06:21 22/06/2015

Đâu là mục tiêu thực sự của AIIB? (Tiếp theo và hết)

Nhiều chuyên gia và nhà hoạch định chính sách nhìn nhận AIIB theo cách được mất ngang nhau: Nếu Trung Quốc thành công, Mỹ và các đồng minh của Mỹ sẽ thất bại.

Nhiều chuyên gia và nhà hoạch định chính sách nhìn nhận AIIB theo cách được mất ngang nhau: Nếu Trung Quốc thành công, Mỹ và các đồng minh của Mỹ sẽ thất bại.

Kiểu cạnh tranh này có hai ý nghĩa đối với AIIB. Thứ nhất, các tổ chức viện trợ phải có trách nhiệm đối với các cổ đông của họ. Nếu AIIB được coi là bị Trung Quốc chi phối quá mức, các thành viên khác sẽ chuyển sự chú ý sang nơi khác, lấy đi của tổ chức này nguồn lực, sự chú ý và nhân viên trình độ cao. Không có kịch bản khả thi nào trong đó AIIB có thể thay thế các tổ chức đang tồn tại như WB và ADB trừ khi tổ chức này phản ánh một cách phù hợp những sự quan tâm và lợi ích của cộng đồng quốc tế rộng hơn.

AIIB sẽ giúp ích cho các dự án cơ sở hạ tầng.


Thứ hai, việc duy trì các tiêu chuẩn quản lý và trách nhiệm trong viện trợ phát triển là vô cùng khó khăn, đặc biệt khi làm việc với những nước đang phát triển tương đối thành công mà có thể lựa chọn từ một loạt nguồn tài chính đa phương, song phương và tư nhân. Vì lý do này, sự ra đời của AIIB như một nguồn vốn bổ sung ở châu Á không thể tạo ra một sự khác biệt đáng kể trong những tiêu chuẩn xã hội và môi trường. Nếu Trung Quốc thực sự tìm cách giảm chất lượng và điều kiện của các cơ quan viện trợ đang tồn tại, nước này có thể làm vậy một cách ranh mãnh hơn thông qua viện trợ song phương và các hoạt động ngoài nước của những công ty thuộc sở hữu nhà nước.

Nhiều chuyên gia và nhà hoạch định chính sách nhìn nhận AIIB theo cách được mất ngang nhau: Nếu Trung Quốc thành công, Mỹ và các đồng minh của Mỹ sẽ thất bại. Nhưng có một vấn đề cơ bản với thế giới quan này: Các thể chế quốc tế không giống trang thiết bị quân sự hay lãnh thổ chiến lược, những thứ khiến một đất nước hùng mạnh hơn hay có khả năng đe dọa hơn.

Tại Đối thoại tài chính cấp cao Đức - Trung Quốc diễn ra ở thủ đô Berlin ngày 17/3, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho biết Berlin quyết định tham gia AIIB. Ảnh: THX/TTXVN


Các thể chế quốc tế đa phương về cơ bản là các thỏa thuận hợp tác, dựa trên tiền đề cùng có lợi. Nhìn chung, các hoạt động của AIIB có khả năng hơn nhiều đem lại lợi ích thay vì phí tổn đối với Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn. Điều rõ ràng nhất trong số này là “hiệu ứng tràn” tích cực của phát triển kinh tế. Cơ sở hạ tầng tốt hơn ở châu Á sẽ đồng nghĩa với nhiều cơ hội hoạt động kinh tế và kinh doanh hơn không chỉ cho các công ty Trung Quốc mà còn cho các công ty Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Chắc chắn, một số cơ sở hạ tầng nào đó có thể được thiết kế nhằm đem lại những lợi ích không đồng đều cho các nước cụ thể: chẳng hạn, đường sá và đường ống dẫn trực tiếp hướng tới Trung Quốc. Tuy nhiên, trong một kỷ nguyên của những thị trường kết nối lẫn nhau và các chuỗi cung ứng toàn cầu, trên thực tế không thể giới hạn “hiệu ứng tràn” tích cực đối với một nước đơn lẻ.

Chủ nghĩa đa phương sẽ vẫn khiến Trung Quốc khó khăn hơn trong việc công khai thao túng các dự án do AIIB tài trợ. Một lý do quan trọng khiến Mỹ thiết lập các thể chế đa phương sau Chiến tranh thế giới thứ Hai là để làm yên lòng các đồng minh của mình rằng tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe và rằng Mỹ sẽ không tìm cách đơn phương chi phối. Chủ nghĩa đa phương không chỉ nâng cao mà còn kiềm chế khả năng của các nước hùng mạnh đạt được điều họ muốn. Bất chấp những hạn chế của việc hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ kể từ cuối Chiến tranh thế giới thứ Hai, sự chú trọng vào chủ nghĩa đa phương của nước này đã là một thành công vang dội.

Hãy lấy thương mại làm ví dụ. Trước những năm 1930, chính sách đối ngoại của Mỹ đã dao động giữa đóng và mở cửa tùy thuộc vào việc đảng chính trị nào kiểm soát Quốc hội. Cấu trúc thương mại hiện nay, ban đầu dựa trên Thỏa thuận chung về Thuế quan và Thương mại và gần đây hơn là Tổ chức Thương mại Thế giới và một loạt dàn xếp khu vực, ngăn chặn những dao động mạnh như vậy. Nó cũng chắc chắn có lợi cho những lợi ích kinh tế của Mỹ bằng cách duy trì dòng chảy thương mại quốc tế tự do.

Lôgích tương tự cũng áp dụng với AIIB. AIIB có thể sẽ đem lại cho Trung Quốc một số lợi thế quan trọng gần giống với những gì mà lần lượt Mỹ và Nhật Bản đã có được trong WB và ADB. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng sẽ bị các thành viên khác của thể chế này kiềm chế. Những lợi thế cấu trúc mà Trung Quốc có được trong AIIB sẽ chỉ có lợi chừng nào các thành viên khác coi trọng thể chế này và cung cấp vốn, nhân lực lành nghề và sự hợp tác. Nếu thể chế này được nhìn nhận là bất công hoặc không minh bạch, nó sẽ trở nên không khác gì một tổ chức vỏ bọc thông qua đó Trung Quốc giải ngân viện trợ nước ngoài song phương.

Nói cách khác, Trung Quốc có một lựa chọn cơ bản. Nước này có thể tạo ra một AIIB cùng có lợi, phản ánh những mối lo ngại lớn hơn của các thành viên, và có lẽ đại diện nhiều hơn cho những lợi ích của Trung Quốc một cách khiêm tốn. Nếu, thay vào đó, Trung Quốc tìm cách chi phối AIIB, thể chế này sẽ không còn thích hợp. Trong trường hợp đầu tiên, tư cách thành viên của Mỹ trong AIIB sẽ đem lại một cơ hội để gây ảnh hưởng và định hình đường lối của một thể chế mà sẽ đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển kinh tế ở châu Á. Trong trường hợp sau, dù sao sẽ không có mối đe dọa có ý nghĩa nào đối với những lợi ích của Mỹ.
TK (Theo mạng Foreign Affairs)