01:11 06/01/2011

Đau lòng “bản AIDS”

…“Ệ ơi, lúc ngăm hót ệ. Ái ê du ctơ là” (Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm. Bố mẹ đâu rồi…). Hơn hai tháng nay, Hà Văn Thướng (4 tuổi) vẫn kêu khóc thế, em chưa đủ lớn để nhận ra phận mồ côi của mình, cha mẹ em đã chết vì căn bệnh thế kỷ.

…“Ệ ơi, lúc ngăm hót ệ. Ái ê du ctơ là” (Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm. Bố mẹ đâu rồi…). Hơn hai tháng nay, Hà Văn Thướng (4 tuổi) vẫn kêu khóc thế, em chưa đủ lớn để nhận ra phận mồ côi của mình, cha mẹ em đã chết vì căn bệnh thế kỷ.


Ở bản Pọong có nhiều đứa trẻ phải mồ côi như Thướng, nhiều gia đình đang phải sống lay lắt, nhiều bà vợ chịu cảnh góa bụa chỉ vì ma túy, HIV. Bản Pọong, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, Thanh Hóa nằm ở vùng biên viễn xa xôi, thuộc vào diện nghèo nhất nước đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề của cơn lốc ma túy, HIV/AIDS tàn phá...

Vợ góa, con côi…

Cơn mưa bất chợt ập đến khiến con đường đất từ thị trấn Mường Lát vào bản Pọong nhầy nhụa, trơn trượt. Chiếc xe máy của chúng tôi nhiều lần quay tít, đổ kềnh ra đường.


Đoạn đường chỉ 5 km, nhưng chúng tôi mất hơn một tiếng đồng hồ mới vào đến trung tâm bản. Bản Pọong nằm khép mình dưới chân núi Sài Khao đẹp mê hồn và yên tĩnh đến lạ.


Nhưng sự thiếu vắng các chàng trai trẻ khiến vùng núi này buồn cô quạnh. Ấn tượng nhất khi chúng tôi đến bản Pọong đó là những ngôi nhà trống hoác, xiêu vẹo, những đứa trẻ bẩn thỉu, những cụ già ngồi bên thềm cửa, những cô gái đi gùi củi, ai ai cũng buồn rười rượi, ánh mắt không thể hiện cảm xúc khi gặp người lạ.

Mẹ con chị Hà Thị Cới.

Theo chân Trưởng bản Vi Văn Thuận, chúng tôi đến thăm cháu Hà Thị Thoái (14 tuổi) và Hà Văn Thướng (4 tuổi), hai đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, bố mẹ các em đều chết vì căn bệnh thế kỷ, hai chị em phải tự nuôi nhau.

Trước căn nhà trống hươ, trống hoác, Thướng mình trần, đen nhẻm đang nằm gối đầu vào vách, mắt lim dim. Thấy người lạ, em cũng không buồn động đậy, miệng chỉ khe khẽ rên rỉ: “Ệ ơi, lúc ngăm hót ệ. Ái ê du ctơ là…”, (Mẹ ơi, con nhớ mẹ lắm. Bố mẹ đâu rồi?).

Sau khi anh Thuận hỏi, Thướng chỉ trả lời lí nhí (bằng tiếng Thái), được anh Thuận dịch lại, chúng tôi mới biết Thoái đang lên rừng kiếm củi, còn Thướng từ tối qua đến giờ (2 giờ chiều) vẫn chưa được ăn gì và đang đói lắm. Thấy vậy, anh bạn đồng nghiệp của tôi vội lấy lương khô cho em ăn.

Anh Thuận kể: “Bố mẹ của hai cháu là Hà Văn Thưởng (SN 1976) và Hà Thị Piền (SN 1977), cả 2 người cùng bản, chỉ làm nương rẫy, không có nghề phụ.


Tuy cuộc sống khó khăn, nhưng gia đình họ hạnh phúc lắm. Vậy mà chẳng hiểu sao, cuối năm 2007, Thưởng dính vào nghiện hút. Đến cuối năm 2008, sau trận đau bụng, Thưởng chết với kết quả xét nghiệm nhiễm HIV.


Đến ngày 14/5/2010, Piền chết cũng vì bị lây bệnh HIV từ chồng, để lại Thoái và Thướng bơ vơ. Thấy hoàn cảnh éo le, mọi người đi vận động dân bản quyên góp tiền bạc, thóc gạo để giúp các cháu vượt qua các khó khăn…”.

Ở bản Pọong, chuyện nhà em Thướng chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện thương tâm về hậu quả của ma túy, HIV/AIDS. Bởi ở đây, có gia đình có đến 5 người nghiện ma túy rồi bị “bão AIDS” cuốn đi như gia đình ông Vi Văn Pấng.


Hay gia đình ông Ngân Văn Tuội (66 tuổi), bị mù nhưng cũng vẫn phải nuôi hai đứa cháu nội còn nhỏ vì con trai và con dâu của ông bị “con ết” cướp đi sinh mạng năm 2008. Chị Hà Thị Cới lại đang phải nuôi 4 đứa con nhỏ và mẹ chồng già yếu cũng vì chồng nghiện, nhiễm HIV và chết.

