từ sự giảm giá dầu lần này, thì các nước nhập khẩu dầu lại được lợi, nhất là các nước ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi, như Ai Cập, Tunisia, Maroc, Jordan và Liban, tiếp đến là các nước lớn tiêu thụ dầu trên thế giới như Mỹ, các nước châu Âu và một số nước châu Á. Ai Cập đứng đầu danh sách các nước được lợi nhờ giảm bớt được số tiền nhập khẩu dầu mỏ, tiếp đến là Tunisia. Thế nhưng cái gì cũng có hai mặt, khoản lợi của các nước này có thể sẽ bị hạn chế khi việc giảm giá dầu sẽ kéo theo việc giảm bớt khả năng của các nước vùng Vịnh trong việc giúp đỡ, viện trợ và đầu tư vào các nền kinh tế của các đồng minh trong khu vực, trong đó có Ai Cập, Jordan và Liban.

Được biết vào ngày 22/11 tới, các nước thành viên OPEC - cung cấp cho thế giới hơn 1/3 lượng dầu thô - sẽ nhóm họp để đánh giá những thiệt hại từ việc giảm giá dầu. Nếu quyết định của họ nghiêng về việc giảm sản lượng thì rất có thể các nước Arập sản xuất dầu mỏ ở vùng Vịnh sẽ phá bỏ cam kết và rót tiền tài trợ thường xuyên cho các nước Arập khác vì những lý do chính trị khác nhau. Khi ấy, liệu những khoản lời từ giá dầu giảm của các nước Arập nhập khẩu dầu có đủ để lấp chỗ trống này hay không là một phép tính không hề đơn giản và rất khó đoán trước kết quả.


TTK