08:21 14/08/2017

Đâu là lý do thực sự khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa chiến tranh với Triều Tiên?

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột coi Triều Tiên là vấn đề đối ngoại ưu tiên hàng đầu khiến dư luận thắc mắc về lý do thực sự của nó. Tiếp đó, sự xuất hiện của hàng loạt ngôn từ mạnh mẽ, nhất là sau khi Bình Nhưỡng đe dọa tấn công đảo Guam bằng tên lửa đạn đạo càng khiến thắc mắc này rộ lên.

Có nhiều giải thích về những phát ngôn mạnh mẽ của ông Trump nhằm vào Triều Tiên. Quan điểm truyền thống cho rằng một phần là do Triều Tiên liên tục thử tên lửa, vi phạm các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; một phần là do ông Trump muốn nhấn mạnh tới sự cần thiết phải triển khai Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ngay ở cửa ngõ của Nga và Trung Quốc.

Theo đài phát thanh Sputnik (Nga), những luận điểm trên không sai và là những lý do rõ ràng nhất đằng sau hành động của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều ẩn sâu mà ít người nghĩ ngay tới.

Chuyên gia cho rằng không phải tự nhiên mà ông Trump làm nóng khủng hoảng Triều Tiên.

Sputnik cho rằng ông Trump không chỉ cần cho Nga và Trung Quốc cũng như thế giới thấy Mỹ có lý khi triển khai THAAD ở Hàn Quốc mà điều quan trọng nhất ông muốn là thuyết phục Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in rằng động thái triển khai THAAD là vì lợi ích tốt nhất của Hàn Quốc.


Tổng thống Moon Jae-in ban đầu hoài nghi về mục đích triển khai THAAD. Một phần lý do khiến ông được bầu làm tổng thống là vì ông chủ trương xu hướng bảo vệ chủ quyền ôn hòa, khiến ông nổi bật hẳn so với các ứng cử viên truyền thống có xu hướng thân Mỹ.


Ngoài ra, chính quyền của ông Moon Jae-in cho tới nay luôn ngăn cản quá trình triển khai THAAD thông qua các biện pháp kiểu như thực hiện đánh giá tác động môi trường của THAAD. Tuy nhiên, khi ông Trump tạo ra một cuộc khủng hoảng mới với Triều Tiên, Tổng thống Moon đã linh hoạt đáng kể khi không tìm cách “ngáng đường”. Điều này cho thấy ông sẽ lùi lại với kế hoạch Chính sách Ánh dương với Triều Tiên.


Với các nhân tố trên, dường như một trong những lý do ngầm khiến Mỹ căng thẳng với Triều Tiên là nhằm buộc Tổng thống Hàn QuốcMoon Jae-in phải chấp nhận THAAD. Nhưng theo Sputnik, mục đích của ông Trump không chỉ có vậy. 


Khi Triều Tiên một lần nữa làm nóng truyền thông thế giới bằng những lời đe dọa tấn công đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương, ông Trump đã có vỏ bọc hoàn hảo để thúc đẩy chi tiêu hàng tỷ USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa ở Mỹ. Điều này có lợi cho tổ hợp công nghiệp-quân sự Mỹ và các cá nhân đầu tư vào các công ty “phù hợp”, trong đó có nhiều người thuộc Quốc hội và chính quyền Mỹ.


Theo nhà phân tích chính trị Andrew Korybko, thành viên hội đồng chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Dự báo tại Đại học Hữu nghị Nhân dân Nga, ông Trump là “bậc thầy” trong đối phó với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông có thể buộc ông Kim Jong-un nói ra những điều kỳ quặc nhất để đáp trả lại những câu bình luận, dòng tweet cố tình khiêu khích của mình. Đây chính xác là điều Mỹ cần để thực hiện mục tiêu liên quan tới THAAD nói trên.


Vấn đề an ninh của Triều Tiên là điều hợp pháp và Triều Tiên có quyền thể hiện chính kiến tùy thích. Tuy nhiên, chính giọng điệu mới là thứ phản tác dụng với lợi ích của chính Triều Tiên và lợi ích của các đối tác đa cực. Vốn là một nhà thương lượng hoàn hảo như tự nhận xét, ông Trump không muốn “lãng phí một cuộc khủng hoảng tốt” và sẽ đạt được một số lợi ích ngoại giao vô hình từ cuộc khủng hoảng. 


Chuyên gia Korybko cũng cho rằng rất có khả năng cuộc khủng hoảng mới nhất ở Bán đảo Triều Tiên xảy ra vào thời điểm này là có tính toán vì nó trùng với cuộc xung đột ở biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc.


Khi Trung Quốc đang đối mặt với hai tình huống sục sôi trên hai mặt trận hoàn toàn đối lập là Ấn Độ và Triều Tiên, đó là chưa kể tới tình trạng căng thẳng vốn có ở Biển Đông, có khả năng ông Trump đã tính toán rằng điều này sẽ phân tán sự chú ý chiến lược của Trung Quốc. Tới một lúc nào đó, Trung Quốc sẽ buộc phải ưu tiên một thứ.


Có vẻ như tính tới hiện nay, Trung Quốc đã chọn ưu tiên vấn đề Ấn Độ hơn bởi xung đột giữa hai nước sẽ làm tan nát tính thống nhất của BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), hậu quả là làm gián đoạn trật tự thế giới đa cực mới nổi.


Nếu điều này là chính xác, có thể giải thích được tại sao Trung Quốc lại khá lãnh đạm trước toàn bộ cuộc khủng hoảng Triều Tiên hiện nay và thậm chí còn ủng hộ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an.


Hơn nữa, người ta cũng có thể thấy Mỹ đã khá thành công trong kế hoạch “ép” Trung Quốc phải nhượng bộ ngoại giao về vấn đề Triều Tiên thông qua Ấn Độ, từ đó mang lại cho ông Trump lợi ích vô hình.


Thùy Dương/Báo Tin Tức