Cách đây hơn chục năm, Cới là cô sơn nữ đẹp nhất nhì bản Pọong này. Cới đã nhận lời lấy Quyết - một chàng trai cùng bản. Đôi vợ chồng son trẻ sớm tối chịu khó làm ăn cũng tạo được một căn nhà nhỏ.


Sau 7 năm chung sống, họ sinh được 4 đứa con gái. Gia đình tuy nghèo, nhưng luôn tràn ngập tiếng cười. Từ ngày Quyết nghiện ma túy, bao nhiêu của nả trong nhà anh mang bán sạch để mua “hàng trắng”, khi trong nhà không còn gì để bán thì anh đổ bệnh AIDS rồi mất.

Hôm chúng tôi đến thăm, chị Cới vừa đi cấy lúa thuê về. Chưa đến ba mươi, nhưng trông chị già hơn tuổi. Cô sơn nữ đẹp nhất bản năm nào, giờ đã là một góa phụ. Từ ngày chồng mất, cuộc sống của gia đình trông cả vào chị Cới.


Chị bảo, nhà có ít ruộng nương, đến vụ mùa, đi làm thuê thì mỗi ngày thu nhập được khoảng 70.000 đồng. Số tiền ít ỏi đó không đủ lo cuộc sống cho 4 đứa con nhỏ và người mẹ chồng già nên 4 đứa con của chị đều nghỉ học.

Nhìn quanh ngôi nhà sàn tuềnh toàng của chị, chỉ còn duy nhất một bao thóc trong khi còn 5 tháng nữa mới đến vụ thu hoạch, không biết mẹ con chị sẽ lấy gì ăn vào những ngày giáp hạt tới?

Thương tâm hơn là trường hợp của chị Hà Thị Hom (SN 1971), do trong quá trình chăm sóc chồng là Hà Văn Pứa, chưa biết cách phòng tránh lây nhiễm, nên hiện giờ chị cũng đang rất lo lắng bởi 3 lần đi xét nghiệm thì 2 lần chị nhận kết quả dương tính với căn bệnh thế kỷ...

Mong ngày bình yên...

Trời ngả bóng xế tà. Cái lạnh miền sơn cước ùa về khiến bản Pọong hoang vắng hơn. Anh Thuận bảo: “Giờ kiếm một trai bản uống rượu còn khó nữa là lên nương rẫy. Chúng đã ra đi vì AIDS hết rồi…”.

Một góc bản Pọong

Bản Pọong có 85 hộ gia đình với 386 nhân khẩu, tất cả đều là người Thái. Bản nằm bên dòng sông Luông hiền hòa từng chứng kiến bao mối tình đẹp của những trai tài, gái sắc nơi đây. Nhân dân trong bản đều lo toan làm ăn dù vẫn còn nghèo khó.


Thế nhưng, từ cuối những năm 2000 đến nay, nhiều câu chuyện đau lòng bắt đầu xảy ra. Vẻ bình yên thuở nào bị khuấy động khi “cơn lốc” ma túy, HIV/AIDS tràn qua. Bên cạnh đó, không ít người còn đi buôn ma túy và rơi vào vòng lao lý. Bản Pọong trở nên xơ xác, tiêu điều, việc đồng áng trễ nải, trong nhà thường xảy ra mâu thuẫn…

Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã tuyên truyền cho dân bản hiểu được tác hại của ma túy, HIV, để người dân có cách phòng tránh.


Các tình nguyện viên là những người nhiễm bệnh cũng đã đi phát bơm kim tiêm, bao cao su cho các đối tượng nghiện ma túy để phòng tránh lây nhiễm. Hai năm trở lại đây, tình trạng buôn bán và nghiện hút ở bản Pọong đã giảm.

Tuy nhiên, theo ông Lương Văn Bường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát: “Tuy số người mắc AIDS ở bản Pọong nói riêng và huyện Mường Lát nói chung có giảm nhưng số người nghiện, chủ yếu là thanh niên lại tăng lên.


Vì có địa hình phức tạp, đường biên giới dài nên hoạt động mua bán ma túy vẫn diễn ra. Mường Lát được xem là nơi trung chuyển "hàng cấm" về xuôi của dân buôn ma túy.


Ma túy được vận chuyển theo hai con đường chính: Từ Lào qua Sơn La xuống Mai Châu, rồi theo đường 6 hoặc từ Lào, hàng được đưa sang Pù Nhi đến Tam Chung (Mường Lát) xuôi sông Mã về Co Lương (xã Vạn Mai)...


Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ áp dụng những biện pháp cứng rắn để truy quét ma túy, cũng như tuyên truyền cho người dân cách phòng chống HIV/AIDS…”.

Chiều xuống muộn. Chúng tôi rời bản Pọong lúc những đụn mây xám xịt bị đẩy lên cao, nhường chỗ cho vài tia nắng hiếm hoi, run rẩy hắt xuống cánh đồng đang kỳ vào vụ cấy.


Xa xa, những đứa trẻ đang nô đùa, những người phụ nữ và người già đang lom khom gùi củi. Không biết bao giờ chuyện buồn ở bản Pọong sẽ chấm dứt, để bình yên lại trở lại với nơi này?

Ngô Linh